Ăn uống lành mạnh trong giai đoạn điều trị ung thư

Các biện pháp điều trị ung thư như xạ trị, hoá trị và phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Tuy nhiên, việc lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh có thể giúp bạn kiểm soát được những vấn đề này, đồng thời tăng hiệu quả điều trị bệnh.

1. Có chế độ ăn kiêng hiệu quả nào dành cho bệnh nhân ung thư không?

Hiện nay, có nhiều cuộc tranh luận về các chế độ ăn kiêng đặc biệt có thể giúp những bệnh nhân ung thư điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh tái phát, chẳng hạn như chế độ ăn chay hoặc thuần chay. Tuy nhiên, thực tế không có bất kỳ một chế độ ăn uống nào có khả năng chữa khỏi bệnh ung thư. Hơn nữa, hiện cũng không có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra rằng chế độ ăn kiêng (ví dụ như ăn chay) có thể làm giảm nguy cơ tái phát ung thư. Do đó, trước khi thực hiện theo một chế độ ăn uống nào đó, bạn nên trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để xác định xem liệu nó có phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mình hay không.

Những bệnh nhân ung thư nên cố gắng tuân thủ theo một chế độ ăn uống cân bằng với trái cây, protein, ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít béo. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế tiêu thụ nhiều đường, đồ uống chứa caffein, thực phẩm nhiều muối và rượu.


Bệnh nhân ung thư cần một chế độ ăn khoa học, dinh dưỡng
Bệnh nhân ung thư cần một chế độ ăn khoa học, dinh dưỡng

2. Chế độ ăn uống lành mạnh trong giai đoạn điều trị ung thư

Chế độ dinh dưỡng tốt khi điều trị ung thư rất quan trọng. Thông thường, cơ thể sẽ luôn phải cần đến một lượng calo và các chất dinh dưỡng nhất định để có thể duy trì được sức khoẻ. Tuy nhiên, căn bệnh ung thư có thể khiến cho cơ thể bạn khó hấp thụ được đầy đủ các chất dinh dưỡng quan trọng, thậm chí gây ra cảm giác chán ăn, từ đó dẫn đến tình trạng suy nhược.

Trong giai đoạn điều trị ung thư, bạn không cần phải ăn kiêng một cách nghiêm ngặt hay khổ sở, thay vào đó việc thực hiện một vài biện pháp ăn uống lành mạnh cũng có thể giúp bạn tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng, ăn ngon miệng hơn và cải thiện được các chức năng của hệ miễn dịch, giúp chống chọi lại với bệnh tật.

2.1 Lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh

Trong quá trình điều trị ung thư, điều quan trọng là nên tránh áp dụng một chế độ ăn kiêng khắc nghiệt vì nó có thể khiến cho cơ thể bạn bị thiếu hụt đi những chất dinh dưỡng quan trọng. Thay vào đó, bạn nên có cách xây dựng chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Trước hết, bạn cần tìm đến sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa ung thư hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định xem liệu cơ thể bạn có cần nạp thêm calo hay protein để giữ sức trong suốt quá trình điều trị hay không.

Dưới đây là một số lựa chọn thực phẩm lành mạnh dành cho những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị bệnh ung thư, bao gồm:

  • Ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt;
  • Nước ép rau hoặc nước ép 100% trái cây. Trong quá trình chế biến, bạn cần đảm bảo đã tiệt trùng những loại thực phẩm này vì cơ thể bạn thường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng khi đang điều trị bệnh ung thư;
  • Ăn các món ăn không có thịt khoảng vài lần một tuần, chẳng hạn như món lasagna chay hoặc món rau xào;
  • Nên ăn món salad nhiều rau xanh vào bữa tối, trừ trường hợp bác sĩ yêu cầu bạn tránh ăn rau sống;
  • Hạn chế ăn những thực phẩm có chứa nhiều đường hoặc calo nhưng ít giá trị dinh dưỡng;
  • Lựa chọn các loại thịt nạc hoặc cá thay vì ăn thịt đỏ và thịt đã qua chế biến.

Các loại ngũ cốc được khuyến khích sử dụng thường xuyên
Các loại ngũ cốc được khuyến khích sử dụng thường xuyên

2.2 Cố gắng ăn ngay cả khi bạn không có cảm giác thèm ăn

Chán ăn là một trong những triệu chứng thường gặp trong quá trình điều trị ung thư. Một số phương pháp điều trị ung thư như hoá trị và xạ trị có thể khiến cho thức ăn có mùi vị khó chịu. Mặc dù điều đó có thể khiến cho bạn không muốn ăn, nhưng điều quan trọng là phải bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Dưới đây là một số cách giúp các bệnh nhân ung thư có thể cải thiện khẩu vị ăn uống của mình, đồng thời giúp cơ thể hấp thụ đầy đủ được các dưỡng chất thiết yếu:

  • Lựa chọn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và giàu calo, chẳng hạn như quả hạch, bơ, hạt, đậu, ngũ cốc nấu chín và bánh pudding;
  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong một ngày;
  • Không nên đợi đến khi cảm thấy đói mới ăn. Thay vào đó, hãy ăn vào những thời điểm nhất định trong ngày;
  • Nên ăn những loại thực phẩm mà bạn yêu thích;
  • Cố gắng làm cho món ăn của bạn trông hấp dẫn hơn bằng cách thêm một lát chanh, ít rau mùi tây, cà chua bi và một số đồ trang trí nhiều màu sắc khác vào đĩa của bạn.

Ngay cả khi chán ăn, bạn cũng cần bổ sung năng lượng cho cơ thể
Ngay cả khi chán ăn, bạn cũng cần bổ sung năng lượng cho cơ thể

2.3 Kiểm soát các tác dụng phụ của việc điều trị ung thư

Các tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư gây ra có thể khiến cho bạn gặp nhiều khó khăn khi ăn uống. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát được chúng thông qua việc lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mình. Cụ thể:

  • Khắc phục chứng buồn nôn hoặc nôn mửa: Bạn nên tránh ăn các thực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, cay nóng hoặc có mùi tanh. Thay vào đó, nên ăn những thức ăn khô, chẳng hạn như bánh mì nướng hoặc bánh quy giòn vào nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, bạn cũng nên chú trọng uống nhiều nước như đồ uống thể thao, nước dùng hoặc đơn giản là nước lọc.
  • Kiểm soát các vấn đề về họng và miệng: Nếu bạn đang có các vết loét ở miệng, cảm thấy đau hoặc khó nuốt, bạn nên lựa chọn ăn những loại thức ăn mềm. Nên tránh ăn bất kỳ loại thực phẩm nào có tính chất thô cứng hoặc có khả năng làm tổn thương đến vết loét. Ngoài ra, các thức ăn cay và chua cũng không phải là một lựa chọn hợp lý trong trường hợp này. Bạn nên ăn những đồ ăn ấm, không quá nóng cũng không quá lạnh, và sử dụng ống hút khi uống nước hoặc súp.
  • Giảm tình trạng tiêu chảy và táo bón: Đối với bệnh tiêu chảy do các phương pháp điều trị ung thư gây ra, bạn cần đảm bảo cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều chất lỏng và cắt giảm các thực phẩm giàu chất xơ như rau quả và ngũ cốc nguyên hạt. Ngược lại, trong trường hợp bạn bị táo bón, bạn nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn uống của mình, ngoài ra uống nhiều nước cũng là một biện pháp tốt để cải thiện tình trạng này.
  • Cải thiện những thay đổi về vị giác: Việc điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến vị giác của bạn, thậm chí những thực phẩm mà bạn không thích ăn trước đây có thể trở nên ngon miệng một cách kỳ lạ. Do đó, bạn có thể thử ăn những món ăn mới và xác định xem bản thân thích mùi vị của loại thực phẩm nào.

Khi bị tiêu chảy do tác dụng phụ của điều trị ung thư, người bệnh nên bổ sung nước mỗi ngày
Khi bị tiêu chảy do tác dụng phụ của điều trị ung thư, người bệnh nên bổ sung nước mỗi ngày

2.4 An toàn thực phẩm là một “chìa khóa” quan trọng

Trong quá trình điều trị ung thư, một số phương pháp điều trị có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn. Mặt khác, một số loại thực phẩm mà bạn sử dụng hàng ngày có thể tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm trùng. Dưới đây là một số nguyên tắc giúp bạn giữ an toàn thực phẩm:

  • Tránh lựa chọn trứng không được làm lạnh hoặc đã bị nứt;
  • Luôn kiểm tra hạn sử dụng của các loại thực phẩm để tránh ăn phải những đồ đã bị hư hỏng hoặc bị nấm mốc;
  • Nấu chín hoàn toàn các loại thịt trước khi ăn, tránh ăn những đồ ăn còn sống hoặc tái chín;
  • Bảo quản các loại thực phẩm dễ bị hư hỏng trong tủ lạnh trước khi bạn chế biến chúng;
  • Chuẩn bị thức ăn trên các bề mặt đã được làm sạch bằng nước nóng hoặc xà phòng;
  • Sử dụng thớt riêng cho cá, thịt hoặc gia cầm sống, và rửa kỹ sau mỗi lần sử dụng;
  • Rửa sạch các loại trái cây và rau quả trước khi ăn. Không nên ăn bất kỳ loại trái cây hoặc rau quả nào chưa được rửa kỹ càng. Đối với hầu hết các loại thực phẩm có vỏ, nên chà sạch phần vỏ bên ngoài ngay cả khi bạn không ăn chúng, chẳng hạn như vỏ dưa

Đảm bảo ăn các thực phẩm được nấu chín
Đảm bảo ăn các thực phẩm được nấu chín

2.5 Trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc bổ sung

Nhiều bệnh nhân ung thư lựa chọn sử dụng thuốc bổ sung để cung cấp thêm các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể trong quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, một số thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm từ thảo dược có thể gây trở ngại cho việc điều trị ung thư. Ngay cả những chất có tác dụng chống oxy hóa như vitamin E cũng có thể gây ra một số vấn đề sức khoẻ khi bị lạm dụng quá mức. Vì vậy, bạn nên trao đổi với các chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng bất kỳ chất bổ sung nào.

Ngoài ra, để được điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân ung thư an toàn và hiệu quả, khách hàng có thể liên hệ với khoa phục hồi chức năng của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được các bác sĩ chỉ định điều trị cụ thể cho từng trường hợp. Khoa Phục hồi chức năng được đầu tư một cách hoàn chỉnh, với hệ thống trang thiết bị, máy móc vật lý trị liệu đầy đủ, phong phú có xuất xứ từ nhà sản xuất trên thế giới về trang thiết bị vật lý trị liệu như Hà Lan; Nhật Bản....

  • Giường kéo cột sống
  • Giàn kéo dãn cột sống cổ
  • Máy sóng ngắn cỡ lớn
  • Máy siêu âm điều trị
  • Máy điện xung
  • Bộ máy gập duỗi gối thụ động
  • Hệ thống xe đạp được lập trình
  • Hệ thống máy tập cơ, tập khớp
  • Hệ thống máy tập gắng sức cùng hệ thống giường tập đa năng
  • Hệ thống giường tập BoBab...

Đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo chính quy, ở trình độ Đại học, Cao đẳng, đã từng làm việc tại các khoa Phục hồi chức năng của những bệnh viện lớn. Ngoài ra, theo từng thời điểm, khoa còn có sự tăng cường của các kỹ thuật viên nước ngoài cùng hợp tác làm việc và trao đổi kinh nghiệm. Lực lượng trợ giúp chăm sóc luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân trong việc di chuyển cho an toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe