Tuổi nào tốt nhất để học một ngoại ngữ mới?

Học ngôn ngữ mới sẽ đem lại nhiều lợi ích cho mỗi người. Độ tuổi vàng học ngoại ngữ mới đối với trẻ em là từ 1 đến 3 tuổi, bởi ở giai đoạn này trẻ đã thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ, bộ não cũng sẵn sàng để tiếp thu từ ngữ và học cách nói chuyện.

1. Lợi ích của việc học một ngoại ngữ mới

Học ngôn ngữ mới đem lại nhiều lợi ích như sau:

  • Tăng cường trí não: Việc học thêm một ngôn ngữ mới sẽ giúp bộ não hình thành thói quen chuyển đổi giữa các loại ngôn ngữ, cho phép bạn điều hướng suy nghĩ của mình dễ dàng hơn và tăng khả năng linh hoạt trong suy nghĩ, tăng khả năng thực hiện một lúc nhiều việc và cải thiện trí nhớ;
  • Giảm nguy cơ suy giảm nhận thức: Những người nói được hai ngôn ngữ có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ hoặc bệnh Alzheimer thấp hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, những người chỉ nói một ngôn ngữ bị suy giảm nhận thức sớm hơn từ 4 – 5 năm so với những người nói được hai thứ tiếng.

2. Tuổi nào học ngoại ngữ tốt nhất?

Ngôn ngữ đã hình thành trong mỗi chúng ta từ khi còn ở giai đoạn thai nhi, các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em đã bắt đầu học ngôn ngữ mẹ đẻ khi còn trong bụng mẹ, đến khi chào đời trẻ học ngôn ngữ bằng cách lắng nghe và sao chép ngôn ngữ xung quanh.

Độ tuổi vàng để học ngoại ngữ thứ hai đối với trẻ em là từ 1 đến 3 tuổi, bởi ở giai đoạn này trẻ đã thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ, bộ não cũng sẵn sàng để tiếp thu từ ngữ và học cách nói chuyện. Trong giai đoạn đầu đời của trẻ em, việc học ngôn ngữ phần lớn là không theo một cấu trúc cụ thể, trẻ em tiếp thu tốt ngôn ngữ thông qua việc giao tiếp hiệu quả với cha mẹ và mọi người xung quanh. Chính bởi điều này mà nhiều bậc phụ huynh quan niệm rằng trẻ em học ngôn ngữ dễ dàng hơn người lớn, nhưng thực tế quan niệm này là không chính xác. Việc học một ngôn ngữ mới so với tiếng mẹ đẻ là hoàn toàn khác biệt bởi trẻ sử dụng tiếng mẹ đẻ mỗi ngày, thông qua thực tế sử dụng sai từ ngữ và được cha mẹ sửa chữa để tiến bộ mỗi ngày.

Khi đến tuổi dậy thì, việc học tốt ngoại ngữ của trẻ có xu hướng dựa vào các kỹ năng và chiến lược, phương pháp học. Điều này có thể dẫn đến sự thành công rõ ràng của trẻ em khi học ngoại ngữ so với người lớn. Bên cạnh đó một số yếu tố như trẻ em có nhiều thời gian ở trường hơn để dành cho việc học và trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với ngoại ngữ mới qua tivi, internet, làm cho hiệu quả học ngoại ngữ mới ở trẻ em thường tốt hơn so với người lớn. Trong đó trẻ ở giai đoạn dưới 15 tuổi được xem là độ tuổi có nhiều khả năng đạt được sự trôi chảy như người bản xứ khi học ngôn ngữ thứ hai.

Thông thường, trẻ nhỏ học nhiều hơn một ngôn ngữ thường có cha mẹ nói nhiều ngôn ngữ, trẻ lớn lên và học các ngôn ngữ đó một cách tự nhiên. Nếu không có sự giao tiếp và tiếp xúc thường xuyên thì việc học một ngoại ngữ mới khó hơn nhiều.

Tuy nhiên ngôn ngữ là một kỹ năng mà việc học vẫn cần duy trì bất kể ở độ tuổi nào. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ có thể mất đến 30 năm, vì vậy mỗi người cần phát triển cùng với ngôn ngữ của mình khi nó phát triển và thay đổi theo thời gian. Cùng với đó, việc người lớn tuổi học ngoại ngữ mới có thể đạt được những hiệu quả cao nếu bạn có phương pháp học đúng đắn và biện pháp vượt qua những thách thức trong việc học ngôn ngữ.


Việc học tốt ngoại ngữ của trẻ có xu hướng dựa vào các kỹ năng và chiến lược
Việc học tốt ngoại ngữ của trẻ có xu hướng dựa vào các kỹ năng và chiến lược

3. Vượt qua những thách thức trong việc học ngôn ngữ mới

Vượt qua những thách thức trong việc học ngôn ngữ mới là cách tốt nhất để đạt những hiệu quả cao và nâng cao khả năng giao tiếp như người bản xứ. Một số biện pháp như sau:

3.1. Đặt mục tiêu cụ thể

Việc học ngoại ngữ đôi lúc sẽ khiến bạn chán nản và muốn từ bỏ bởi thời gian cho việc học kéo dài hơn bạn mong đợi. Vì vậy, bạn cần biết được mình muốn đạt được điều gì khi học một ngôn ngữ mới và đặt mục tiêu để thực hiện được điều đó, chẳng hạn như:

  • Dành thời gian 30 phút mỗi ngày để học;
  • Trò chuyện với người bản xứ mỗi tuần một lần;
  • Học 100 từ mới mỗi tháng.

3.2. Loại bỏ mọi suy nghĩ ra khỏi đầu

Việc học một ngoại ngữ mới thường được xem là khó khăn ở người trưởng thành, bởi ở người trưởng thành sự ham muốn học hỏi, tìm hiểu và đặt câu hỏi về thế giới xung quanh bị giảm đi so với trẻ nhỏ. Bạn thường cảm thấy chán nản khi học một ngôn ngữ mới. Để khắc phục tình trạng đó, bạn cần loại bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu, ngừng bào chữa cho bản thân và tạo một động lực cho việc học.

3.3. Thoải mái khi mắc lỗi

Người lớn tuổi học ngoại ngữ thường do dự vì họ không muốn tìm hiểu một cách cẩn thận trong quá trình mắc lỗi để học hỏi và đó chính là nguyên nhân làm việc học ngôn ngữ mới trở nên khó khăn. Không ai làm mọi thứ hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên, vì vậy bạn cần học từ những điều nhỏ nhất, thoải mái khi mắc lỗi, tìm nguyên nhân rồi sửa chữa, xây dựng thời gian học tập và luyện tập thích hợp.

3.4. Xây dựng phương pháp

Xây dựng một phương pháp học tập thích hợp là biện pháp tốt nhất để bạn học tốt ngoại ngữ. Chẳng hạn như phương pháp viết từ vựng ra giấy sẽ giúp tăng khả năng ghi nhớ chúng, luyện nghe từ tốc độ chậm đến nhanh...


Học ngôn ngữ mới là cách tốt nhất để đạt những hiệu quả cao và nâng cao khả năng giao tiếp
Học ngôn ngữ mới là cách tốt nhất để đạt những hiệu quả cao và nâng cao khả năng giao tiếp

3.5. Xây dựng thời gian hợp lý

Việc học một ngôn ngữ mới không phải diễn ra trong một thời gian ngắn. Để đạt được mức độ trôi chảy như người bản xứ cần có thời gian học tập và luyện tập. Có thể mất từ vài tháng đến vài năm để có thể thành thạo một ngôn ngữ, vì vậy bạn cần xây dựng thời gian học hợp lý mỗi ngày bởi tính nhất quán, mức độ tập trung và chất lượng học quan trọng hơn thời gian học.

3.6. Luyện tập trong đời sống mỗi ngày

Một trong những cách học ngoại ngữ đạt hiệu quả cao là nghe, viết và nói thành tiếng. Trong đó, để thực sự giao tiếp thành thạo bạn cần phải luyện tập với người bản xứ, phát hiện lỗi sai và sữa ngay khi giao tiếp sẽ giúp tăng hiệu quả học tập. Bên cạnh đó, sự đắm chìm trong ngoại ngữ giúp việc học được nhanh hơn, sự đắm chìm hoàn toàn mang đến một cảm giác tự nhiên để học ngôn ngữ thứ hai, giống như bạn đã học khi còn nhỏ.

Tóm lại, việc học thêm một ngôn ngữ mới không chỉ giúp nâng cao kiến thức mà còn tạo nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm và phát triển bản thân. Độ tuổi học ngoại ngữ tốt nhất đối với trẻ em là từ 1 đến 3 tuổi, bởi ở giai đoạn này trẻ đã thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ, bộ não cũng sẵn sàng để tiếp thu từ ngữ và học cách nói chuyện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, britishcouncil.vn

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe