Lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh và tình trạng thừa cân, béo phì là những nguyên nhân khiến rối loạn lipid máu ngày càng gia tăng. Rối loạn lipid máu là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch vành, bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim, đột quỵ. Do vậy, việc sử dụng thuốc giảm cholesterol thận trọng và đúng cách là một vấn đề quan trọng mà nhiều bệnh nhân quan tâm.
1. Các nhóm thuốc giảm cholesterol máu và những tác dụng phụ thường gặp
1.1 Nhóm statin
Statin tác dụng bằng cách ức chế men khử HMG-CoA, do đó ngăn cản quá trình tạo cholesterol ở gan và giúp làm giảm cholesterol trong máu. Bên cạnh đó, các thuốc trong nhóm statin còn có tác dụng làm tăng số lượng thụ thể của LDL-cholesterol, nhờ đó tăng sự thoái hóa và làm giảm LDL-cholesterol, loại cholesterol thường gây ra các mảng xơ vữa xuống mức thấp nhất. Đồng thời, các statin cũng làm tăng HDL-cholesterol (loại cholesterol có lợi). Có rất nhiều thuốc thuộc nhóm statin với nhiều tên biệt dược khác nhau, các thuốc trong nhóm này có tên kết thúc bằng đuôi “statin”, bao gồm: simvastatin, atorvastatin, lovastatin, rosuvastain, pravastatin, fluvastatin.
Tác dụng không mong muốn của nhóm statin bao gồm táo bón, đau bụng, tăng men gan, đau cơ. Ngoài ra một số bệnh nhân cũng báo cáo các vấn đề về rối loạn nhận thức như suy giảm trí nhớ, lú lẫn khi dùng statin.
1.2 Nhóm fibrat
Fibrat là một nhóm thuốc được sử dụng khá phổ biến trong điều trị mỡ máu. Thuốc có tác dụng giảm triglyceride, LDL và làm tăng HDL. Thuốc fibrat thường được chỉ định ở những bệnh nhân có mức triglyceride cao và nguy cơ viêm tụy cấp cao. Ở người tăng triglyceride và bị gout, thuốc fenofibrate có tác dụng làm giảm acid uric máu khi sử dụng dài hạn. Nhóm fibrat bao gồm các thuốc như Fenofibrat, ciprofibrate, bezafibrat...
Các tác dụng không mong muốn của nhóm fibrate thường nhẹ và thay đổi tùy bệnh nhân. Thuốc không phù hợp cho bệnh nhân có sỏi mật. Một số tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp phải khi dùng thuốc như buồn nôn, đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, yếu cơ. Fibrate có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông và tăng nguy cơ viêm cơ, tiêu cơ khi dùng chung với statin.
1.3 Nhóm niacin
Niacin hay còn gọi là vitamin B3 - đây là vitamin tan trong nước, có tác dụng tốt trong điều trị mỡ máu. Niacin ức chế phóng thích acid béo từ mô mỡ và ức chế sản xuất acid béo và triglyceride bởi tế bào gan. Tác dụng phụ thường gặp nhất là đỏ bừng mặt, rõ nhất ở vùng đầu, cổ và thân trên. Các tác dụng phụ ít gặp hơn bao gồm hạ huyết áp, tiêu chảy, nặng thêm tình trạng loét tiêu hóa, rối loạn chức năng gan.
1.4 Nhóm renin
Các thuốc trong nhóm này bao gồm cholestyramin, colestipol... Sau khi uống, các thuốc này không hấp thu qua ruột và gắn với acid mật, tạo thành phức hợp không tan ngăn tái hấp thu acid mật. Do đó dẫn tới tăng tổng hợp acid mật từ cholesterol và làm hạ cholesterol. Thuốc thường được dùng phối hợp với nhóm statin hoặc ở bệnh nhân không dung nạp với statin. Không được dùng cho những bệnh nhân triglyceride tăng quá cao, vì có thể làm nặng thêm tình trạng tăng triglyceride.
Một số tác dụng phụ thường gặp của nhóm này là đầy hơi, khó tiêu, ợ nóng, táo bón làm hạn chế việc tuân thủ dùng thuốc. Thuốc cũng có khuynh hướng làm giảm hấp thu một số thuốc khác như digoxin, warfarin, thyroxin,...
1.5 Nhóm ức chế sự hấp thu cholesterol
Một thuốc quan trọng trong nhóm này là ezetimibe. Thuốc có khả năng ức chế vận chuyển cholesterol và ngăn ức chế cholesterol từ đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, thuốc có thể được dùng đơn trị ở bệnh nhân chống chỉ định hoặc không dung nạp statin. Thuốc cũng có thể dùng phối hợp với nhóm statin khi bệnh nhân không kiểm soát được LDL-cholesterol với statin đơn độc.
Tác dụng phụ thường gặp khi dùng ezetimibe là tăng men gan, đau khớp, viêm xoang, viêm đường hô hấp trên. Thuốc ezetimibe chống chỉ định ở bệnh nhân quá mẫn với các thành phần của thuốc, phụ nữ mang thai hay cho con bú, người bị bệnh gan nếu dùng chung với statin hoặc bị tăng men gan dai dẳng không rõ nguyên nhân.
1.6 Dầu cá
Acid béo omega-3 như DHA và EPA có tác dụng hạ triglycerid khá mạnh và làm tăng HDL-C vừa phải. Thuốc này được dùng trong điều trị triglyceride cao và thường phối hợp với nhóm fibrate. Tác dụng phụ quan trọng của nhóm này là tăng nguy cơ chảy máu ở bệnh nhân đang dùng thuốc chống huyết khối như aspirin, warfarin. Người bị dị ứng với cá hay dị ứng hải sản cũng cần được tư vấn về khả năng dị ứng thuốc. Một số tác dụng phụ thường gặp khác bao gồm đau cơ, phù, táo bón.
2. Khi nào cần dùng thuốc thuốc giảm cholesterol trong máu?
Các bệnh nhân bị rối loạn lipid máu nhẹ, không có bệnh mạch vành, đái tháo đường, không hút thuốc, tăng huyết áp, thì có thể chưa cần dùng thuốc. Bệnh nhân có thể áp dụng biện pháp điều trị không dùng thuốc như thực hiện chế độ ăn kiêng và vận động... Sau 6 tháng thực hiện liệu pháp không dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng kết quả xét nghiệm lipid huyết vẫn không cải thiện, bác sĩ có thể cân nhắc kê đơn thuốc giảm cholesterol cho bệnh nhân. Khi đang dùng thuốc, bệnh nhân vẫn cần duy trì chế độ ăn uống và vận động phù hợp để đạt được việc hạ lipid máu tốt nhất. Người bệnh cần lưu ý hạn chế ăn mỡ động vật và thực phẩm nhiều cholesterol, ăn nhiều trái cây, rau củ quả, chất xơ và đủ chất đạm, vận động thể lực hằng ngày và giảm cân nếu cần thiết.
Do có nhiều nhóm thuốc hạ cholesterol máu khác nhau nên tùy từng bệnh nhân bác sĩ sẽ kê loại thuốc với liều lượng phù hợp.Việc kê đơn thuốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: nồng độ cholesterol trong máu, các bệnh lý khác kèm theo, các thuốc đang dùng để tránh các tương tác thuốc, khả năng dung nạp của bệnh nhân. Các thuốc giảm cholesterol máu có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nếu bệnh nhân sử dụng không đúng cách. Do vậy, bệnh nhân cần dùng thuốc hạ cholesterol theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
3. Những lưu ý khi dùng thuốc hạ cholesterol
- Có nhiều loại thuốc có thể tương tác với thuốc statin, làm tăng nguy cơ gây tác dụng phụ bao gồm: Amiodarone, cyclosporine, clarithromycin, itraconazole, gemfibrozil, saquinavir, ritonavir... Bên cạnh đó, một số vitamin, thảo dược hoặc các thực phẩm chức năng cũng có thể tương tác với statin. Để hạn chế tương tác thuốc xảy ra, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đã hoặc đang dùng để bác sĩ tư vấn sử dụng loại thuốc phù hợp.
- Mặc dù các thuốc giảm cholesterol trong máu khá an toàn, nhưng có một tác dụng phụ đáng lưu ý của nhóm statin và fibrate là tiêu cơ vân. Đây là tác dụng phụ nguy hiểm do các tế bào cơ vân bị phân hủy, giải phóng các chất có bên trong tế bào, đào thải myoglobin qua đường tiết niệu và dẫn đến tắc nghẽn đường niệu và gây ra suy thận. Dấu hiệu ban đầu của tác dụng phụ này là đau mỏi cơ bắp, yếu cơ, co cơ (thường gặp ở cơ bắp chân, cơ lưng), sau đó là nước tiểu có màu đỏ sậm. Nếu gặp phải các triệu chứng trên, bệnh nhân cần ngừng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
- Trong thời gian điều trị bằng thuốc hạ cholesterol, bệnh nhân vẫn cần duy trì chế độ ăn uống phù hợp. Việc vận động thể lực và giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì là các liệu pháp tốt để hỗ trợ cho điều trị bằng thuốc.
- Không dùng phối hợp gemfibrozil và statin vì tăng nguy cơ tiêu cơ.
Tóm lại, có nhiều nhóm thuốc hạ cholesterol máu với các cơ chế tác dụng khác nhau. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp phụ thuộc vào nồng độ cholesterol trong máu, bệnh mắc kèm, các thuốc đang dùng để tránh các tương tác thuốc và khả năng dung nạp của bệnh nhân. Các thuốc hạ cholesterol có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nếu bệnh nhân sử dụng không đúng cách. Do vậy, bệnh nhân cần dùng thuốc giảm cholesterol theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.