U nang buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa phổ biến, nên nhiều người quan tâm đến u nang nước buồng trứng uống thuốc gì hoặc dùng phương pháp gì điều trị thì hiệu quả. Tuy nhiên, quyết định sử dụng loại thuốc nào và liều lượng như thế nào phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cá nhân.
1. U nang nước buồng trứng là gì?
U nang nước buồng trứng là một túi chứa đầy chất lỏng bên trong được tìm thấy bên cạnh hoặc gắn vào ống dẫn trứng gần buồng trứng của bệnh nhân, có vỏ mỏng thường lành tính. U nang nước buồng trứng cũng có thể được gọi là u nang cạnh ống dẫn trứng.
Những u nang này thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nên rất khó phát hiện được. U nang nước buồng trứng thường không phải ung thư và có thể sẽ tự biến mất, nhưng đôi khi u nang nước trên bề mặt có tăng sinh nhiều mạch máu hay có các nhú trên bề mặt hoặc trong lòng u là những dấu hiệu nghi ngờ ung thư hóa .
Kích thước của u nang nước buồng trứng có thể dao động từ 0.5 cm đến 20 cm và trông giống như u nang buồng trứng nếu chúng ở gần buồng trứng. U nang nước buồng trứng uống thuốc gì để điều trị đang là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm sau khi nhận chẩn đoán từ bác sĩ.
2. Các yếu tố nguy cơ gây u nang nước buồng trứng
U nang thường phát hiện ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 40, mặc dù cũng có thể xảy ra ở phụ nữ trẻ hơn. U nang nước buồng trứng thường có kích thước lớn ở phụ nữ chưa tới kỳ mãn kinh.
Hiện nay, nguyên nhân cụ thể gây ra u nang buồng trứng nói chung và u nang nước buồng trứng nói riêng vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ được xác định góp phần vào sự phát triển của u nang nước buồng trứng, bao gồm:
- Di truyền: Có tiền sử gia đình, người thân trong gia đình mắc bệnh u nang nước buồng trứng.
- Môi trường sống ô nhiễm và độc hại: Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại và khói thuốc có thể tăng nguy cơ mắc u nang nước buồng trứng.
- Sức đề kháng suy yếu: Béo phì, thiếu vận động, và hệ miễn dịch yếu có thể làm tăng nguy cơ mắc u nang.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn ít rau củ quả và tiêu thụ quá nhiều chất béo có thể tăng nguy cơ phát triển u nang.
- Tình trạng gia đình và sinh sản: Người độc thân, không sinh con, ít con hoặc từng có sử dụng các phương pháp ngừa thai không an toàn có thể tăng nguy cơ mắc u nang.
- Sự tác động của các yếu tố độc hại: Tiếp xúc với thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường có thể làm tổn thương tế bào buồng trứng và gây ra rối loạn trong quá trình trao đổi thông tin của cơ thể.
- Sự tăng trưởng không kiểm soát của tế bào buồng trứng, được gọi là quá trình tăng sinh, có thể dẫn đến sự hình thành và phát triển của u nang nước buồng trứng.
3. Triệu chứng
Hầu hết những người mắc u nang nước buồng trứng thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng. U được phát hiện tình cờ khi thăm khám phụ khoa định kỳ hay siêu âm kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, đôi khi các u nang có thể phát triển và gây ra các vấn đề khác.
Các dấu hiệu và triệu chứng của u nang nước buồng trứng có thể bao gồm:
- Cảm giác bị đè nặng ở vùng bụng
- Đau bụng kéo dài
- Cảm giác nặng nề hoặc đầy bụng
- Tình trạng táo bón
- Đi tiểu thường xuyên
- Đau khi quan hệ tình dục
- Rối loạn kinh nguyệt....
4. Cách chẩn đoán
Đa số các trường hợp, u nang nước được phát hiện tình cờ trong quá trình khi thăm khám phụ khoa định kỳ hay siêu âm kiểm tra các vấn đề sức khỏe khác. Bác sĩ sẽ thăm khám, sau đó yêu cầu một số xét nghiệm cần thiết
- Siêu âm: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, giá thành rẻ, cho biết được vị trí u, hình dạng, kích thước khối u, tính chất bên trong u. Hình ảnh trong siêu âm có thể gợi ý u lành hay u ác.
5. U nang nước buồng trứng uống thuốc gì?
Muốn biết u nang nước buồng trứng nên uống thuốc gì thì hiệu quả, bệnh nhân nên đi thăm khám và được bác sỹ tư vấn cụ thể cho từng cá nhân. Có thể tham khảo danh sách sau:
5.1 Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen hoặc naproxen có thể được sử dụng có tác dụng giảm viêm và giảm cảm giác đau.
Những người không cảm thấy giảm đau sau khi sử dụng NSAIDs nên tham khảo ý kiến của bác sĩ vì cơn đau nặng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
5.2 Thuốc giảm đau
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn cho các loại thuốc giảm đau khác nhau, như co-codamol, có chứa codein.
5.3 Thuốc kháng hormone
Nếu bệnh nhân có khối u nang buồng trứng do hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), các loại thuốc kháng hormone có thể kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và giảm kích thước của u nang. Các loại thuốc kháng hormone được sử dụng có thể bao gồm kháng estrogen (như tamoxifen) và kháng androgen (như spironolactone).
5.4 Thuốc kháng estrogen
Thuốc kháng estrogen được áp dụng để ức chế sự phát triển và kích thước của u nang buồng trứng. Thuốc thường được sử dụng cho các u nang buồng trứng liên quan đến estrogen, chẳng hạn như u nang chức năng.
5.5 Thuốc làm giảm kích thước u nang
Có một số loại thuốc có khả năng giảm kích thước của u nang buồng trứng, giúp giảm các triệu chứng và giảm nguy cơ gây ra biến chứng. Ví dụ, thuốc GnRH agonist có thể làm giảm kích thước của u nang và kiềm chế hoạt động của hormone.
5.6 Thuốc tránh thai
Trong trường hợp của u nang buồng trứng lành tính và không gây ra triệu chứng, các chuyên gia y tế có thể khuyến nghị sử dụng các phương pháp tránh thai như thuốc tránh thai hoặc que tránh thai.
Việc sử dụng thuốc tránh thai có thể kiểm soát sự phát triển của u nang và giảm các triệu chứng như đau và rối loạn kinh nguyệt. Nếu khối u phát triển quá lớn thì bệnh nhân có thể được khuyến nghị phẫu thuật, thay vì chỉ sử dụng thuốc.
Lưu ý: Tất cả những thuốc uống cần được bác sỹ thăm khám và kê đơn. Không nên tự ý mua thuốc về uống.
6. Ngoài u nang nước buồng trứng điều trị nội khoa thì còn phương pháp điều trị nào khác?
Hầu hết các u nang nước buồng trứng không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào. Bác sĩ của bệnh nhân có thể quyết định theo dõi và xem xét tình trạng phát triển của u nang.
Phương pháp điều trị tối ưu cho u nang nước buồng trứng thường là phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật có đi kèm với những rủi ro. Do đó, bệnh nhân có thể quyết định theo dõi định kỳ nếu khối u không phát triển hoặc không ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.
Bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị khác nếu u nang tiếp tục phát triển để ngăn ngừa bất kỳ biến chứng nào khác.
- Phẫu thuật nội soi: Đây là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu để loại bỏ u nang. Phương pháp được thực hiện bằng cách luồn một ống mỏng vào vết cắt nhỏ trên bụng của bệnh nhân. Thường là lựa chọn ưu tiên để loại bỏ u nang vì bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh chóng và có kết quả tốt hơn.
- Phẫu thuật mở bụng: Đây là phương pháp phẫu thuật được áp dụng trong trường hợp các u nang lớn, ác tính hoặc gây ảnh hưởng đến sức khoẻ bệnh nhân.
- Tiêm chọc hút nang: Bác sĩ sử dụng phương pháp này khi u nang buồng trứng phát triển to hoặc gây đau đớn. Họ sử dụng một cây kim mỏng xuyên vào u nang và lấy chất lỏng ra khỏi u nang nước từ đường âm đạo hay đường bụng dưới hướng dẫn của siêu âm. Thủ thuật này giúp giảm kích thước của u nang và giảm các triệu chứng liên quan.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.