Ung thư vú có rất nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau, nhưng uống rượu là yếu tố nguy cơ mà ít người biết tới và ít cảnh giác nhất. Phần lớn mọi người lại không hề để ý tới mối nguy cơ dẫn tới ung thư vú cùng nhiều loại ung thư khác từ rượu, bia hoặc các thức cocktail. Trên thực tế tại Hoa Kỳ cứ 10 người thì 7 người không để tâm tới mối liên hệ này.
1. Tại sao các loại đồ uống có cồn lại có nguy cơ gây ung thư vú và các loại ung thư khác?
Các nhà nghiên cứu đã thấy rằng sau khi tiêu thụ rượu hoặc các đồ uống chứa cồn, trong cơ thể sinh ra các chất hóa học và diễn ra các thay đổi vật lý, khiến các loại ung thư có cơ hội phát triển. Cồn chịu trách nhiệm trực tiếp cho khoảng 5% số trường hợp mắc mới ung thư và tử vong có liên quan tới ung thư trên toàn thế giới.
Cồn có thể đi vào tế bào khá dễ dàng, gây tổn hại tới DNA cùng hàng loạt các biến đổi khác trong cơ thể:
- Các chất hóa học độc hại: Khi cơ thể chuyển hóa ethanol (cồn), các hợp chất khác nhau được sinh ra và chúng được tin là có khả năng gây ung thư vú.
- Đột biến DNA: Cồn có khả năng gây kích thích và gây viêm các mô và các cơ quan, khiến cơ thể phải tiến hành sửa chữa những tổn hại xảy ra. Càng sửa chữa nhiều, nguy cơ xảy ra “lỗi” càng cao, DNA bị biến đổi và đó là khởi đầu của các tế bào ung thư.
- Nội tiết tố: Cồn có thể làm tăng nồng độ của nội tiết tố estrogen ở phụ nữ, từ đó kích thích ung thư phát triển.
- Vấn đề về dinh dưỡng: Cồn làm giảm khả năng hấp thu các vitamin và dưỡng chất (chẳng hạn như folate) của cơ thể, qua đó có thể tác động lên nguy cơ ung thư.
- Tăng cân: Cồn cung cấp một lượng tương đối lớn năng lượng, và thừa cân, béo phì có mối liên hệ với nhiều loại ung thư khác nhau.
2. Cồn và ung thư vú
Thông thường càng uống nhiều thì nguy cơ mắc ung thư càng gia tăng. Những người uống rất nhiều, những người lạm dụng (tiêu thụ từ 2 tới 3 khẩu phần uống mỗi ngày) là những người có khả năng mắc và tử vong vì ung thư cao nhất.
Thậm chí ngay cả người uống khá ít (không quá 3 khẩu phần uống mỗi tuần) thì nguy cơ mắc ung thư cũng vẫn cao hơn so với những người không uống. Đối với phụ nữ thì số lượng cồn tiêu thụ mỗi tuần có tương quan tỉ lệ thuận với nguy cơ mắc ung thư vú.
3. Rượu và đồ uống có cồn uống bao nhiêu là quá nhiều?
Nguy cơ sẽ là lớn nhất khi một người tiêu thụ trên 4 khẩu phần uống trong một ngày. Theo khuyến cáo của chính phủ Hoa Kỳ, mỗi ngày nam giới không nên tiêu thụ quá 28 g cồn và nữ giới không quá 14 g cồn (nếu thỉnh thoảng mới sử dụng đồ uống có cồn thì nam giới không nên quá 56 g cồn mỗi lần uống, nữ giới không quá 42 g cồn).
Còn theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) thì nam giới không nên tiêu thụ quá hai khẩu phần uống mỗi ngày, còn nữ giới hãy giới hạn ở mức một khẩu phần uống mỗi ngày (với khẩu phần uống tiêu chuẩn được định nghĩa là 1 cốc rượu nồng độ cồn 12% có thể tích 5 ounce ~ 148 ml).
Thể tích cồn có trong rượu được ước tính bằng cách lấy thể tích của đồ uống (đơn vị mL) nhân với số phần trăm cồn, ví dụ, thể tích cồn của 148 mL đồ uống 12% cồn là 148 x 12% = 17,76 mL; mỗi mL chứa khoảng 0,79 g cồn, vậy khối lượng cồn là 17,76 x 0,79 = 14,03 g. Qua tính toán có thể thấy khuyến cáo của chính phủ Hoa Kỳ với khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ là như nhau.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com