Tương tác giữa thuốc chữa bệnh tim / huyết áp cao và rượu

Tương tác giữa thuốc chữa bệnh tim/thuốc chữa huyết áp cao và rượu là một trong những tương tác thường gặp nhất trong thực tế, gây nguy cơ hạ huyết áp quá mức và nhiều biến chứng khác nguy hiểm sức khỏe người bệnh.

1. Bệnh tim mạch và các thuốc chữa bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là các tình trạng liên quan đến sức khỏe của tim và sự suy giảm khả năng làm việc của hệ thống mạch máu. Bệnh tim mạch bao gồm nhiều rất nhiều bệnh khác nhau như bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim, đau thắt ngực, tăng huyết áp,... Các bệnh tim mạch thường diễn biến âm thầm nhưng để lại các hậu quả rất nghiêm trọng. Nguy cơ thường gặp nhất là bệnh tim mạch gây xơ cứng, hẹp, tắc nghẽn mạch máu dẫn đến gián đoạn hoặc không cung ứng đủ oxy đến não và các bộ phận khác trong cơ thể khiến các cơ quan ngừng trệ hoạt động, nguy cơ dẫn đến các tai biến nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong. Một điều đáng lo ngại là tỷ lệ mắc bệnh tim mạch đang ngày càng gia tăng và có dấu hiệu trẻ hóa. Hiện nay ở Việt Nam, trung bình 4 người lớn thì 1-2 người đang có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

XEm THÊM: Bệnh lý tim mạch: nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

Thuốc chữa bệnh tim là các thuốc được kê đơn để ngăn ngừa hoặc điều trị các bệnh lý tim mạch. Các thuốc này cũng có thể sử dụng để điều trị các tình trạng không liên quan đến tim như đau nửa đầu hoặc run cơ. Các nhóm thuốc điều trị bệnh tim mạch được sử dụng phổ biến như:

  • Nhóm thuốc chẹn thụ thể beta: Bisoprolol, Metoprolol, Atenolol,...
  • Nhóm thuốc chẹn thụ thể alpha: Doxazosin, Prazosin, Terazosin,...
  • Nhóm thuốc ức chế men chuyển Angiotensin: Captopril, Enalapril, Perindopril,...
  • Thuốc ức chế thụ thể thụ thể Angiotensin: Losartan, Valsartan,...
  • Nhóm thuốc chẹn kênh canxi: Amlodipin, Nifedipin, Verapamil, Diltiazem,...
  • Nhóm thuốc lợi tiểu: Thiazid, Furosemid, Spironolacton,...
  • Nhóm thuốc điều trị lipid máu: Atorvastatin, Simvastatin, Rosuvastatin, Fenofibrat,...
  • Nhóm thuốc Nitrat: Nitroglycerin, Isosorbid dinitrat, Isosorbid mononitrat,...

XEM THÊM: Tìm hiểu thuốc chẹn beta (beta blocker) trong điều trị bệnh lý tim mạch


Thuốc chữa bệnh tim có vai trò điều trị bệnh lý tim mạch
Thuốc chữa bệnh tim có vai trò điều trị bệnh lý tim mạch

2. Tương tác giữa thuốc chữa bệnh tim / thuốc chữa huyết áp cao và rượu

Với tình hình bệnh tim mạch ngày càng gia tăng như hiện nay, việc sử dụng các thuốc chữa bệnh tim, đặc biệt là thuốc chữa bệnh huyết áp cao ngày càng phổ biến. Để sử dụng các thuốc điều trị bệnh tim mạch an toàn, hiệu quả, người bệnh cần chú ý đến một số tương tác nguy hiểm có thể xảy ra, một trong số đó là tương tác giữa thuốc chữa bệnh tim mạch/thuốc chữa huyết áp cao và rượu.

Một nghiên cứu thực hiện ở Mỹ từ năm 1999-2020, trong khoảng 17.000 người uống rượu, thuốc chữa bệnh tim mạch là loại thuốc có tỷ lệ tương tác với rượu cao nhất (chiếm khoảng 24%). Trong các thuốc chữa bệnh tim mạch được nghiên cứu thì các thuốc chữa huyết áp cao chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Uống rượu có thể gây nguy cơ hạ huyết áp ở một số bệnh nhân. Về mặt lý thuyết, khi sử dụng rượu chung với các thuốc cao huyết áp có thể làm tác dụng hạ huyết áp trở nên mạnh hơn, dẫn đến các triệu chứng của hạ huyết áp quá mức như chóng mặt, choáng váng, đầu óc quay cuồng, thở nhanh, buồn ngủ, buồn nôn, ngất xỉu, té ngã,...

Nguy cơ hạ huyết áp tư thế đứng khi người bệnh đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm thường xảy ra khi người bệnh bắt đầu điều trị bằng thuốc giãn mạch hoặc thuốc chẹn alpha. Nguy cơ này tăng cao khi người bệnh sử dụng chung các thuốc trên với rượu. Hạ huyết áp tư thế đứng có thể dẫn đến chấn thương, té ngã, điều này đặc biệt đáng lo ngại ở bệnh nhân cao tuổi.

Bên cạnh đó, người uống rượu trong thời gian dài có nguy cơ tổn thương gan (như xơ gan). Gan có nhiệm vụ phân hủy thuốc để bài tiết ra ngoài cơ thể. Khi gan bị tổn thương, quá trình phân hủy thuốc giảm đi, nồng độ thuốc trong cơ thể sẽ cao hơn, dẫn đến các tác dụng phụ sẽ nghiêm trọng hơn.

XEM THÊM: Sử dụng thuốc giãn mạch trong điều trị bệnh lý tim mạch, huyết áp


Uống rượu trong quá trình sử dụng thuốc điều trị bệnh sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc
Uống rượu trong quá trình sử dụng thuốc điều trị bệnh sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc

3. Một số thuốc chữa bệnh tim mạch/điều trị tăng huyết áp có nguy cơ cao tương tác với rượu

Một số thuốc chữa bệnh tim mạch/điều trị tăng huyết áp có nguy cơ cao tương tác với rượu là:

  • Nhóm thuốc chẹn alpha (Doxazosin, Prazosin, Terazosin, Clonidin) tương tác với rượu có thể dẫn đến hạ huyết áp quá mức, choáng váng, buồn ngủ, tăng nguy cơ té ngã.
  • Nitroglycerin và Isosorbide là những chất làm giãn mạch và chống đau thắt ngực được sử dụng để giúp ngăn ngừa đau ngực và điều trị đau thắt ngực. Khi sử dụng các thuốc này chung với rượu có thể gây tác dụng an thần và hạ huyết áp quá mức.
  • Các thuốc nhóm chẹn thụ thể bêta như Atenolol, Bisoprolol, Metoprolol,... khi sử dụng chung với rượu sẽ tăng nguy cơ hạ huyết áp với các triệu chứng như thay đổi mạch hoặc nhịp tim, nhức đầu, chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu. Hiện tượng này thường xảy ra khi bắt đầu điều trị hoặc khi thay đổi liều lượng.

Để tránh tương tác giữa thuốc chữa bệnh tim/thuốc chữa huyết áp cao với rượu, người bệnh cần tránh sử dụng rượu trong thời gian điều trị bằng thuốc. Đồng thời ngừng rượu ít nhất một ngày trước khi sử dụng các thuốc tim mạch. Người bệnh cần báo ngay với bác sĩ hoặc tìm sự trợ giúp y tế nếu vô tình sử dụng rượu chung với các thuốc điều trị tim mạch và xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, choáng váng, mệt mỏi, buồn nôn, buồn ngủ, ngất,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: drugs.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe