Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Minh Việt - Bác sĩ Gây mê - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Mask thanh quản là một phương tiện dung để kiểm soát đường thở trên. Hiện nay, mask thanh quản không chỉ được sử dụng trong những tình huống đặt nội khí quản mà còn được sử dụng trong việc kiểm soát đường thở trong gây mê và cấp cứu hồi sức.
1. Mask thanh quản là gì?
Mask thanh quản được phát minh từ năm 1981 bởi bác sĩ Archie Brain, và được đưa vào sử dụng từ những năm 1988. Y học ngày càng phát triển và mask thanh quản đã được cải tiến nhiều lần dựa trên cơ sở mask thanh quản cổ điển.
Mask thanh quản là một phương tiện thông suốt đường thở trên, có cấu tạo gồm một ống nòng to và đầu dưới có một bóng chèn hình elip. Sau khi đặt và bơm hơi, bóng này được úp kín với áp lực thấp quanh lối vào thanh quản. Do sự tiện lợi và có tính chất kiểm soát đường thở dễ dàng hơn so với ống nội khí quản. Vì vậy mask thanh quản đã chính thức được đưa vào phác đồ kiểm soát đường thở khó, đặc biệt trong tình huống không thông khí được, không đặt được nội khí quản.
Mask thanh quản có nhiều kích cỡ khác nhau và được sử dụng đối với nhiều đối tượng như:
- Cỡ 1: Sử dụng cho trẻ sơ sinh dưới 6,5 kg
- Cỡ 2: Sử dụng cho trẻ từ 6,5 - 15kg
- Cỡ 3: Sử dụng đối với người nặng từ 25-40kg
- Cỡ 4: Những người nặng trên 40kg
- Cỡ 5: Sử dụng cho người lớn to béo
Sau khi đặt Mask thanh quản xong bác sĩ sẽ tiến kiểm tra độ kín của mask bằng đồng hồ đo áp lực cuff
2. Ứng dụng mask thanh quản trong gây mê hồi sức
Hiện nay, mask thanh quản không chỉ sử dụng trong những tình huống kiểm soát đường thở khó, mà nó còn đang là một xu thế mới trong việc kiểm soát đường thở trong gây mê hồi sức. Một số ưu nhược điểm sử dụng mask thanh quản trong gây mê hồi sức như:
Ưu điểm:
- Dễ đặt, dễ sử dụng cho những người chưa có kinh nghiệm
- Cho phép kiểm soát đường thở nhanh chóng, kiểm soát chắc chắn đường thở trong 98,5% trường hợp
- Đảm bảo cung cấp oxy tốt
- Ít gây ra phản xạ ho, kích thích họng so với đặt nội khí quản
- Ít hoặc không gây ra phản xạ giao cảm như: Tăng nhịp tim, tăng huyết áp
- Giảm nhu cầu thuốc mê, giảm tỷ lệ đau họng.
Nhược điểm:
- Phải đảm bảo đủ độ mê
- Nguy cơ trào ngược hoặc hít sặc
3. Đặt mask thanh quản trong gây mê hồi sức
3.1 Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định đặt mask thanh quản trong gây mê và hồi sức đối với những trường hợp sau:
- Phẫu thuật vừa và ngắn, < 2 tiếng đồng hồ
- Phẫu thuật người bệnh ngoại trú
- Đặt nội khí quản gặp khó khăn
Chống chỉ định sử dụng mask thanh quản trong gây mê và hồi sức đối với trường hợp:
- Có bệnh lý vùng hầu họng
- Các phẫu thuật vùng hầu họng
- Dạ dày đầy
- Các phẫu thuật cần thông khí có áp lực đẩy vào trên 20cmH2O như: nằm sấp, béo, hen,co thắt phế quản,...
- Chấn thương cột sống (cổ)
3.2 Các bước tiến hành
Các bước tiến hành đặt mask thanh quản bao gồm:
- Kiểm tra bóng bằng bơm cuff,đảm bảo bóng không bị xì rò trước khi đặt
- Hút xẹp bóng, bôi trơn mặt sau mask
- Khởi mê đủ sâu, có thể phối hợp gây tê thần kinh vùng
- Ngửa đầu bệnh nhân tối đa, há miệng
- Luồn mask thanh quản qua miệng, tì mặt sau mask trượt theo vòm hầu cứng, đặt đầu ngón trỏ tay thuận vào chỗ nối giữa ống và bóng. Đẩy mask xuống sâu trong họng tới khi cảm thấy sức cản tăng hay vạch đen dọc ống luồn hướng lên môi trên
- Bơm bóng đủ áp lực, không giữ ống để mask nằm đúng vị trí
- Giữ ống, lắp bóng bóp oxy. Kiểm tra bằng cách bóp nhẹ, ngực sẽ lên và nghe đều 2 bên phổi
- Cố định mask thanh quản ở vị trí giữa cung răng bằng băng dính to bản
- Duy trì mê đủ độ. Bệnh nhân có thể tự thở qua mask hoặc thông khí cơ học nếu áp lực đẩy vào dưới 20cm H2O, hoặc luồn ống nội khí quản nhỏ hơn qua mask để thay thế.
Mask thanh quản sẽ được rút ra khi bệnh nhân hồi phục phản xạ bảo vệ đường thở như: có thể nuốt, há miệng theo mệnh lệnh,... Lúc này sẽ hút cho bóng xẹp bớt và rút, bóng sẽ kéo theo cả đờm và dãi ở trong họng. Tránh trường hợp rút mask thanh quản khi bệnh nhân chưa tỉnh.
3.3 Theo dõi và xử trí tai biến
Bệnh nhân có sử dụng mask thanh quản trong gây mê hồi sức sẽ được theo dõi nhằm đảm bảo mask không bị tuột. Ngoài ra, trong quá trình đặt mask thanh quản và sau khi đặt có thể xảy ra một số biến chứng như:
- Khó đặt: Không được cố đẩy mask vào trong nếu thấy khó đặt. Cần kiểm tra đầu mask thanh quản không cuộn, tì vào thành sau họng. Đặt đầu bệnh nhân ngửa tối đa, đẩy hàm dưới ra trước.
- Lệch, tắc mask thanh quản
- Tỉnh trong khi phẫu thuật và co thắt thanh quản: Nguyên nhân do gây mê nông và phẫu thuật gây đau, di động mask thanh quản. Cần thông khí oxy và gây mê sâu hơn.
- Hít chất nôn vào trong phổi: sau khi bóp bóng oxy 100% cần hút kĩ ống. Thay ống mask thanh quản bằng ống nội khí quản, soi hút phế quản. Để đề phòng nên đặt sonde dạ dày qua mask nếu là mask 2 nòng
Tóm lại, mask thanh quản là một phương tiện thông suốt đường thở trên và được sử dụng nhằm kiểm soát đường thở dễ dàng. hiện nay mask thanh quản được ứng dụng trong gây mê hồi sức do nhiều ưu điểm của nó mang lại.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Minh Việt đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê - Hồi sức, trong đó có hơn 2 năm là chuyên gia Y tế tại Yemen và nguyên là Trưởng khoa Gây mê Hồi sức - Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Hiện bác sĩ Lê Minh Việt đang là bác sĩ gây mê, Đơn nguyên gây mê - phòng mổ, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.