Tryptophan được khám phá ra bởi Frederick Hopkins năm 1901, là một amino acid thơm. Hopkins đã phân lập tryptophan từ quá trình tiêu hóa casein bởi tụy, từ 600 g casein thô thu được 4,8 g tryptophan.
1. Tryptophan là gì?
Tryptophan là một amino acid thiết yếu, nghĩa là cơ thể không tự tổng hợp được mà bắt buộc phải thu nạp từ bên ngoài (thức ăn, dược phẩm).
Ngày nay, tryptophan đã được ghi nhận là thành phần thiết yếu trong cấu trúc của rất nhiều các phân tử sinh vật duy trì sự sống, như enzyme, protein cấu trúc, serotonin, melatonin, và chất dẫn truyền thần kinh. Serotonin chịu trách nhiệm cho nhiều hoạt động sinh lý đa dạng khác nhau như rối loạn cảm xúc, nhận cảm đau, giấc ngủ, nhiệt độ và huyết áp, là chất trung gian kiểm soát cảm xúc và giấc ngủ.
Cơ thể có thể thu nhận tryptophan từ các loại thức ăn thực vật và động vật cũng như dược phẩm. Các thực phẩm chứa nhiều tryptophan là thịt gà, chuối, pho mát, chocolate, trứng, sữa, cá, lúa mạch, hạt vừng, đậu nành và chế phẩm, các loại hạt,...
2. Liệu tryptophan có tác dụng điều trị bệnh?
Tryptophan bổ sung từ dược phẩm là L-tryptophan, thường được mọi người sử dụng để cải thiện tình trạng giấc ngủ, cải thiện cảm xúc và sức khỏe tâm thần cho những người mắc trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hoặc được sử dụng để làm giảm nhẹ rối loạn cảm xúc cho những phụ nữ bị hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) nặng. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu chứng minh tác dụng từ việc bổ sung tryptophan từ dược phẩm cũng như kết quả của những nghiên cứu hiện có còn gây tranh cãi.
3. Thận trọng khi sử dụng L-tryptophan
L-tryptophan đã từng liên quan tới hội chứng eosinophilia-myalgia (EMS). EMS biểu hiện đột ngột, nặng nề các triệu chứng như đau cơ, tổn thương thần kinh, thay đổi trên da, và các triệu chứng suy nhược khác. Năm 1989, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ngừng cấp phép lưu hành đối với dược phẩm bổ sung tryptophan sau khi mười nghìn người sử dụng mắc EMS và một số trường hợp đã tử vong. Một số nghiên cứu sau đó gợi ý EMS xảy ra do viên bổ sung được sản xuất từ một nhà máy ở Nhật Bản đã không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, FDA đã cho phép lưu hành trở lại.
Không sử dụng L-tryptophan khi đang điều trị các thuốc chống trầm cảm loại SSRIs hoặc IMAO; thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ có thai.
4. Các tác dụng không mong muốn khi sử dụng L-tryptophan
Khi bổ sung L-tryptophan có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn sau:
- Nhìn mờ.
- Chóng mặt.
- Mệt mỏi.
- Đau đầu.
- Nổi mề đay.
- Buồn nôn.
- Tim đập mạnh.
- Đổ mồ hôi.
- Run cơ.
Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com