Gan là bộ phận quan trọng trong cơ thể người, ngày càng có nhiều căn bệnh nguy hiểm ở gan được phát hiện và quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Hiện nay, sinh thiết gan là phương pháp hữu hiệu giúp chẩn đoán và xác định tình trạng bệnh lý sớm và chính xác.
1. Sinh thiết gan là gì?
Hiện nay, sinh thiết gan là phương pháp chính xác nhất giúp bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh lý ở gan của người bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Để thực hiện phương pháp sinh thiết gan, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ chuyên dùng để chích vào gan và lấy ra một ít tế bào gan của người bệnh, đem đi quan sát dưới kính hiển vi và xác định nguyên nhân khiến gan bị bệnh.
Trong trường hợp gan của người bệnh có khối u thì trước khi tiến hành sinh thiết gan cần phải xác định xem đó là u lành hay u ác tính. Sinh thiết gan là một xét nghiệm đặc biệt có thể giúp chẩn đoán bệnh lý ở gan chính xác mà các xét nghiệm thông thường khác như xét nghiệm máu chưa thể kết luận được.
Người bệnh nếu muốn sinh thiết gan thì cần phải đến bệnh viện để đảm bảo độ an toàn và chính xác của kết quả, sau khi lấy mẫu tế bào, người bệnh sẽ nằm lại viện để theo dõi trong khoảng 3 - 6 giờ và trở về nhà nếu không xảy ra tai biến gì.
2. Bị u gan khi nào cần sinh thiết?
Sinh thiết gan là xét nghiệm có thể được thực hiện với nhiều mục đích khác nhau nhưng chủ yếu là để tầm soát, chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý ở gan, đặc biệt là đối với bệnh nhân bị ung thư gan.
Đối với bệnh nhân bị u gan thì cần làm sinh thiết u gan trong trường hợp, các kết quả xét nghiệm gan đều cho kết quả bình thường nhưng lại phát hiện thấy khối u ở gan hoặc người bệnh có biểu hiện sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, sụt cân, hình ảnh các khối tổn thương gan có kích thước lớn và ngấm thuốc mạnh.
3. Xét nghiệm sinh thiết gan có nguy hiểm không?
Để thực hiện sinh thiết gan, các bác sĩ chỉ lấy ra khỏi cơ thể người bệnh một tế bào gan rất nhỏ nên sẽ không làm ảnh hưởng hay nguy hại gì cho gan hay sức khỏe của người bệnh. Trong một vài trường hợp, quá trình chọc sinh thiết gan có thể làm chảy máu từ chỗ kim đâm vào gan (nguy cơ rất thấp > 1%).
Sinh thiết gan không gây nguy hiểm, để đảm bảo an toàn, trước khi tiến hành sinh thiết gan, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tiến hành các xét nghiệm về khả năng đông, cầm máu. Trường hợp người bệnh đang sử dụng một số loại thuốc chống đông thì cần phải thông báo cho bác sĩ biết vì nguy cơ chảy máu do các loại thuốc này sẽ rất cao.
4. Quy trình xét nghiệm sinh thiết gan
Bác sĩ sẽ thảo luận với người bệnh để chọn ra phương pháp tiến hành sinh thiết gan tốt trong 2 phương pháp gồm:
- Sử dụng một cây kim đặc biệt để lấy mảnh gan nhỏ ra khỏi cơ thể người bệnh qua da ở vị trí ngực bụng bên phải.
- Bác sĩ sẽ lấy mẫu sinh thiết gan qua tĩnh mạch cổ của người bệnh hoặc đặt kim sinh thiết ở vị trí khác của bụng tới gan.
4.1 Chuẩn bị trước khi tiến hành sinh thiết gan
- Người bệnh không được ăn hoặc uống những thứ có màu trong vòng 6 giờ trước khi tiến hành thủ thuật.
- Không được uống nước trong vòng 3 giờ trước khi thực hiện sinh thiết gan.
- Thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng thuốc và tiền sử bệnh (nếu có).
- Một tuần trước khi sinh thiết gan cần dừng uống một số loại thuốc gồm: Aspirin, thuốc chống viêm không phải steroid như: Fendel, Voltaren, ibuprofen...Đồng thời, dừng uống thảo dược và các thực phẩm chức năng khác.
- Vào ngày làm thủ thuật sinh thiết gan hãy đến bệnh viện trước 1 giờ và có người thân đi cùng, mang theo những loại thuốc đang sử dụng.
4.2 Tiến hành sinh thiết gan
- Cách 1: Sử dụng kim sinh thiết để lấy một mảnh nhỏ nhu mô gan qua da vùng ngực bụng bên phải
Bác sĩ sẽ tiến hành sát trùng vùng da thực hiện sinh thiết, người bệnh cần nằm ngửa hoặc nằm nghiêng trái. Bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc gây tê vào vị trí đưa kim vào sinh thiết, sau đó đẩy kim rỗng đặc biệt xuyên qua da vào gan. Do đã được gây tê nên bệnh nhân không đau nhưng vẫn có thể cảm nhận lực đẩy kim vào. Do gan di động lên xuống khi hít vào - thở ra, khi thực hiện đẩy kim vào và rút kim ra, người bệnh cần nín thở trong khoảng 05-10 giây. Kim rút ra có chứa mẫu gan nhỏ.
- Cách 2: Sinh thiết gan qua tĩnh mạch vùng cổ hoặc vị trí khác
Cách sinh thiết gan này áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân u gan không tổng hợp được chất làm đông máu. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống dẫn để đưa qua đường tĩnh mạch ở cổ hoặc bẹn và đẩy nhẹ nhàng theo mạch máu tới gan. Đầu ống dẫn có gắn kim nhỏ để xuyên qua mạch máu vào trong mô gan của người bệnh và lấy mẫu gan. Mẫu gan nhỏ sẽ được đưa ra ngoài cơ thể theo ống dẫn. Với cách làm này sẽ giúp giảm khả năng chảy máu nếu người bệnh bị máu khó đông.
4.3 Sau khi làm thủ thuật sinh thiết gan
- Sau khi sinh thiết gan, người bệnh sẽ được đo huyết áp, đo mạch, độ bão hòa oxy trong máu và kiểm tra vị trí tiến hành sinh thiết có chảy máu không.
- Nếu tình trạng ổn định thì người bệnh sẽ được uống các chất lỏng, cũng có trường hợp không được ăn hoặc uống trong vòng 2 giờ sau khi tiến hành sinh thiết.
- Người bệnh cần nghỉ ngơi khoảng 6 -8 tiếng sau sinh thiết gan và thực hiện các hoạt động vệ sinh, ăn uống tại giường.
- Người bệnh không được uống Aspirin hay bất cứ thuốc giảm đau chống viêm trong 1 tuần sau khi sinh thiết gan.
- Không uống rượu cùng với các thuốc có chứa acetaminophen sau khi sinh thiết gan.
Trường hợp bệnh nhân đã trở về nhà và có các dấu hiệu bất thường sau thì cần thông báo cho bác sĩ ngay để có hướng xử trí kịp thời:
- Bị đau vùng bụng giữa trên rốn, ngực hoặc vai
- Sốt cao kèm ớn lạnh
- Mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu
- Chảy máu tại vị trí sinh thiết với số lượng lớn
- Nhịp thở ngắn, nông, bất thường
- Nôn, đại tiện ra máu
Sinh thiết gan là một thủ thuật tương đối an toàn, tuy nhiên trong một số trường hợp cũng có thể xuất hiện biến chứng, người bệnh cần theo dõi sức khỏe cẩn thận và trở lại viện ngay nếu có bất thường.