Triglyceride và Cholesterol khác nhau như thế nào?

Triglyceride và Cholesterol là hai loại chất béo khác nhau về cấu tạo và chức năng, tuy nhiên cả hai đều có những chức năng quan trọng đối với cơ thể người. Vậy sự khác nhau giữa Cholesterol và Triglyceride là gì và làm sao để có thể phân biệt hai loại hợp chất này ?

1. Sự khác nhau giữa cholesterol và triglycerid về định nghĩa

1.1 Triglyceride là gì?

Triglyceride là 1 loại chất béo trung tính hoặc lipid trong máu mà con người có thể hấp thụ hằng ngày qua chế độ ăn. Các loại thực phẩm có Triglyceride là các loại thức ăn như bơ, dầu thực vật, mỡ động vật...Ngoài ra, cơ thể cũng có thể biến nguồn calo dư thừa từ thức ăn thành hợp chất Triglyceride tại gan.

Triglyceride là 1 dạng Glycerol với 3 phân tử Axit béo. Để được hấp thu vào cơ thể tại ruột non, phân tử Triglyceride được phân tại cơ quan này sau đó kết hợp với Cholesterol để tạo thành Chylomicron. Tế bào mỡ và tế bào gan là những nơi dự trữ và phóng thích Chylomicron nhiều nhất khi cơ thể cần năng lượng. Nếu nồng độ lưu trữ vượt mức cho phép sẽ xảy ra tình trạng tăng Triglyceride máu và kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.

1.2 Cholesterol là gì?

Cholesterol cũng là 1 thành phần thuộc nhóm chất lipid máu có vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của cơ thể. Cholesterol có thể được được hình thành từ 2 nguồn là từ trong cơ thể (gan) tổng hợp hoặc từ thức ăn. Khoảng 75% lượng chất Cholesterol trong máu người bình thường được sản xuất ở gan và các cơ quan khác, 25% còn lại là từ thức ăn. Các loại thực phẩm có Cholesterol là các loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật như lòng đỏ trứng, thịt, sữa, phù tạng động vật.

Cholesterol được chia làm 2 loại là LDL – Cholesterol hay còn gọi là chất béo xấu và HDL – Cholesterol hay còn gọi là chất béo tốt. Đồng nghĩa với việc khi nồng độ LDL – Cholesterol trong máu tăng cao có thể gây ra các bệnh lý nguy hiểm, trong khi đó nồng độ HDL – Cholesterol tăng sẽ làm hạn chế bớt những biến chứng này.

2. Sự khác nhau giữa cholesterol và triglycerid về chức năng

Triglyceride:

Về mặt chức năng,. đối với cơ thể thì Triglyceride khác Cholesterol rất nhiều. Chức năng chính của Triglyceride là dự trữ năng lượng và để sử dụng sau này khi cơ thể cần đến nó. Thực phẩm bạn ăn chứa calo ở dạng carbohydrate, protein và chất béo. Khi bạn tiêu thụ nhiều calo hơn mức bình thường cơ thể có thể sẽ thu nhận, chuyển hóa và sau đó lưu trữ lượng calo đó dưới dạng chất béo trung tính là Triglyceride. Các tế bào mỡ giữ các phân tử chất béo trung tính - Triglyceride cho đến khi cơ thể bạn cần năng lượng, chẳng hạn như khoảng thời gian giữa các bữa ăn (lúc mà cơ thể bắt đầu mất dần năng lượng). Lúc này, các hormone báo hiệu cho các tế bào mỡ giải phóng Triglyceride chuyển hóa thành năng lượng để cơ thể bạn sử dụng.

Cholesterol:

Về phía Cholesterol, dường như hợp chất này có nhiều chức năng trong cơ thể hơn so với Triglyceride, bao gồm:

  • Nguyên liệu sản xuất hormone steroid, loại hormone sinh dục của cơ thể.
  • Có vai trò trong tổng hợp nên Cortisol.
  • Tham gia sản sinh ra hormone Aldosterone.
  • Chất béo LDL - Cholesterol làm nhiệm vụ gắn trực tiếp với các virus, vi khuẩn để vô hiệu hóa độc lực của chúng.
  • Hỗ trợ khả năng làm lành vết thương.
  • Tham gia vào việc tạo thành các hàng rào bảo vệ bền vững của cấu trúc màng tế bào .
  • Tham gia vào sự hình thành lớp vỏ Myelin của tế bào thần kinh.
  • Tham gia sản xuất dịch mật tại gan.
  • Là một chất chống oxy hóa của cơ thể.

3. Sự khác nhau giữa cholesterol và triglycerid về nồng độ trong máu

Triglyceride:

Kiểm tra nồng độ Triglyceride trong máu cần phải thông qua xét nghiệm sinh hóa máu. Kết quả xét nghiệm máu sẽ cho biết mức Triglyceride trong cơ thể, thường được đo bằng miligam trên mỗi decilit (mg/dL).

Kết quả về chỉ số Triglyceride sẽ được phân loại như sau:

  • Bình thường: Thấp hơn 150 mg/dL;
  • Giới hạn bình thường cao: 151 – 199 mg/dL;
  • Cao: Trên 200 mg/dL;
  • Rất cao: trên 500 mg/dL.

Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức Triglyceride. Ví dụ, nồng độ Triglyceride trong máu có thể tăng lên sau khi một người ăn, vì cơ thể tạo ra nhiều chất béo hơn từ lượng calo không sử dụng hết trong bữa ăn. Vì thế, khi xét nghiệm định lượng Triglyceride cần thực hiện xa bữa ăn hoặc khi bụng đang đói. Ngoài ra còn một số yếu tố khác ảnh hưởng đến mức Triglyceride bao gồm:

  • Chế độ ăn kiêng;
  • Không hoạt động thể chất hoặc tập thể dục;
  • Triglyceride thay đổi theo thời gian trong ngày;
  • Bệnh lý nội tiết như đái tháo đường, suy giáp...;
  • Tình trạng viêm nhiễm;
  • Sử dụng rượu bia;
  • Phụ nữ trong thời gian hành kinh;
  • Việc sử dụng thuốc;
  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Thai kỳ.

Cholesterol:

Cũng như Triglyceride, xét nghiệm sinh hoá máu có thể kiểm tra mức Cholesterol của một người. Kết quả xét nghiệm cho thấy mức Cholesterol tính bằng miligam trên mỗi decilit (mg/dL) máu. Đối với người lớn, phân loại theo nồng độ Cholesterol bao gồm:

  • Bình thường: 199 mg/dL hoặc thấp hơn;
  • Giới hạn bình thường: 200 – 239 mg/dL;
  • Cao: trên 240 mg/dL;

Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức Cholesterol trong cơ thể bao gồm:

  • Khẩu phần ăn uống;
  • Hạn chế vận động;
  • Thừa cân, béo phì;
  • Tính chất tuổi;
  • Tính di truyền;
  • Sử dụng rượu bia, thuốc lá;
  • Các bệnh lý như suy thận, suy giáp, đái tháo đường...

Cần lưu ý rằng, về mặt bản chất cả Cholesterol và Triglyceride đều là các dạng chất béo, nên hầu như những yếu tố ảnh hưởng lên nồng độ của Cholesterol cũng sẽ ảnh hưởng đến nồng độ Triglyceride.

Tóm lại, Cholesterol và Triglyceride là 2 dạng chất béo có vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể. Mặc dù khác nhau về cấu tạo và chức năng đối với cơ thể con người, nhưng cả hai hợp chất này thường có một sự liên kết chặt chẽ với nhau. Bất kỳ những yếu tố gì ảnh hưởng đến chất này đều có thể gây tác động với chất kia. Những rối loạn về nồng độ của cả Triglyceride và Cholesterol thường nằm trong những rối loạn chuyển hóa Lipid nói chung, chúng thường gây những biến chứng nguy hiểm trên hệ tim mạch, mạch máu, huyết áp, tiêu hóa và thần kinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe