Trước và sau tiêm thuốc cản quang: Những điều cần biết

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Công Hiền - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Chất tương phản có chứa i-ốt (thuốc cản quang) được dùng để cải thiện các hình ảnh bên trong cơ thể được tạo ra nhờ tia X, cắt lớp điện toán (CT). Thông thường, chất tương phản sẽ giúp bác sĩ phân biệt được tình trạng bình thường và bất thường của cơ thể.

1. Lưu ý gì trước khi dùng thuốc cản quang?

Chất tương phản không phải là chất nhuộm làm đổi màu vĩnh viễn các cơ quan nội tạng. Đây chỉ là chất làm thay đổi tạm thời cách tương tác tia X hoặc các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác với cơ thể. Ngay trước khảo sát, chất tương phản khi được đưa vào trong cơ thể sẽ làm cho một số cấu trúc hay mô trong cơ thể hiển thị khác biệt trên hình ảnh so với lúc chưa có chất tương phản.

Chất tương phản giúp phân biệt hoặc “làm tăng độ tương phản” cho những vùng được lựa chọn trong cơ thể với các mô xung quanh. Bằng cách cải thiện hình ảnh hiển thị của các cơ quan, mạch máu hoặc mô, chất tương phản sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Thuốc cản quang khi đưa vào cơ thể bằng nhiều phương pháp ở phạm vi bài viết này chúng tôi đề cập đến thuốc cản quang qua đường tiêm tĩnh mạch được dùng để tăng độ tương phản hình ảnh chụp X-quang và CT.

Do thuốc cản quang có một vài nguy cơ gây dị ứng hoặc tác dụng không mong muốn, nên bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết về:

  • Các dị ứng với thuốc cản quang, thực phẩm, thuốc, chất nhuộm, chất bảo quản hoặc động vật;
  • Các loại thuốc đang dùng, kể cả thực phẩm chức năng;
  • Bệnh lý, phẫu thuật, hoặc tình trạng sức khỏe khác gần đây;
  • Tiền sử hen suyễn và sốt;
  • Tiền sử bệnh tim, bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh tuyến giáp hoặc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
  • Có thể phải điều trị dự phòng mẫn cảm bằng kháng histamin hoặc corticoid nhưng các biện pháp này không có giá trị chắc chắn.
  • Thông báo tình trạng thai kỳ ở bệnh nhân nữ: Cần tránh thực hiện các khảo sát hình ảnh có dùng thuốc cản quang trong thời kỳ mang thai để giảm thiểu nguy cơ cho thai nhi. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết bắt buộc phải chụp bác sĩ sẽ giải thích về các nguy cơ tiềm ẩn và lợi ích của việc chụp cắt lớp có dùng thuốc cản quang.
  • Bệnh nhân sẽ được cung cấp các hướng dẫn cụ thể về cách chuẩn bị trước khi khảo sát và cam đoan của người bệnh,gia đình trước khi tiêm thuốc.

Thuốc cản quang khi đưa vào cơ thể bằng nhiều phương pháp
Thuốc cản quang khi đưa vào cơ thể bằng nhiều phương pháp

2. Quá trình sử dụng thuốc cản quang diễn ra thế nào?

Khi thuốc cản quang được tiêm vào cơ thể, bệnh nhân sẽ có cảm giác âm ấm toàn thân và vị kim loại trong miệng kéo dài trong một vài phút.

Bệnh nhân có thể cảm thấy hơi khó chịu khi kim đâm vào da. Đau căng tức nếu có thoát thuốc.

3. Sau khi dùng thuốc cản quang cần lưu ý gì?

  • Bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng sẽ theo dõi sát người bệnh trong và sau khi tiêm thuốc khoản 30 phút, phát hiện và xử lý kịp thời khi có biến chứng hoặc phản ứng phụ.
  • Sau khi rút kim, vị trí này có thể bị thâm tím.
  • Đối với bệnh nhân đang cho con bú: khuyến cáo các bà mẹ không nên cho con bú trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi dùng thuốc cản quang. Tuy nhiên, Hiệp hội X-quang Hoa Kỳ và Hiệp hội X-quang Niệu-Dục Châu Âu lưu ý rằng các dữ liệu hiện có cho thấy việc tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ sau khi dùng chất tương phản là an toàn.

Khi thuốc cản quang được tiêm vào cơ thể, bệnh nhân sẽ có cảm giác âm ấm toàn thân
Khi thuốc cản quang được tiêm vào cơ thể, bệnh nhân sẽ có cảm giác âm ấm toàn thân

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe