Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Nhồi máu phổi là bệnh lý khó chẩn đoán vì vậy bệnh thường bị bỏ sót hoặc chẩn đoán trễ. Điện tâm đồ là một trong những xét nghiệm cơ bản nhằm tiếp cận chẩn đoán, phát hiện hoặc loại trừ bệnh nhân nghi ngờ bị nhồi máu phổi.
1. Nhồi máu phổi là gì?
Nhồi máu phổi còn có tên gọi khác là thuyên tắc phổi. Đây là tình trạng động mạch phổi bị tắc nghẽn hoặc một trong các nhánh chính của nó bị tắc nghẽn.
Nhồi máu phổi là một biến chứng thường xảy ra đối với bệnh nhân bị tim mạch. Tần suất của bệnh hiện nay có chiều hướng gia tăng do tuổi thọ của con người ngày một cao hơn. Nhồi máu phổi là bệnh lý hết sức nặng nề, thường dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
2. Nguyên nhân gây mắc bệnh nhồi máu phổi
Nguyên nhân hàng đầu khiến nhồi máu phổi là do cục máu đông tồn tại trong mạch máu làm cản trở quá trình lưu thông máu, giảm trao đổi khí khiến cho lượng oxy trong cơ thể sụt giảm.
3. Triệu chứng chẩn đoán nhồi máu phổi
Tắc mạch phổi có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể người bệnh không hề có triệu chứng lâm sàng nhưng cũng có thể có triệu chứng suy huyết động nhanh chóng dẫn đến tử vong.
Người có dấu hiệu bị bệnh nhồi máu phổi bao gồm các triệu chứng:
- Bệnh nhân thường có biểu hiện bồn chồn, lo lắng
- Đau ngực, cảm giác bị nghẹn ngực
- Nhịp thở nhanh
- Nhịp tim nhanh
- Da xanh xao
- Ra nhiều mồ hôi
- Tiếng thở mạnh (do tăng áp động mạch phổi)
- Tĩnh mạch ở cổ nổi
- Ran nổ hoặc cọ màng phổi
- Huyết áp thấp với huyết áp tâm trương <90mmHg với các trường hợp nặng
- Rối loạn ý thức
Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác xuất hiện với tần suất ít hơn ở người bệnh như: ho ra máu, chân bị sưng to, đau chân, đau thắt ngực, bị ngất do lưu lượng máu qua tim giảm tạm thời.
4. Vai trò của điện tâm đồ trong chẩn đoán nhồi máu phổi
Các bất thường khi kiểm tra bằng điện tâm đồ xuất hiện thường có ý nghĩa lớn hỗ trợ bác sĩ trong việc thống kê ở các bệnh nhân nhồi máu phổi. Thang điểm điện tâm đồ được các nhà nghiên cứu đánh giá giúp ích chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu phổi với diện tích dưới đường cong 0,705 (ĐTC 95% 0,628-0,782).
Có thể nói, điện tâm đồ có khả năng xác định người bệnh mắc bệnh nhồi máu phổi từ mức độ thấp đến trung bình. Điện tâm đồ không giúp loại trừ nhồi máu phổi. Khi có biến đổi điện tâm đồ hiện diện, xác suất lâm sàng mắc thuyên tắc phổi gia tăng giúp định hướng chẩn đoán và điều trị tiếp theo.
5. Phương pháp điều trị bệnh nhân bị nhồi máu phổi
Nhồi máu phổi có nguy cơ cao dẫn đến tử nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân mắc bệnh nhồi máu phổi thường được điều trị bằng các phương pháp sau tùy vào tình trạng, mức độ nặng hay nhẹ của bệnh và thời gian nhập viện:
- Phương pháp chống đông: Bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng thuốc chống đông để ức chế hình thành huyết khối, nhằm ngăn chặn sự di chuyển của huyết khối đến các vị trí khác, phá vỡ cục máu đông, điều hòa quá trình đông máu.
- Phẫu thuật: Nếu trong trường hợp khối máu đông có kích thước quá lớn, không thể loại bỏ bằng thuốc, các bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật bằng cách sử dụng ống luồn để lấy cục máu đông ra khỏi cơ thể người bệnh.
- Điều trị dự phòng: Người bệnh sẽ phải sử dụng thuốc chống đông máu kéo dài để điều trị phòng bệnh tái phát sau khi kết thúc quá trình điều trị.
Nhồi máu phổi rất nguy hiểm tới tính mạng. Vì vậy, khi phát hiện bất cứ triệu tức ngực, khó thở và các chứng nào của nhồi máu phổi cần ngay lập tức đến cơ sở y tế, bệnh viện gần để được trợ giúp. Không nên chủ quan, tự điều trị tại nhà vì đây là căn bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng và cần điều trị lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.