Vai trò của chụp cộng hưởng từ trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Cộng hưởng từ không chỉ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh nhanh, chính xác hiện đại nhất hiện nay mà phương pháp này còn có vai trò rất quan trọng trong việc thăm khám và điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.

1. Vai trò của chụp cộng hưởng từ trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tiền liệt tuyến là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở nam giới, gây tử vong do thứ 2 trong các ung thư ở nam giới (sau ung thư phổi). Theo đó, khi bị mắc ung thư tiền liệt tuyến còn trong vỏ bao thì tỷ lệ sống còn của người bệnh sau 5 năm lên tới 100%. Do vậy khi được chẩn đoán sớm tình trạng bệnh thì khả năng chữa khỏi là rất cao.

Chụp cộng hưởng từ tuyến tiền liệt có sử dụng thuốc đối quang là phương pháp được nhiều bệnh viện lớn lựa chọn bởi hình ảnh có độ phân giải và tương phản mô mềm cao, đa bình diện, dễ dàng đánh giá giai đoạn tổn thương ung thư tiền liệt tuyến trước điều trị và theo dõi sau điều trị. Ngoài ra cộng hưởng từ chức năng và cộng hưởng từ động với chất tương phản giúp nâng cao độ nhạy và độ đặc hiệu trong chẩn đoán


Chụp cộng hưởng từ giúp phát hiện sớm và chính xác ung thư tuyến tiền liệt
Chụp cộng hưởng từ giúp phát hiện sớm và chính xác ung thư tuyến tiền liệt

2. Chỉ định và chống chỉ định của phương pháp chụp cộng hưởng từ điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Chỉ định với các đối tượng:

  • Tất cả những trường hợp bệnh nhân nam có nghi ngờ ung thư tiền liệt tuyến dựa trên các chẩn đoán lâm sàng hoặc các phương tiện hình ảnh và các xét nghiệm khác.
  • Đánh giá các biến chứng sau phẫu thuật vùng chậu
  • Trước khi sinh thiết để chẩn đoán ung thư
  • Đánh giá sau xạ trị và hóa trị
  • Nhiễm trùng hoặc abscess tiền liệt tuyến
  • Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt tái phát
  • Đánh giá trước phẫu thuật và bất thường bẩm sinh
  • Phì đại tiền liệt tuyến

Chống chỉ định với các đối tượng:

Phương pháp chụp cộng hưởng từ tuyến tiền liệt được chỉ định và chống chỉ định trong những trường hợp sau đây:

Chống chỉ định tuyệt đối

  • Người bệnh trong quá trình thực hiện chụp không được mang các thiết bị điện tử như máy điều hòa nhịp tim, máy chống rung, máy trợ thính, cấy ghép ốc tai, trang sức kim loại, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da, Neurostimulator...
  • Các kẹp bằng kim loại sử dụng trong các phẫu thuật nội sọ, hốc mắt, mạch máu dưới 6 tháng.
  • Nếu tình trạng bệnh của bệnh nhân nghiêm trọng thì cần có thiết bị hồi sức cạnh người.

Chống chỉ định tương đối

  • Các thanh kẹp phẫu thuật bằng kim loại trên 6 tháng
  • Tâm lý của người bệnh như: Sợ bóng tối, sợ không gian hẹp, sợ ở một mình,...

3. Chuẩn bị cho người bệnh trước khi tiến hành chụp

Các loại thuốc sử dụng trong quá trình chụp cộng hưởng từ:

Những lưu ý đối với người bệnh:

  • Cần lắng nghe và làm theo hướng dẫn của cán bộ y tế phụ trách chụp chiếu để quá trình làm việc diễn ra thuận lợi.
  • Tuân thủ các chống chỉ định đã nêu ở mục 2.
  • Sử dụng quần áo chuyên dụng cho phòng chụp cộng hưởng từ.
  • Có giấy yêu cầu chụp của bác sĩ thực hiện chẩn đoán lâm sàng, hồ sơ bệnh án đầy đủ (nếu cần).
  • Cho bệnh nhân nhịn tiểu trước thăm khám 15-20 phút
  • Được giải thích quy trình thực hiện
  • Được cung cấp nút tai hoặc bảo vệ tai
  • Loại bỏ bất cứ thứ gì có chứa kim loại (răng giả, máy trợ thính, kẹp tóc, trang sức, vòng tai...)
  • Đặt đường truyền tĩnh mạch trước khi vào phòng chụp
  • Đảm bảo rằng bệnh nhân đã hiểu và điền vào bảng cam kết đồng ý chụp cộng hưởng từ.

Bệnh nhân cần tuân theo hướng dẫn của cán bộ y tế trong quá trình chụp cộng hưởng từ
Bệnh nhân cần tuân theo hướng dẫn của cán bộ y tế trong quá trình chụp cộng hưởng từ

4. Các bước tiến hành chụp cộng hưởng tuyến tiền liệt

Để việc chụp cộng hưởng từ đem lại kết quả cao thì bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng các bước tiến hành mà các y, bác sĩ yêu cầu:

Tư thế nằm của bệnh nhân

  • Bác sĩ hướng dẫn tư thế nằm ngửa trên bàn chụp cộng hưởng từ.
  • Lựa chọn vị trí và định vị cuộn thu tín hiệu.
  • Di chuyển bàn chụp vào vùng từ trường của máy và định vị vùng chụp

Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ tuyến tiền liệt

  • Tiến hành đặt đường truyền tĩnh mạch bằng kim 18G, nối với máy bơm tiêm điện 2 nòng trong đó 1 nòng chứa thuốc đối quang từ và 1 nòng chứa nước muối sinh lý. Lượng thuốc đối quang từ sử dụng thông thường là 0.2ml/kg cân nặng.
  • Chụp định vị

Chụp trước tiêm thuốc đối quang từ

  • Chuỗi xung 1: T2W cắt ngang, phía trên vùng nền chậu (hướng dẫn trên hình hình định vị mặt phẳng đứng dọc), độ dày lát cắt 3-4 mm, khoảng cách giữa các lát cắt 10% độ dày lát cắt (0,3-0,4 mm hoặc hệ số 1.1)
  • Chuỗi xung 2: T1W cắt ngang, cắt ngang qua tiền liệt tuyến (hình định vị mặt cắt đứng dọc), bề dày lớp cắt 2-3 mm, bước nhảy 0-10% bề dày lớp cắt (0-0,3 mm hoặc tỷ lệ 1.0-1.1)
  • Chuỗi xung thứ 3: T2W đứng ngang, bề dày lớp cắt 3mm, bước nhảy 0-10% bề dày lớp cắt (0-0,3mm hoặc tỷ lệ 1.0-1.1)
  • Chuỗi xung thứ 4: T2W cắt ngang, bề dày lớp cắt 3mm, bước nhảy 0-10% bề dày lớp cắt (0-0,3mm hoặc tỷ lệ 1.0-1.1)
  • Chụp sau tiêm thuốc đối quang từ
  • Tiến hành tiêm thuốc đối quang từ với liều 0,1 mmol gadolinium/kg cân nặng, tốc độ 2ml/giây.
  • Chuỗi xung thứ 5: T1W cắt ngang, tương tự chuỗi xung thứ 2
  • Chuỗi xung thứ 6: cắt ngang mức tiền liệt tuyến mặt phẳng đứng dọc hoặc đứng ngang, bề dày lớp cắt 2-3 mm, bước nhảy 0-10% bề dày lớp cắt (0-0,3mm hoặc tỷ lệ 1.0-1.1).

Đối với bệnh nhân gây ta có thể sử dụng cuộn thu tín hiệu trong trực tràng hoặc cuộn thu tín hiệu thành bụng ở vị trí trên bụng vùng tiểu khung và cố định bằng dây bảo hiểm, sử dụng trường nhìn nhỏ.

5. Đánh giá sau khi chụp cộng hưởng từ

  • Ảnh chụp cộng hưởng từ phải hiển thị rõ nét được toàn bộ tiền liệt tuyến và các cơ quan lân cận như túi tinh, trực tràng...ở các hướng đứng dọc, ngang và đứng ngang.
  • Đánh giá được mức độ ngấm thuốc đối quang của tổn thương (nếu có).

6. Tai biến trong quá trình chụp và cách xử lý

Khi thực hiện kỹ thuật chụp cộng hưởng từ nếu xảy ra tai biến thì bác sĩ cần nhanh chóng xử lý tai biến như sau:

  • Tình trạng bệnh nhân sợ hãi, kích động, hoảng loạn tâm lý. Lúc này bác sĩ thực hiện chụp cần động viên, an ủi trấn an tình thần người bệnh.
  • Trong trường hợp quá lo lắng, sợ hãi thì có thể sử dụng thuốc an thần với sự theo dõi của bác sĩ gây mê.
  • Tai biến liên quan đến thuốc đối quang được xử lý theo quy định được ban hành và hướng dẫn của Bộ Y tế

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe