Uống thuốc kích trứng có ảnh hưởng gì không đang là câu hỏi được nhiều chị em phụ nữ đặt ra trong quá trình điều trị hiếm muộn. Tùy vào tình trạng sức khoẻ, mỗi người sẽ xuất hiện các tác dụng phụ khác nhau như: đau bụng dưới, buồn nôn, chóng mặt… Cùng bài viết tìm hiểu thêm về ảnh hưởng của thuốc kích trứng đối với sức khỏe phụ nữ nhé!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Th.S BS Nguyễn Thị Tâm Lý, chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, tại Vinmec Times City.
1. Kỹ thuật kích thích buồng trứng là gì
Kỹ thuật kích thích buồng trứng, hay còn được gọi kích trứng, là việc sử dụng các loại thuốc để tác động lên trục nội tiết sinh sản.
Các thuốc này thúc đẩy quá trình phát triển của các nang noãn trong buồng trứng đến giai đoạn trưởng thành và kích thích quá trình rụng trứng diễn ra đúng thời điểm cần thiết.
Số lượng trứng thu được có thể ít hoặc nhiều tùy thuộc vào dự trữ buồng trứng của bệnh nhân, khả năng đáp ứng với thuốc, phác đồ điều trị và mong muốn của gia đình.
Các nang trứng thu được từ quá trình kích trứng sẽ được sử dụng trong thụ tinh nhân tạo (IUI) hoặc thụ tinh ống nghiệm IVF. Trong trường hợp IVF, mục tiêu của phương pháp này là thu thập nang trứng trưởng thành nhiều nhất có thể, mà vẫn đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ mắc phải hội chứng quá kích buồng trứng.
Thông thường, quá trình kích trứng được thực hiện vào ngày thứ hai hoặc thứ ba của chu kỳ kinh nguyệt nếu điều kiện sức khỏe cho phép.
Người vợ có khả năng sử dụng thuốc kích trứng qua đường uống, tiêm hoặc cả hai. Thời gian kích trứng kéo dài khoảng 9-12 ngày, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Bác sĩ sẽ theo dõi quá trình phát triển của nang noãn thông qua siêu âm và xét nghiệm nội tiết, từ đó điều chỉnh liều lượng thuốc theo khả năng đáp ứng của bệnh nhân.
Khi kích thước nang noãn đạt mức mong muốn, bác sĩ sẽ tiêm mũi thuốc giúp trứng trưởng thành. Sau khoảng 36-40 giờ, các bác sĩ sẽ tiến hành bơm tinh trùng vào buồng tử cung trong trường hợp làm IUI hoặc chọc hút noãn để tiến hành IVF.
Quá trình sử dụng thuốc kích trứng làm thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể, khiến cho buồng trứng phát triển lớn hơn. Vậy, phụ nữ uống thuốc kích trứng có ảnh hưởng gì không?
Người vợ thường sẽ cảm thấy đau nhức ở vùng bụng dưới, buồn nôn, bầu ngực căng tức và tăng tiết dịch âm đạo. Những triệu chứng này chỉ xuất hiện vào những ngày cuối của quá trình kích trứng và sẽ nhanh chóng biến mất sau rụng trứng hoặc sau chọc hút trứng.kích thích buồng trứng là pháp hữu ích giúp tăng khả năng thụ thai. Tuy nhiên, chị em phụ nữ không nên tự ý sử dụng, phương pháp này chỉ nên thực hiện dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Ngoài ra, phác đồ điều trị, lượng thuốc cần thiết và thời gian thực hiện phải được cá nhân hóa dựa trên tình trạng sức khỏe của người vợ. Điều này giúp người vợ tránh được các nguy cơ không mong muốn như quá kích buồng trứng hoặc đa thai do kỹ thuật kích thích buồng trứng.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, quá kích buồng trứng có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, xoắn buồng trứng, vỡ nang, tràn dịch vào ổ bụng, màng tim và màng phổi, gây phù phổi, thậm chí gây tử vong.
2. Uống thuốc kích trứng có ảnh hưởng gì không?
Sau khi người vợ sử dụng thuốc kích thích buồng trứng sẽ có thể gặp một số tác dụng phụ. Thuốc có tác dụng làm tăng kích thước các nang trứng của hai buồng trứng, vì vậy người vợ sẽ trải qua cảm giác đau nặng ở vùng bụng dưới. Cùng với đó là cảm giác buồn nôn, căng tức ở vùng ngực.
Tuy nhiên, những tác dụng phụ này thường sẽ biến mất nhanh chóng sau khi quá trình kích thích buồng trứng đã thành công
Nếu cảm thấy quá lo lắng, các cặp vợ chồng có thể liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn về cách giải quyết và cải thiện những triệu chứng, tác dụng phụ không mong muốn mà không ảnh hưởng đến quá trình hỗ trợ sinh sản đang diễn ra.
Để quá trình kích trứng có kết quả tốt nhất, các cặp vợ chồng nên duy trì tâm lý thoải mái và tuân thủ chế độ dinh dưỡng khoa học.
Chế độ ăn hợp lý nên tập trung vào việc tăng cường tiêu thụ rau củ và hoa quả, hạn chế lượng chất béo động vật và thực phẩm chế biến sẵn hoặc chiên rán, uống đủ nước; tránh uống rượu bia, cà phê, các chất kích thích và không hút thuốc lá.
Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng cần hạn chế quan hệ tình dục mạnh để tránh nguy cơ xoắn buồng trứng và vỡ nang trứng trong thời gian kích trứng.
Nếu sau quá trình kích trứng, người vợ xuất hiện các triệu chứng như khó thở, chóng mặt, đau bụng, bụng phình to, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, đây có khả năng là dấu hiệu của quá kích buồng trứng. Trong trường hợp này, người vợ cần thông báo ngay cho bác sĩ và đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Kích trứng là giai đoạn quan trọng trong khi điều trị vô sinh hoặc hiếm muộn. Vì vậy, các cặp vợ chồng nên chọn các cơ sở y tế uy tín có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và thiết bị hiện đại.
Bác sĩ có chuyên môn sẽ chỉ định điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp tùy thuộc vào tình trạng cụ thể và khả năng phản ứng với thuốc của người vợ. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng và lối sống để đảm bảo chất lượng trứng tốt nhất mà vẫn bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống sau này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.