Kẽm và canxi là hai khoáng chất có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là trong “giai đoạn vàng” trước 5 tuổi. Thiếu hụt kẽm và canxi là nguyên nhân phổ hiến hàng đầu khiến trẻ còi cọc, chậm phát triển. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết bổ sung kẽm đúng cách cho trẻ.
1. Uống kẽm và canxi cùng lúc được không?
Canxi là một trong những khoáng chất phổ biến nhất và thông dụng nhất trong cơ thể con người. Nó không chỉ đóng vai trò thiết yếu cho việc phát triển xương, răng, mà còn có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của cơ bắp, thông máu, phát tín hiệu cho các tế bào thần kinh và giúp tiết chế một số hormone.
Kẽm là khoáng chất vi lượng cần thiết, kẽm can thiệp vào chuyển hóa glucid, protein và acid nucleic. Thiếu hụt kẽm ở trẻ em sẽ ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng chiều cao và sự khoẻ mạnh của hệ thống miễn dịch cơ thể.
Không nên bổ sung đồng thời kẽm và canxi vì:
- Canxi làm tăng bài tiết kẽm gây giảm tỷ lệ hấp thu kẽm trong cơ thể.
- Bổ sung kẽm và sắt cùng lúc thì hấp thu kẽm có thể giảm khi hàm lượng sắt trên 25mg/ngày.
- Phụ huynh lưu ý hãy bổ sung sắt và kẽm cách xa nhau (Ít nhất 2 tiếng), dùng kẽm trước vì sắt sẽ cản trở sự hấp thu kẽm.
2. Liều lượng bổ sung kẽm cho trẻ
Nhu cầu mỗi ngày về lượng kẽm của trẻ em ở từng thời kỳ là không giống nhau.
Theo khuyến cáo của tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) thì nhu cầu kẽm cho trẻ theo từng độ tuổi như sau:
- Dưới 6 tháng tuổi: 2mg/ ngày.
- Từ tháng thứ 7 đến 12 tháng tuổi: 3mg/ ngày.
- Từ 4 - 8 tuổi: 5mg/ ngày.
Liều lượng bác sĩ khuyến cáo là không quá 150mg kẽm mỗi ngày. Nếu tính toán không hợp lý, khiến trẻ hấp thu quá nhiều lượng kẽm cần thiết sẽ có thể dẫn đến những biến chứng như buồn nôn, ói, mửa, tiêu chảy, đau đầu hay co thắt bụng. Hấp thu kẽm quá liều trong thời gian dài sẽ dẫn đến những hậu quả ngộ độc lâu dài.
3. Bổ sung kẽm đúng cách
Các giải pháp nhằm bổ sung kẽm đúng cách cần được thực hiện để tránh tình trạng sức khỏe của trẻ không được tốt bằng cách:
- Khuyến khích chế độ ăn đa dạng thực phẩm trong bữa ăn của trẻ, sử dụng thực phẩm giàu kẽm, thay đổi thói quen ăn uống có lợi cho việc hấp thụ kẽm.
- Đối với các trẻ dưới 6 tháng tuổi thì bổ sung kẽm đúng cách từ chính là sữa mẹ. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng. Đối với các bé từ 6 tháng tuổi trở lên thì có thể bổ sung kẽm qua thức ăn và thực phẩm bổ sung được bác sĩ chỉ định.
- Bổ sung các thuốc hay thực phẩm chức năng có chứa kẽm (kẽm gluconat hay kẽm sulfat ). Uống sau ăn 30 phút. Thời gian bổ sung là 2 - 3 tháng;
- Kẽm làm giảm hấp thu sắt do đó nếu bổ sung kẽm và sắt đồng thời thì dùng cách xa nhau ( ít nhất 2 tiếng).
- Không nên bổ sung đồng thời kẽm và canxi cùng một thời điểm: Canxi làm tăng bài tiết kẽm gây giảm tỷ lệ hấp thu kẽm trong cơ thể;
- Dự phòng điều trị các bệnh liên quan đến thiếu kẽm.
- Tăng khả năng hấp thụ kẽm nhờ tăng cường thực phẩm có nhiều vitamin C như rau xanh, hoa quả, chế biến như nảy mầm giá đỗ, lên men dưa chua làm tăng cường hàm lượng vitamin C, giảm axit axit phytic trong thực phẩm do vậy làm tăng hấp thu sắt/ kẽm từ khẩu phần.
- Sử dụng các thực phẩm giàu kẽm như thức ăn từ động vật như cua bể, thịt bò, tôm, thịt, cá,...
- Sử dụng thực phẩm bổ sung kẽm đúng cách tại cộng đồng như hạt nêm bổ sung kẽm, bánh quy bổ sung kẽm, bột mì bổ sung kẽm, mì tôm bổ sung kẽm, bột dinh dưỡng, sữa, cốm bổ sung kẽm,...) trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.
- Nên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn chậm lớn, phụ nữ có thai, cho con bú. Bổ sung các thuốc chứa kẽm (gluconat kẽm hay sulfat kẽm); uống sau ăn 30 phút; thời gian bổ sung là 2 - 3 tháng theo chỉ định của bác sĩ.
- Chữa các bệnh gây thiếu kẽm ở trẻ trước khi bổ sung như bệnh rối loạn tiêu hóa.
- Bổ sung kẽm đúng cách cần bổ sung thêm vitamin A, B6, C và photpho vì chúng làm tăng sự hấp thu kẽm.
- Khi dùng cả sắt và kẽm bạn nên cho trẻ dùng kẽm trước, sắt sau vì sắt cản trở sự hấp thụ kẽm.
- Tránh bổ sung dư thừa gây giảm khả năng miễn dịch.
Ngoài ra, để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bên cạnh bổ sung kẽm, cha mẹ nên tiêm chủng đúng lịch cho bé phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, lao, bại liệt, viêm gan B, viêm não nhật bản B; tẩy giun định kỳ cho trẻ từ 2 tuổi trở lên với chu kỳ 6 tháng một lần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.