Giảm cân là mong muốn của bệnh nhân béo phì, đặc biệt là với phụ nữ. Điều này dẫn đến việc tìm đến các sản phẩm giảm cân với mong muốn kiểm soát cân nặng càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, việc dùng thuốc không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Vậy uống thuốc giảm cân có ảnh hưởng gì không?
1. Tổng quan về các thuốc giảm cân
Giảm cân là mong muốn của rất nhiều người nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng sức khỏe do thừa cân gây ra. Việc lạm dụng thuốc giảm cân có thể mang lại vô số tác hại nghiêm trọng. Vậy uống thuốc giảm cân có ảnh hưởng gì không? Theo các chuyên gia, trừ trường hợp do bệnh lý (liên quan đến hội chứng chuyển hóa hay các rối loạn nội tiết...), đa phần nguyên nhân gây béo phì là do mất cân bằng giữa 2 yếu tố là chế độ dinh dưỡng và chế độ vận động thể lực. Do đó, biện pháp giảm cân an toàn nhất và hiệu quả nhất vẫn là thực hiện chế độ ăn kiêng và tập thể dục thể thao theo chỉ định của bác sĩ.
Các loại thuốc giảm cân theo toa chỉ được sử dụng trong trường hợp chỉ số BMI trên 30 hoặc trên 27 kèm theo các yếu tố nguy cơ như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu hay chứng ngưng thở lúc ngủ. Khi đó, việc giảm cân bằng thuốc kê toa nhằm hạn chế các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo các chuyên gia, thuốc giảm cân là sản phẩm giúp bệnh nhân thừa cân, béo phì kiểm soát được cân nặng và bắt buộc phải kết hợp với chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất hợp lý.
Một số thuốc giảm cân được FDA chấp thuận bao gồm:
- Nhóm ức chế sự thèm ăn: Đa số thuốc được FDA cho phép sử dụng đều có tác dụng ức chế cảm giác thèm ăn thông qua cơ chế tác động đến 1 hoặc nhiều chất dẫn truyền thần kinh của não bộ. Mục đích khi sử dụng nhóm thuốc này là giúp bệnh nhân béo phì cảm thấy ít đói hoặc no lâu hơn. Một số thuốc tiêu biểu của nhóm này có thể kể đến như:
- Belviq (Lorcaserin): Giảm thèm ăn và tăng cảm giác no thông qua một receptor của Serotonin não bộ;
- Thuốc phối hợp Bupropion/Naltrexone: Sự kết hợp 1 hoạt chất chống trầm cảm (Bupropion) và một thuốc hỗ trợ cai rượu và ma túy (Naltrexone) hỗ trợ kiềm chế cảm giác đói và thèm ăn của bệnh nhân;
- Saxenda (Liraglutide): Tác dụng chính là kiểm soát đường huyết và nồng độ Insulin máu, tuy nhiên vẫn có thể hỗ trợ giảm cân;
- Qsymia (Phentermin/Topiramate ER): Phentermin ức chế sự thèm ăn như Amphetamin;
- Thuốc ức chế lipase: Orlistat (Xenical) được FDA chấp thuận vào năm 1999 để điều trị lâu dài bệnh nhân béo phì. Hoạt chất này ức chế quá trình hấp thụ chất béo lên đến 30%. Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế enzym Lipase (do tuyến tụy tiết ra nhằm phân hủy chất béo), do đó chất béo không được tiêu hóa sẽ đào thải ra ngoài theo phân.
Mặc dù các thuốc giảm cân kể trên đã được FDA chấp thuận nhưng việc sử dụng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Thuốc giảm cân nhóm Amin tương tự giao cảm kích thích chức năng tim mạch, qua đó dẫn đến tăng huyết áp và tăng nhịp tim;
- Chất ức chế Lipase được ghi nhận liên quan đến nguy cơ tổn thương gan (mặc dù hiếm gặp), do đó bệnh nhân béo phì khi sử dụng cần cảnh giác với các triệu chứng như ngứa, vàng da, chán ăn, phân và nước tiểu có màu bất thường;
- Qsymia có hoạt chất Topiramate có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng nếu dùng trong giai đoạn mang thai;
- Saxenda: Được cho là có liên quan đến ung thư khối u tế bào C tuyến giáp ở động vật. Do đó không sử dụng nếu tiền sử cá nhân hoặc gia đình từng bị ung thư biểu mô tuyến giáp;
- Belviq: Nguy cơ tương tác với một số thuốc chống trầm cảm và thuốc điều trị đau nửa đầu có tác động đến Serotonin não bộ.
2. Uống thuốc giảm cân có ảnh hưởng gì không?
Uống thuốc giảm cân hại thận là vấn đề được rất nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây. Vậy thực hư vấn đề này ra sao? Cần nhấn mạnh lại, các sản phẩm thuốc giảm cân không kê đơn hoàn toàn không hiệu quả và cực kỳ không an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, các sản phẩm như vậy lại tràn lan trên thị trường hiện nay và được quảng cáo với những công dụng thần kỳ như giảm 5-7kg trong thời gian ngắn. Các sản phẩm giảm cân rất khó kiểm chứng tác dụng và thậm chí còn chứa một số chất đã bị cấm sử dụng.
Theo các bác sĩ, các thuốc giảm cân không nguồn gốc có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nguy hiểm như sau:
2.1. Ảnh hưởng tim mạch
Các sản phẩm giảm cân không kê đơn và không rõ nguồn gốc được quảng cáo với khả năng vừa kích thích trao đổi chất, vừa giảm cảm giác thèm ăn nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Thực tế, những tác dụng này làm chúng ta nghĩ ngay đến loại thuốc giảm cân chứa chất kích thích, cụ thể là Amphetamine hoặc kết hợp Caffeine, Guarana hay các chất tương tự Amphetamine khác. Tuy nhiên, Amphetamine là một dạng ma túy nên đã bị cấm sử dụng trong thuốc từ lâu.
Những hoạt chất kích thích thần kinh này sẽ dẫn đến tăng huyết áp và tăng nhịp tim. Do đó khi sử dụng ở người có tiền sử mắc bệnh tim sẽ làm tăng nguy cơ bệnh chuyển nặng và đối mặt với nhiều nguy hiểm.
Ngoài ra, trước khi bị FDA cấm lưu hành vào năm 2004, một số loại thuốc giảm cân có chứa Ephedra (một chất kích thích có nguồn gốc thảo dược) đặc biệt nguy hiểm khi sử dụng ở liều cao với khả năng dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong.
2.2. Uống thuốc giảm cân có hại thận không?
Uống thuốc giảm cân hại thận là chủ đề được rất nhiều người quan tâm. Theo các bác sĩ, tình trạng suy thận do thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc sẽ diễn tiến rất nhanh chỉ sau hơn 1 tháng sử dụng. Giai đoạn đầu, người bệnh tăng số lần đi tiểu trong ngày, kèm theo đó là giảm cân nhanh chóng (mất khoảng 10% trọng lượng trong 1-2 tuần) và sau đó sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng suy đa cơ quan như suy thận cấp, suy gan cấp, phù toàn thân, cơ thể mệt mỏi...
Đối với nhiều người, đặc biệt là đối tượng phụ nữ, tình trạng thừa cân, béo phì luôn là nỗi ám ảnh. Đánh vào tâm lý này mà nhiều sản phẩm giảm cân thần tốc được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội với ưu điểm an toàn do chiết xuất từ thảo dược, và đáng cảnh báo khi được rất nhiều người mua dùng. Các bác sĩ cho biết đặc điểm chung của các sản phẩm giảm cân không nguồn gốc là gây lợi tiểu mạnh, dẫn đến mất nước và sụt cân nhanh nên đáp ứng mong muốn của rất nhiều người. Tuy nhiên, những sản phẩm này đều ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe dù chỉ dùng trong thời gian ngắn, bao gồm tăng nguy cơ tai biến, tăng huyết áp và đặc biệt nguy hiểm là độc tính phá hủy cầu thận không hồi phục, từ đó dẫn đến hại chức năng thận mà cụ thể là suy thận vĩnh viễn.
2.3. Ảnh hưởng tiêu hóa
Song song với tác dụng giảm cân nhanh chóng, việc sử dụng các thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến các vấn đề khó chịu (đôi khi rất nghiêm trọng) ở ống tiêu hóa. Nhiều sản phẩm giảm cân hoạt động bằng cơ chế ngăn chặn hoặc giảm sự hấp thụ chất béo trong cơ thể, qua đó ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và gây ra một loạt các tác dụng không mong muốn từ nhẹ đến nặng như sau:
- Đầy hơi, chướng bụng;
- Buồn nôn, nôn ói;
- Dạ dày co thắt;
- Tiêu lỏng hoặc táo bón;
- Mất kiểm soát cơ thắt hậu môn, dẫn đến đại tiện không tự chủ.
2.4. Rối loạn tâm thần và cảm xúc
Uống thuốc giảm cân có ảnh hưởng gì không và có an toàn không? Những sản phẩm chứa chất kích thích thần kinh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và cảm xúc người dùng, đặc biệt khi uống trong một thời gian dài hoặc lạm dụng quá mức. Các vấn đề có thể kể đến như kích động, cảm thấy khó chịu, thay đổi tâm trạng và hồi hộp.
Nếu có tiền sử rối loạn lo âu hoặc trầm cảm, việc sử dụng thuốc giảm cân không rõ thành phần có thể làm các triệu chứng bệnh trầm trọng hơn, đặc biệt là nguy cơ dẫn đến các cơn hoảng loạn và những suy nghĩ/hành vi tự tử.
2.5. Gây nghiện
Một tác hại nghiêm trọng nhưng âm thầm của thuốc giảm cân mà ít người đề phòng chính là nguy cơ gây nghiện, chủ yếu liên quan đến thành phần Amphetamine. Theo FDA, những người sử dụng sản phẩm có chứa Amphetamin đều có khả năng cao dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc.
Đặc biệt, những người đã nghiện thuốc giảm cân có thành phần kích thích sẽ cố tìm đến những chất kích thích mạnh hơn và thường là bất hợp pháp như Cocaine hoặc Methamphetamine. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm do có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn dù mục đích ban đầu chỉ đơn thuần là giảm cân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.