Húng chanh, quả quất, gừng, mật ong, tỏi và hẹ là những thảo dược có thể trị bệnh ho. Các bài thuốc này được cử nhân Đỗ Thị Phương Nga, Trưởng điều dưỡng, khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 giới thiệu.
1. Quả tắc (quất) chưng đường phèn
Nguyên liệu chính là quả tắc chín. Cách chế biến đơn giản, chỉ cần bổ đôi quả tắc, tách hạt rồi cho vào chén cùng đường phèn. Có thể hấp trong nồi cơm (ngay khi cơm cạn nước) hoặc hấp cách thủy. Sau khi hấp chín, lấy nước cho trẻ uống. Với trẻ em, phụ huynh dùng 2 - 4 quả tắc là có thể dùng cho 3 lần uống trong một ngày. Với người lớn, người bệnh có thể ăn luôn cả quả tắc sau khi chưng.
Tinh dầu trong quả tắc sẽ kích thích hệ hô hấp, giúp long đờm và tống đờm ra ngoài. Vitamin C trong quả này còn giúp cơ thể tăng sức đề kháng và chống cảm cúm.
2. Húng chanh (Tần dày lá)
Lấy vài lá vừa đủ dùng, rửa sạch, giã nát, sau đó chế khoảng 10 ml nước sôi vào. Chờ khoảng 10 phút cho nước hòa với lá húng chanh rồi vắt lấy nước. Ngày uống hai lần. Do húng chanh có vị đắng nên có thể pha thêm tí muối hoặc tí đường phèn để dễ uống.
Tinh dầu trong húng chanh có tác dụng ức chế một số vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp. Bài thuốc này có thể uống kéo dài.
3. Hoa hồng bạch (hoa hồng trắng)
Đây là loại hoa có chứa nhiều vitamin, đường, tinh dầu giúp trị họ cho trẻ rất hiệu quả. Dùng khoảng 4 g cánh hoa hồng trộn với đường phèn cho vào chén hấp trong nồi cơm hoặc chưng cách thủy cho hoa hồng ra nước rồi uống.
Cách thứ hai: Lấy cánh hoa hồng còn tươi, một quả tắc chín, 1/2 thìa đường hoặc mật ong. Cho tất cả vào chén và hấp cách thủy lấy nước uống. Có thể uống 4 lần trong ngày.
4. Mật ong
Mật ong nguyên chất cho vào tí nước mang đi hấp cách thủy cũng được xem là loại thuốc trị ho hiệu quả. Chỉ cần cho trẻ uống mỗi lần một muỗng cà phê mật ong, ngày dùng 3 - 4 lần. Lưu ý, không cho trẻ uống trực tiếp mật ong, nên chọn mật ong có nguồn gốc rõ ràng. Trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên dùng vì mật ong chứa mật hoa có thể gây dị ứng.
5. Củ tỏi
Giã nát tỏi trộn với 2 thìa cà phê mật ong rồi mang hấp cách thủy. Không nên hấp quá lâu để tỏi bị chín quá. Tỏi có tác dụng diệt khuẩn, sát trùng và kháng viêm. Ngoài ra, tỏi còn có các vitamin A, B, C, D, PP và các khoáng chất khác rất có lợi cho cơ thể. Sau khi chế biến, cho trẻ uống 2 - 3 lần trong ngày.
6. Lá hẹ
Đây là loại thực phẩm có tác dụng kháng khuẩn, chứa nhiều chất xơ, canxi và vitamin. Chọn ít lá hẹ và lượng đường phèn vừa đủ. Cho tất cả vào bát hấp cách thủy sau đó chắt lấy nước cho bé uống. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể dùng hẹ để nấu súp rồi cho trẻ húp và ăn cả lá hẹ.
Theo Thiên Chương - VnExpress
Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.