U xơ nội mạc là những khối u lành tính thường gặp ở tử cung, xuất hiện phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. U xơ có thể không gây triệu chứng, nhưng trong một số trường hợp có thể dẫn đến rong kinh, đau bụng, áp lực lên vùng chậu, ảnh hưởng khả năng sinh sản. Hãy cùng bài viết hiểu rõ về cách điều trị và phòng ngừa bệnh lý này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về u xơ nội mạc
U xơ nội mạc là một loại u xơ phổ biến, thường xuất hiện ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản, khoảng từ 30 đến 40 tuổi. Đây là những khối u lành tính thường gặp ở tử cung, hầu như không có nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Nhiều người mắc u xơ nội mạc tử cung nhưng không nhận ra do các khối u xơ thường không gây ra triệu chứng. Thông thường, u xơ nội mạc chỉ được phát hiện khi bệnh nhân thực hiện khám vùng chậu hoặc siêu âm thai định kỳ.
2. Triệu chứng
Đa số bệnh nhân mắc u xơ không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, đối với những người xuất hiện triệu chứng, các dấu hiệu này có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí, kích cỡ và số lượng u xơ.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh u xơ nội mạc bao gồm:
- Rong kinh hoặc đau khi hành kinh.
- Kỳ kinh nguyệt dài hơn hoặc cường độ xuất hiện nhiều hơn bình thường.
- Cảm giác đau hoặc áp lực ở vùng chậu.
- Đi tiểu nhiều lần hoặc gặp khó khăn khi đi tiểu.
- Bụng to không rõ nguyên nhân.
- Tình trạng táo bón.
- Đau vùng bụng hoặc lưng dưới, đau khi quan hệ tình dục.
- Trường hợp hiếm gặp, u xơ có thể gây đau đột ngột một cách dữ dội khi khối u không còn được cung cấp đủ máu và bắt đầu hoại tử.
Về phân loại, u xơ nội mạc được chia theo vị trí của chúng: u xơ nội mạc nằm trong cơ tử cung, u xơ dưới niêm mạc và u xơ dưới thanh mạc.
3. Nguyên nhân
Cho đến nay, nguyên nhân gây ra u xơ nội mạc vẫn chưa thật sự làm rõ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, sự phát triển của u xơ liên quan đến hormone estrogen và progesterone. Các nghiên cứu cho thấy, u xơ có xu hướng phát triển khi nồng độ hormone cao (như trong thời gian mang thai) và co lại khi nồng độ hormone thấp (như trong thời kỳ mãn kinh).
Những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển u xơ tử cung, bao gồm:
- Thừa cân, béo phì;
- Người có tiền sử gia đình mắc u xơ tử cung;
- Người có kinh nguyệt sớm;
- Người mãn kinh muộn.
4. Ảnh hưởng của bệnh đến khả năng mang thai
Thông thường, u xơ nội mạc không ảnh hưởng đến việc mang thai. Nhưng một số u xơ - đặc biệt là loại dưới niêm mạc - có thể gây vô sinh hoặc sảy thai.
U xơ tử cung cũng làm tăng nguy cơ dẫn đến một số biến chứng khi mang thai, bao gồm:
- Bong nhau thai;
- Thai nhi chậm phát triển;
- Sinh non, em bé chào đời quá sớm, trước tuần thứ 37 của thai kỳ.
5. Điều trị
Phương pháp điều trị u xơ nội mạc phụ thuộc vào kích thước, số lượng và vị trí của các khối u, cũng như các triệu chứng mà u xơ gây ra. Nếu u xơ không gây bất kỳ triệu chứng nào, bệnh nhân có thể không cần phải điều trị, đặc biệt những khối u xơ nhỏ thường không cần can thiệp. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi qua những lần khám phụ khoa hoặc siêu âm định kỳ.
Nếu người bệnh gặp các triệu chứng do u xơ gây ra, như thiếu máu do chảy máu quá nhiều, đau từ vừa đến nặng, hoặc các vấn đề liên quan đến đường tiết niệu và ruột, bệnh nhân sẽ cần được điều trị. Kế hoạch điều trị sẽ dựa trên các yếu tố sau:
- Số lượng u xơ.
- Kích thước của các u xơ.
- Vị trí của các u xơ.
- Các triệu chứng do u xơ gây ra.
- Người bệnh có mong muốn giữ lại tử cung hay không.
Lựa chọn điều trị tốt nhất cho bệnh nhân còn tùy thuộc vào kế hoạch sinh sản trong tương lai. Các lựa chọn điều trị u xơ nội mạc có thể bao gồm:
5.1 Điều trị bằng thuốc
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Các thuốc này giúp giảm đau và cảm giác khó chịu do u xơ gây ra. Thuốc không kê đơn bao gồm acetaminophen và ibuprofen.
- Bổ sung sắt: Nếu người bệnh bị thiếu máu do chảy máu quá nhiều, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc bổ sung sắt.
- Thực hiện các biện pháp tránh thai: Phương pháp này giúp giảm các triệu chứng của u xơ, đặc biệt là chảy máu nặng trong và giữa các kỳ kinh nguyệt. Các phương pháp tránh thai có thể áp dụng bao gồm viên uống, đặt vòng, tiêm và sử dụng dụng cụ tử cung (IUD).
- Thuốc chủ vận hormone giải phóng Gonadotropin (GnRH): Những thuốc này có tác dụng thu nhỏ kích thước u xơ, đôi khi được sử dụng trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng tạm thời và u xơ có thể phát triển trở lại khi ngừng thuốc.
5.2 Phẫu thuật loại bỏ u xơ
Phương pháp cắt bỏ u xơ tử cung cho phép loại bỏ u xơ mà vẫn giữ được tử cung, phù hợp với những người có nguyện vọng sinh con trong tương lai. Các phương pháp bóc tách u xơ bao gồm:
- Nội soi bóc tách u xơ tử cung.
- Mổ hở: Một vết rạch lớn hơn phương pháp nội soi được thực hiện trên bụng để loại bỏ u xơ.
Nếu người bệnh không có kế hoạch sinh sản trong tương lai, bác sĩ có thể đề xuất cắt bỏ tử cung và đây cũng là phương pháp duy nhất để điều trị u xơ triệt để. Bằng cách cắt bỏ hoàn toàn tử cung, u xơ nội mạc tử cung sẽ không thể tái phát và triệu chứng của người bệnh cũng sẽ biến mất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.