Ăn uống vô độ theo cảm xúc không giúp chúng ta loại bỏ hoàn toàn căng thẳng. Việc ăn quá nhiều, đặc biệt là các loại thực phẩm nhiều calo, đồ ngọt và chất béo có thể phá huỷ nỗ lực giảm cân của bạn.
1. Ăn uống theo cảm xúc là gì?
Ăn uống theo cảm xúc là hành vi tìm đến thức ăn để kìm hãm hoặc xoa dịu những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như căng thẳng, tức giận, sợ hãi, buồn chán và cô đơn. Cũng có người ăn uống vì muốn thư giãn hoặc để tự thưởng cho bản thân.
Khi ăn uống vô độ theo cảm xúc, ta thường có xu hướng ăn các loại đồ ăn vặt, đồ ngọt hoặc thức ăn nhanh. Những món ăn này dùng để đáp ứng nhu cầu về cảm xúc, chứ không phải là để xoa dịu cơn đói từ dạ dày. Thực tế, ăn uống theo cảm xúc không những không khắc phục được các cảm xúc tiêu cực mà còn khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn sau đó.
2. Nguyên nhân dẫn đến ăn uống vô độ theo cảm xúc
Việc xác định nguyên nhân giúp ta tìm ra cách khắc phục thói quen ăn uống vô độ một cách hiệu quả nhất. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:
- Áp lực căng thẳng trong cuộc sống: Đối với bệnh nhân bị căng thẳng mãn tính, hormone chống căng thẳng (cortisol) được tiết ra liên tục. Cortisol tăng cao sẽ kích thích cảm giác thèm ăn mặn, ngọt và các món chiên.
- Cảm xúc dồn nén: Thức ăn thường được dùng để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, đặc biệt trên bệnh nhân trầm cảm. Khi nhồi nhét bản thân bằng thức ăn, bạn có thể tạm quên đi những cảm xúc đó.
- Chán nản hoặc cảm giác trống rỗng: Ăn uống để xoa dịu sự buồn chán, lấp đầy khoảng trống trong cuộc sống. Thức ăn đơn thuần chỉ là công cụ để miệng hoạt động và chiếm dụng thời gian trôi qua nhàm chán.
- Những thói quen thời thơ ấu: Việc được bố mẹ thưởng quà bánh hoặc dẫn đi ăn mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ (như kết quả học tập tốt, làm việc tốt) có thể hình thành thói quen và kéo dài đến khi trưởng thành. Đôi khi, việc ăn một món ăn đặc thù nào đó là hình thức để khơi gợi lại kỉ niệm và gợi nhớ về người thân.
- Ảnh hưởng xã hội: Cùng nhau dùng bữa với người thân và bạn bè là một trong những cách để giải tỏa căng thẳng. Nhưng khi ăn cùng mọi người, ta sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn, có thể vì thức ăn mới lạ hoặc đơn giản chỉ vì mọi người đang ăn.
3. Cách khắc phục ăn uống theo cảm xúc
Nếu bạn không thể kiểm soát cảm xúc bằng những phương pháp không liên quan đến thức ăn thì không thể khắc phục thói quen ăn uống vô độ. Ngoài ra, việc giảm cân theo chế độ ăn khoa học cũng sẽ thất bại nếu bạn không kiểm soát được thói quen ăn uống.
Khi có cảm xúc thôi thúc thèm ăn, bạn có thể thực hiện các mẹo sau:
- Ghi nhật ký thực phẩm: Lập danh sách về các loại thức ăn của bạn kèm theo thời gian khi ăn, số lượng thức ăn, tâm trạng lúc ăn và cảm giác đói khi đó. Dựa vào đây ta có thể thấy mối liên quan giữa cảm xúc và cảm giác thèm ăn.
- Giải quyết căng thẳng: Nếu thói quen ăn uống liên quan đến stress, hãy thử các phương pháp quản lý căng thẳng như yoga, thiền hoặc hít thở sâu.
- Xác nhận lại tình trạng đói: Cần xác định lại nguyên nhân đói là do thể chất hay cảm xúc? Bạn vừa ăn gần nhất cách đây bao lâu?
- Chống lại sự nhàm chán và trống rỗng: Thay vì dùng thức ăn để lấp đầy khoảng trống, hãy đánh lạc hướng bản thân bằng những hành vi khác lành mạnh hơn, chẳng hạn như đi dạo, xem phim, nghe nhạc hoặc gọi điện cho bạn bè, người thân.
- Loại bỏ các cám dỗ: Không để các loại thức ăn vặt, đồ ăn nhanh trong phòng.
- Ăn nhẹ lành mạnh. Nếu không thể loại bỏ sự thèm ăn, hãy ăn các loại thực phẩm ít calo như trái cây tươi, rau củ, các loại hạt hoặc ngũ cốc nguyên hạt.
Tóm lại, ăn uống vô độ theo cảm xúc không giúp chúng ta loại bỏ cảm giác căng thẳng mà còn phá huỷ nỗ lực giảm cân của bạn. Do đó, nếu bạn không thể kiểm soát cảm xúc bằng những phương pháp không liên quan đến thức ăn thì cần có chế độ ăn uống khoa học cũng như tập thể dục mỗi ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, webmd.com