Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, trẻ sinh ra thông minh, phát triển toàn diện về thể chất và trí não, phụ nữ trước khi mang thai cần uống bổ sung thuốc vitamin và khoáng chất. Việc bổ sung các chất cần thiết trước khi mang thai cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng, liều lượng,... để chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.
1. Lý do cần dùng thuốc bổ trước khi mang thai
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, em bé được phát triển tốt nhất ngay từ khi còn trong bụng mẹ, phụ nữ nên bổ sung thêm các loại thuốc bổ ở thời điểm 3 tháng trước khi mang thai.
Theo cơ chế sinh học, thời gian để trứng trưởng thành trong buồng trứng của phụ nữ là 3 tháng, sau đó trứng sẽ chín và rụng. Ở thời điểm rụng trứng, nếu trứng gặp được tinh trùng thì sẽ thụ thai. Và muốn phôi thai khỏe mạnh, người mẹ phải có chất lượng trứng tốt. Vì vậy, phụ nữ cần có kế hoạch uống bổ sung các dưỡng chất trước khi mang thai để trứng phát triển khỏe mạnh.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Trước khi mang thai nên uống thuốc gì?
Câu hỏi đặt ra là cần bổ sung gì trước khi mang thai? Theo các bác sĩ, phụ nữ nên bổ sung thêm các chất sau khi có kế hoạch mang thai:
2.1 Acid folic (vitamin B9 hay folate)
Acid folic có tác dụng ngăn ngừa các khuyết tật ống thần kinh (dị tật xương sọ, não bộ và cột sống) như khuyết tật nứt đốt sống, thiếu não. Dị tật nứt đốt sống khiến cột sống thai nhi không đóng, tủy sống không được bảo vệ. Trong khi đó, những phụ nữ sử dụng acid folic mỗi ngày có thể giảm tới 70% nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Ngoài ra, acid folic còn phòng ngừa được các biến chứng và dị tật khác như sảy thai, nhau bong non, tim bẩm sinh, sứt môi - chẻ vòm hầu, khuyết tật chi, rối loạn đông máu,...
Vì vậy, việc bổ sung acid folic trước khi mang thai là cần thiết. Phụ nữ nên dùng acid folic tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai. Liều dùng được khuyến cáo là khoảng 400mcg acid folic mỗi ngày. Phụ nữ có thể bổ sung acid folic từ các loại thực phẩm như bột ngũ cốc, măng tây, đậu đen, đậu lăng, lạc, cải bó xôi, nước cam tươi, xà lách, bông cải xanh, mì ống, bánh mì, chuối, dưa hấu, thịt gia cầm, chế phẩm từ sữa, hải sản,... Ngoài ra, những người có kế hoạch mang thai cũng nên bổ sung thêm các chế phẩm có acid folic như Adofex, Obimin, Ferrovit, Tardyferon B9,... Uống các chế phẩm bổ sung acid folic lúc bụng đói sẽ giúp hấp thu thuốc tốt hơn.
2.2 Canxi
Một lượng canxi lớn cần được huy động để hình thành, phát triển hệ xương và răng của bé trong giai đoạn mang thai và sau sinh (kéo dài tới 6 tháng sau sinh nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu). Nếu chỉ phụ thuộc vào chế độ ăn uống bình thường mà không bổ sung thêm canxi theo liều lượng được khuyến cáo thì người mẹ sẽ bị đau mỏi xương khớp, chuột rút, có thể bị co giật do hạ canxi máu. Đồng thời, thiếu canxi thai nhi sẽ lấy canxi từ cơ thể mẹ, dẫn đến nguy cơ loãng xương sau này. Đặc biệt, nếu không bổ sung đầy đủ canxi theo nhu cầu phát triển, thai nhi có thể bị còi xương, kém phát triển và biến dạng cấu tạo xương.
Do vậy, trước và trong thời kỳ mang thai, phụ nữ cần có chế độ ăn giàu canxi, tăng cường ăn hải sản, bơ, sữa, trứng, pho mát,... Đồng thời, cần bổ sung thêm canxi từ các loại dược phẩm tổng hợp (thuốc có chứa calcium) theo chỉ định của bác sĩ.
2.3 Sắt
Sắt là chất cần thiết để sản xuất các tế bào hồng cầu. Trong giai đoạn thai kỳ, thể tích máu của thai phụ tăng lên. Vì vậy, cần bổ sung chất sắt để tạo ra hemoglobin, giúp mang oxy đến nuôi dưỡng thai nhi. Sự thiếu hụt chất sắt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi như thai lưu, suy dinh dưỡng bào thai, tai biến xuất huyết sau khi sinh,... Vì vậy, cần bổ sung sắt trước và trong giai đoạn mang thai.
Phụ nữ chuẩn bị mang thai có thể bổ sung sắt từ các loại thực phẩm như rau ngót, rau muống, cá biển, thịt nạc,... Ngoài ra, cần bổ sung thêm sắt từ các chế phẩm được bác sĩ tư vấn sử dụng để phòng chống thiếu máu trong thời kỳ mang thai.
Lưu ý khi bổ sung sắt:
- Các tác dụng phụ thường gặp: Buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy và táo bón;
- Canxi và các thực phẩm giàu canxi có thể ức chế khả năng hấp thu chất sắt. Phụ nữ có thể khắc phục điểm này bằng cách uống sắt và canxi ở các thời điểm khác nhau;
- Các thuốc kháng axit hoặc thuốc điều trị trào ngược dạ dày cũng ảnh hưởng tới khả năng hấp thu chất sắt nên cần lưu ý khi sử dụng;
2.4 Vitamin
Vitamin đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh. Vì vậy, cần bổ sung đầy đủ vitamin trước và trong khi mang thai.
- Vitamin A: Có nhiều trong cà chua, cà rốt, bí đỏ, gan cá biển,... giúp tăng cường hệ miễn dịch cho mẹ, bảo vệ thai nhi, cho bé có một đôi mắt sáng và khỏe mạnh;
- Vitamin C: Có nhiều trong các loại rau xanh và trái cây tươi, giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật và hỗ trợ cơ thể hấp thu chất sắt tốt hơn;
- Vitamin E: Có nhiều trong mầm ngũ cốc, giá sống, dầu mè, đậu nành, hạt hướng dương,... giúp chống lão hóa, chống ung thư, duy trì cấu tạo và chức năng của cơ tim, cơ xương, hệ thống huyết quản ngoài,...
3. Lưu ý khi dùng thuốc bổ sung trước khi mang thai
- Phụ nữ trước và trong thời kỳ mang thai mỗi ngày cần bổ sung 400mcg acid folic, 27mg sắt, 1000mg canxi. Trường hợp cần dùng các chất bổ sung với liều lượng cao hơn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa;
- Cần có sự tư vấn của bác sĩ trước khi bổ sung bất kỳ loại thuốc gì, đặc biệt là với những phụ nữ có bệnh lý ở gan, thận;
- Không dùng thuốc quá liều khuyến cáo, nếu bổ sung vitamin A liều cao có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi;
- Nên thường xuyên tắm nắng lúc sáng sớm để bổ sung nguồn vitamin D tự nhiên, giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn;
- Chế độ ăn cần tăng cường protein (có trong thịt, cá, trứng, sữa,...) và Omega-3 (có trong cá thu, cá ngừ, cá mòi, dầu thực vật,...);
- Không hút thuốc và ngừng sử dụng rượu bia, tập thể dục đều đặn, tránh tiếp xúc với các chất độc hại;
- Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp, hen suyễn, trầm cảm, động kinh,... cần làm theo tư vấn của bác sĩ, đặc biệt là khi sử dụng thuốc vì một số loại thuốc có thể gây hại cho thai nhi.
Để trẻ có thể phát triển toàn diện, phụ nữ trước khi mang thai cần uống bổ sung thuốc, các dưỡng chất và vitamin cần thiết theo khuyến nghị của bác sĩ về liều lượng, thời gian sử dụng,...
Nhằm giúp chị em hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai, nắm bắt được trước khi mang thai cần bổ sung gì, trước khi mang thai cần uống thuốc gì?... Vinmec đã triển khai chương trình tư vấn và chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai.
Chương trình tư vấn và chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai của Vinmec được xây dựng bài bản và khoa học, được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng, y bác sĩ sản khoa đến từ các bệnh viện lớn trên cả nước, giúp bạn có kiến thức đầy đủ về dinh dưỡng và sức khỏe trong quá trình trước và sau khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh nhất.
Bác sĩ Phạm Thị Yến đã có 11 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa. Bác sĩ với thế mạnh và hiểu biết sâu sắc trong:
- Khám, tư vấn các thai thường, thai bệnh lý, thai nguy cơ cao
- Khám và điều trị các bệnh lí phụ khoa: viêm cổ tử cung, lộ tuyến cổ tử cung
- Phẫu thuật nội soi các bệnh lý phụ khoa : thai ngoài tử cung, khối u tử cung , khối u buồng trứng
- Phẫu thuật khối u vú, khối u âm hộ , âm đạo, cổ tử cung
- Phẫu thuật sản khoa : phẫu thuật lấy thai, khám
- Điều trị các rối loạn nội tiết phụ nữ ở các lứa tuổi: dậy thì, tuổi sinh sản; tuổi tiền mãn kinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.