U nang buồng trứng ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên

Bài viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phùng Tuyết Lan - Trưởng đơn nguyên Nội trú Nhi 3 - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Các khối u buồng trứng dạng nang khá phổ biến ở trẻ gái và có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ thời kỳ bào thai đến tuổi vị thành niên. Các khối u này có thể được phát hiện tình cờ thông qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hoặc phối hợp cùng một số triệu chứng như đau bụng, sờ thấy u, dậy thì sớm, nam hóa. Mặc dù đa phần các khối u này ở trẻ em có tính chất lành tính hoặc là nang sinh lý, việc chẩn đoán sớm và theo dõi sát rất cần thiết nhằm làm giảm nguy cơ xoắn buồng trứng có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này cũng như cải thiện tiên lượng trong những trường hợp u ác tính.

1. U nang buồng trứng ở thai nhi và trẻ sơ sinh

Phổ biến hay gặp là nang trứng ở bào thai và trẻ sơ sinh, cơ chế được cho là do sự kích thích buồng trứng của hooc môn gonadotropins của mẹ và bào thai. Tỷ lệ chính xác u nang buồng trứng ở bào thai không rõ, còn tỷ lệ ở trẻ sơ sinh gái ước tính là 1:2500.

1.1. Triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán

Đa phần các u nang buồng trứng ở thai nhi là một bên, được chẩn đoán tình cờ qua siêu âm, ít khi có kèm theo các dị dạng khác. Kích thước và tính chất của nang có thể định hướng bản chất: nang có khả năng là sinh lý (nang đơn thuần) khi kích thước <2cm, chứa dịch trong; nang có khả năng là bệnh lý (nang phức tạp) khi kích thước >2cm, có vách, có thành phần đặc, canxi hóa, có chảy máu trong nang...

Nang buồng trứng ở trẻ sơ sinh thường có biểu hiện các khối u nang ổ bụng hay tiểu khung không có triệu chứng. Siêu âm có thể phát hiện các nang đơn thuần (nang sinh lý) hoặc nang phức tạp (nang chảy máu, xoắn buồng trứng...)

Thông thường các nang buồng trứng phát hiện ở thời kỳ bào thai và trẻ sơ sinh tự thoái triển trong những tháng đầu nhưng có thể kéo dài trên 12 tháng. Các biến chứng có thể gặp như xoắn buồng trứng, vỡ nang, chảy máu trong nang, tắc ruột hay chèn ép đường tiết niệu, thoát vị bẹn nghẹt, mất chức năng buồng trứng...


U nang buồng trứng có thể gây xoắn buồng trứng
U nang buồng trứng có thể gây xoắn buồng trứng

1.2. Xử trí

Các u nang buồng trứng ở bào thai được theo dõi sát bằng siêu âm 3-4 tuần/lần tùy theo kích thước, tính chất trên siêu âm và nguy cơ biến chứng. Đa phần các khối u này không có chỉ định can thiệp (chọc hút dịch trong nang) và trẻ có thể sinh bằng đường dưới. Sau khi sinh trẻ tiếp tục được theo dõi bằng siêu âm 4-6 tuần/lần cho đến khi nang thoái triển. Sau 4 tháng các nang tồn tại không thay đổi hoặc có dấu hiệu to lên có thể tiếp tục theo dõi hoặc can thiệp phẫu thuật hay chọc hút dịch.

2. U nang buồng trứng ở trẻ nhỏ và trẻ trước tuổi vị thành niên

Tỷ lệ u nang buồng trứng ở lứa tuổi này thấp hơn ở bào thai, trẻ sơ sinh và trẻ tuổi vị thành niên do nồng độ gonadotropin giảm sau khi sinh và giữ ở mức nồng độ thấp cho đến giai đoạn dậy thì. Đa số các khối u nang đơn thuần ở trẻ gái lứa tuổi này do các nang trứng không tự thoái triển. Một số các khối u nang có nồng độ hooc môn hoạt động dẫn đến biểu hiện dậy thì sớm ngoại biên. Các nguyên nhân khác có thể gặp như dậy thì sớm trung ương không rõ nguyên nhân, Hội chứng McCune Albright, bệnh lý tuyến giáp, u buồng trứng....


Các bệnh lý về tuyến giáp có thể dẫn đến u nang buồng trứng
Các bệnh lý về tuyến giáp có thể dẫn đến u nang buồng trứng

2.1. Triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán

Ở trẻ gái trước tuổi vị thành niên bệnh cảnh lâm sàng hay gặp là các khối u bụng không triệu chứng, bụng tăng kích thước, hoặc phát hiện tình cờ qua các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Các khối u kích thước lớn có thể kèm theo triệu chứng đau bụng dưới, táo bón, rối loạn tiểu tiện, các bệnh cảnh đau bụng cấp tính có thể nhầm với viêm ruột thừa hay viêm phúc mạc trong các trường hợp có biến chứng (xoắn buồng trứng, chảy máu nang, vỡ nang). Các trẻ gái có nang có hoạt tính hooc môn có thể có biểu hiện dậy thì sớm (phát triển tuyến vú sớm hoặc/và chảy máu âm đạo) hoặc có biểu hiện nam hóa (phì đại âm vật, trứng cá). Chẩn đoán dựa trên siêu âm xác định khối u từ buồng trứng và phân loại nang đơn thuần hay phức tạp, một số các xét nghiệm cận lâm sàng như định lượng các dấu ấn ung thư để loại trừ bệnh lý ác tính (Anpha fetoprotein, Beta HCG, AMH, Inhibin) được chỉ định trong những trường hợp nang phức tạp.


Táo bón là một triệu chứng của u nang buồng trứng
Táo bón là một triệu chứng của u nang buồng trứng

2.1. Xử trí

Các khối u nang trong lứa tuổi trước dậy thì tùy theo biểu hiện lâm sàng và các đặc điểm tìm thấy trên siêu âm. Các khối u nang đơn thuần không có triệu chứng có thể theo dõi sát. Chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp các khối u nang đơn thuần ≥ 9cm, nang không có biểu hiện thoái triển hay to lên, nang phức tạp, u nang biến chứng (xoắn, vỡ, chảy máu).

3. U nang buồng trứng ở trẻ tuổi vị thành niên

Nang buồng trứng đơn thuần hay phức tạp khá phổ biến ở trẻ tuổi dậy thì. Buồng trứng của trẻ vị thành niên đã có kinh nguyệt có thể chứa các nang trứng ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Đa phần u nang buồng trứng là do các nang trứng trưởng thành không rụng và không thoái triển, kích thước nang trứng trưởng thành có thể đến 2-3 cm. Nang hoàng thể là kết quả của sự tích dịch trong hoàng thể sau khi trứng rụng và có thể đạt tới kích thước 5-12 cm nếu có chảy máu.


U nang buồng trứng cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt
U nang buồng trứng cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt

3.1. Triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán

U nang buồng trứng ở trẻ gái sau khi dậy thì có thể không có triệu chứng (phát hiện tình cờ) hoặc có biểu hiện kinh nguyệt không đều hay đau bụng vùng tiểu khung. Các khối u kích thước lớn có thể kèm theo cảm giác nặng bụng dưới, táo bón, rối loạn tiểu tiện, các bệnh cảnh đau bụng cấp tính có thể nhầm với viêm ruột thừa hay viêm phúc mạc trong các trường hợp có biến chứng (xoắn buồng trứng, chảy máu nang, vỡ nang). Siêu âm là phương tiện tốt xác định u và phân loại tính chất. Ở các trẻ đã có sinh hoạt tình dục cần làm thêm xét nghiệm Beta HCG nước tiểu để loại trừ mang thai. Trong một số trường hợp nghi ngờ cần xét nghiệm các dấu ấn ung thư để loại trừ bệnh lý ác tính (Anpha fetoprotein, Beta HCG, AMH, Inhibin).

3.2. Xử trí

Các khối u nang buồng trứng tuổi dậy thì phụ thuộc vào biểu hiện lâm sàng và các đặc điểm tìm thấy trên siêu âm.

Nang trứng đa phần: các nang trứng tự thoái triển trong vòng 2-8 tuần. Các nang đơn thuần không có triệu chứng kích thước < 6 cm có thể theo dõi. Chỉ định dùng thuốc tránh thai có thể được cân nhắc nhằm tránh rụng trứng và hình thành nang mới. Chỉ định can thiệp phẫu thuật (nội soi cắt u nang hay chọc hút dịch) trong những trường hợp sau: u nang tồn tại ≥3 tháng hoặc tăng kích thước; nang kích thước > 6 cm; khối u nang có triệu chứng.

Nang hoàng thể: trường hợp không có triệu chứng hay chảy máu trong ổ bụng khuyến cáo theo dõi trong 3 tháng. Đa phần các nang hoàng thể tự thoái triển trong thời gian theo dõi. Chỉ định dùng thuốc tránh thai có thể được cân nhắc nhằm tránh rụng trứng và hình thành nang mới. Phẫu thuật cắt nang trong các trường hợp nang không thoái triển.

U nang buồng trứng ở trẻ cần được thăm khám, tìm ra nguyên nhân để có hướng xử trí kịp thời. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trong đến chức năng sinh sản sau này.

Hầu hết các trẻ gái được phát hiện muộn, khi khối u nang buồng trứng đã to, nên việc điều trị khó khăn, tốn nhiều thời gian, chi phí và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản của bé. Vì vậy, khuyến cáo đến các bậc cha mẹ cần đưa con đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là ở tuổi dậy thì (học sinh cấp 2, cấp 3), đặc biệt là khám tầm soát phát hiện sớm u nang buồng trứng và các bệnh lý khác tại cơ quan sinh dục. Nếu thấy các triệu chứng bất thường ở bé như đau bụng hạ vị, bụng to bất thường thì nên đưa đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.


Thuốc tránh thai có thể được chỉ định đối với nang trứng đa phần
Thuốc tránh thai có thể được chỉ định đối với nang trứng đa phần

Tránh các suy nghĩ sai lầm như cho rằng con gái tuổi dậy thì đã lớn và tự làm mọi thứ nên không cần quan tâm thường xuyên đến sức khỏe của con nhiều nữa. Thay vào đó, cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần của trẻ, bản thân trẻ có khối u nang buồng trứng, có biểu hiện đau âm thầm nhưng vẫn chịu đựng, một phần vì e ngại, một phần các cháu không biết triệu chứng của u nang buồng trứng nên không tâm sự với cha mẹ. Thường chỉ đến khi đau không chịu đựng được, bụng to bất thường mới nói cho bố mẹ biết. Quan tâm nhiều hơn đến con bạn để không gây hậu quả đáng tiếc đến tính mạng và khả năng làm mẹ trong tương lai của bé.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị phòng ngừa các bệnh lý ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Quá trình thực hiện thăm khám và điều trị tại Vinmec đều được thực hiện dưới sự chỉ dẫn của các giảng viên giàu chuyên môn, kinh nghiệm, có nhiều năm công tác trong nghề. Vì thế các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm với quy trình thăm khám, điều trị bài bản tại Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe