U cuộn mạch dưới móng: Tổn thương ít gặp

U cuộn mạch dưới móng là một khối u lành tính hiếm gặp với triệu chứng điển hình là không chịu được lạnh, đau kịch phát dữ dội và vị trí đau được xác định rõ. Tuy nhiên, chẩn đoán xác định chỉ thực hiện bằng mô học sau khi phẫu thuật cắt bỏ.

1. U cuộn mạch dưới móng là gì?

Khối u cuộn mạch được Wood mô tả lần đầu tiên vào năm 1812 và sau đó đặt tên bởi Masson vào năm 1924. Đây là một tổn thương ít gặp, lành tính với nguồn gốc từ các cấu trúc được gọi là cuộn mạch trong các cơ quan, bản chất là các cấu trúc thần kinh cơ liên quan đến chức năng điều chỉnh nhiệt độ và điều hòa lưu lượng máu tại chỗ.

U cuộn mạch được tìm thấy trong lớp hạ bì, tổn thương này có khuynh hướng tập trung nhiều hơn ở bàn tay và bàn chân, có tới 80% các u cuộn mạch được tìm thấy ở cánh tay, đặc biệt nhiều bên dưới móng tay nên gọi là u cuộn mạch dưới móng.

U cuộn mạch dưới móng thường gây ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân tuổi trung niên, các triệu chứng lâm sàng điển hình là cơn đau kịch phát dữ dội với điểm đau rõ ràng, dễ nhạy cảm với lạnh. Mặc dù các triệu chứng này gợi ý nhiều đến khối u cuộn mạch, nhưng chẩn đoán thường chậm trễ do phải dựa trên xác nhận mô học sau khi đã cắt bỏ.

2. Các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của u cuộn mạch dưới móng

Về mặt lâm sàng, u cuộn mạch dưới móng biểu hiện dưới dạng có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy thành khối, màu đỏ hồng hoặc đốm hơi xanh, làm tăng độ cong cũng như gây biến dạng móng tay. Đôi khi, chứng loạn dưỡng móng lại có thể là dấu hiệu duy nhất của u cuộn mạch dưới móng.

Bên cạnh đó, bộ ba triệu chứng cổ điển của u cuộn mạch dưới móng là đau kịch phát, dễ nhạy cảm với lạnh và vị trí điểm đau rõ ràng. Tuy nhiên, không phải tất cả các triệu chứng đều có tính nhất quán mà sẽ khác nhau ở từng cá nhân, dù vậy đau vẫn là dấu hiệu phổ biến nhất.


U cuộn mạch dưới móng là một khối u lành tính hiếm gặp ở móng
U cuộn mạch dưới móng là một khối u lành tính hiếm gặp ở móng

3. Cách chẩn đoán u cuộn mạch dưới móng như thế nào?

Tiền sử bệnh nhân và khám sức khỏe là chìa khóa để chẩn đoán u cuộn mạch dưới móng. Tuy nhiên, việc chẩn đoán đôi khi có thể khó khăn, đặc biệt là ở giai đoạn đầu khi tổn thương dưới móng còn rất nhỏ và các dấu hiệu lâm sàng vẫn chưa biểu hiện ra hoàn chỉnh.

Chính điều này giải thích sự chậm trễ trong chẩn đoán các tổn thương (đôi khi lên đến 15 năm). Mặt khác, sự hiện diện của cơn đau ở hầu hết các trường hợp đôi khi còn cần phải chẩn đoán phân biệt với các khối u gây đau đớn có thể xuất hiện ở đầu chi, chẳng hạn như u thần kinh, viêm khớp gút hoặc vôi hóa. Lúc này, chẩn đoán có thể được xác nhận dựa trên xét nghiệm mô học.

  • Thăm khám lâm sàng

Thủ thuật Love: Bài kiểm tra này mang tính định hướng bằng cách thăm dò bằng kim hoặc dụng cụ nhọn gây đau ở vùng bị ảnh hưởng, nhưng không phải là khu vực liền kề với nó. Thủ thuật Love có một độ nhạy 100% nhưng độ đặc hiệu là 0%.

Dấu hiệu Hildreth: Dấu hiệu Hildreth đề cập đến sự xuất hiện của cơn đau sau

khởi phát thiếu máu cục bộ bằng cách áp dụng garô vào cánh tay. Điều này làm nổi bật bản chất mạch máu của tổn thương có độ nhạy từ 77,4% đến 92% và độ đặc hiệu từ 91% đến 100% .

Kiểm tra độ nhạy lạnh: Bôi nước lạnh hoặc etanol lên vùng bị ảnh hưởng cũng sẽ gây khởi kích các triệu chứng. Thử nghiệm này có độ nhạy và độ đặc hiệu của 100%.

Thử nghiệm xuyên thấu: Thử nghiệm xuyên thấu được thực hiện trong bóng tối bằng cách truyền ánh sáng qua đệm ngón tay. Hình ảnh mờ đục, có màu đỏ được quan sát thấy trong khu vực của khối u cho phép ước tính kích thước với độ nhạy là 23% đến 38% và độ đặc hiệu là 90%.

  • Chẩn đoán hình ảnh

Ngay cả khi tổn thương đã được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và khám sức khỏe, các công cụ hình ảnh học cũng quan trọng để xác định vị trí của khối u và xác định kích thước trước khi phẫu thuật cắt bỏ để tránh tái diễn.

Chụp X quang, siêu âm và chụp cộng hưởng từ đã được ứng dụng cho chẩn đoán tiền thuật, trong khi các kỹ thuật hình ảnh khác như chụp mạch máu, xạ hình và đo nhiệt độ lại không chỉ ra được tổn thương.

  • Giải phẫu bệnh

U cuộn mạch dưới móng biệt lập thường xuất hiện dưới dạng bao bọc nhỏ màu xám đỏ từ 0,1 đến 0,3 cm đường kính. Cấu trúc của các khối u cuộn mạch thường được tạo thành từ 3 thành phần, đó là tế bào cuộn, cấu trúc mạch và tế bào cơ trơn. Do đó, theo phần chủ yếu của thành phần, u cuộn mạch dưới móng có thể được phân loại là u cuộn mạch rắn (ít cấu trúc mạch máu), u mạch (với thành phần mạch máu nổi bật) hoặc u mạch cơ (glomangiomyomas với ưu thế của cấu trúc mạch máu và tế bào cơ trơn).

Sự hiện diện của một lượng nhỏ các sợi thần kinh trong tổn thương cho thấy u cuộn mạch dưới móng có điểm nhạy cảm tinh tế. Hóa mô miễn dịch cho những khối u này liên quan đến việc nhuộm với các kháng thể đối với actin và vimentin. Tân sinh tế bào glomus nhuộm dương tính với CD34 và cơ trơn actin.


U cuộn mạch dưới móng có triệu chứng điển hình là không chịu được lạnh
U cuộn mạch dưới móng có triệu chứng điển hình là không chịu được lạnh

4. Cách điều trị u cuộn mạch dưới móng như thế nào?

Phương pháp điều trị u cuộn mạch dưới móng thường được lựa chọn là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn mới có thể chữa khỏi bệnh. Thời gian phục hồi thường mất 2 đến 4 tuần nhưng cơn đau đôi khi kéo dài hơn.

Tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật được ghi nhận trong khoảng 5% đến 15%. Trong đó, cảm giác đau có thể tái phát sau vài tuần nhưng mất nhiều năm sau đó để xuất hiện lặp lại. Khi tái phát xảy ra sớm, điều này thường là do cắt bỏ khối u không hoàn toàn, trong khi tái phát chậm trễ có xu hướng là do sự xuất hiện của một khối u thứ hai.

Một biến chứng khác của phẫu thuật u cuộn mạch dưới móng là chứng loạn dưỡng móng, xảy ra trong trường hợp làm hỏng nền móng. Tuy nhiên, chứng loạn dưỡng móng cũng có thể xảy ra khi khối u dính chặt hoặc do bề mặt bất thường trên giường móng sau khi phẫu thuật.

Ở những bệnh nhân không muốn phẫu thuật hoặc nếu phẫu thuật là không thể, có một số báo cáo rằng dùng indomethacin có thể kiểm soát cơn đau trong 10 ngày. Bên cạnh đó, việc sử dụng laser nhuộm xung, laser argon, laser CO2 và liệu pháp xơ hóa cũng đã cho thấy kết quả khả quan.

Tóm lại, u cuộn mạch dưới móng là một loại u lành tính hiếm gặp, thường được chẩn đoán sau khi người bệnh phải chịu đựng cơn đau dữ dội khu trú tại chỗ. Dấu hiệu lâm sàng và thăm khám là nền tảng của chẩn đoán, nhưng những hình ảnh mới định hướng được việc can thiệp và kết quả mô học là chẩn đoán chắc chắn. Phẫu thuật là cách điều trị phổ biến nhất nhưng thao tác cần thận trọng, lấy trọn tổn thương nhằm tránh khả năng tái phát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe