Triglyceride tăng là tình trạng bệnh lý thường gặp, biểu hiện qua nồng độ Triglyceride tăng trong máu huyết thanh, được xác nhận qua xét nghiệm sinh hóa máu. Tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng trên tim mạch, chuyển hóa, nội tiết...đôi khi để lại nhiều hậu quả nghiệm trọng. Vậy Triglyceride tăng trong trường hợp nào và cần làm gì khi đối mặt với tình trạng này?
1. Triglyceride là gì?
Triglyceride là thuật ngữ khoa học chỉ một dạng chất béo, bao gồm chất béo bạn ăn trong chế độ ăn uống và chất béo được lưu trữ trong cơ thể. Chúng được hình thành từ sự kết hợp của một hợp chất gọi là glycerol và ba axit béo. Triglyceride trong chế độ ăn uống được tiêu hóa và hấp thụ trong ruột non. Sau đó, chúng được kết hợp cùng với Cholesterol và Protein trong các hạt gọi là Chylomicron, mang chất béo trung tính - Triglyceride từ ruột đến các mô khác.
Gan cũng có thể sản xuất Triglyceride từ đường và chất béo khác. Điều này xảy ra khi bạn ăn nhiều Carbs hoặc nhiều calo hơn nhu cầu của cơ thể. Triglyceride có thể được lưu trữ trong mô mỡ hoặc có thể được sử dụng làm năng lượng. Ví dụ, cơ thể có thể giải phóng chất béo dự trữ vào máu dưới dạng axit béo khi bạn không ăn trong một thời gian dài. Các axit béo này quay trở lại gan, biến chứng thành lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL) chứa Triglyceride và được đưa trở lại vào máu. Mặt khác, cơ thể bạn tích trữ nhiều Triglyceride hơn khi bạn ăn quá nhiều hoặc có chế độ ăn uống không lành mạnh. Quá trình đốt cháy Triglyceride để làm nhiên liệu đòi hỏi một loại enzyme đặc biệt là lipoprotein lipase được tìm thấy trong cơ bắp.
2. Triglyceride cao trong máu xảy ra khi nào?
Xét nghiệm sinh hóa máu có thể đo mức Triglyceride trong tuần hoàn. Khi thực hiện xét nghiệm này, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhịn đói để có kết quả chính xác, vì Triglyceride thường tăng vọt từ một đến bốn giờ sau bữa ăn. Nồng độ Triglyceride được phân loại như sau :
- Tối ưu: Dưới 90 mg/dL (1 mmol/L);
- Bình thường: Dưới 150 mg/dL (1,7 mmol/L);
- Mức giới hạn cao: 150 đến 200 mg/dL (1,7 đến 2,3 mmol/L);
- Cao: 200 đến 500 mg/dL (2,3 đến 5,6 mmol/L);
- Rất cao: 500 mg/dL hoặc cao hơn (5,6 mmol/L).
Vậy lượng Triglyceride trong máu cao thường xảy ra trong các trường hợp nào. Các nguyên nhân được liệt kê dưới đây thường liên quan đến tình trạng Triglyceride cao. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để có được chẩn đoán chính xác.
2.1 Chế độ ăn giàu calo, carbs và chất béo
Mức Triglyceride tăng lên khi có sự rối loạn về lượng thức ăn dung nạp (ăn quá nhiều). Nói cách khác, khi bạn ăn nhiều hơn nhu cầu của cơ thể, lượng calo dư thừa sẽ được chuyển hóa thành chất béo, bao gồm cả Triglyceride. Nguy cơ dư thừa dinh dưỡng có thể tăng hơn với chế độ ăn nhiều calo, nhiều tinh bột và chất béo bão hòa.
Chế độ ăn ít chất béo, nhiều Carbohydrate là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tăng nồng độ Triglyceride. Đến đây, nhiều người sẽ nghĩ rằng chế độ ăn nhiều chất béo là không tốt, vậy chẳng phải điều đó có nghĩa là chế độ ăn ít chất béo sẽ có lợi sao? Câu trả lời là không hẳn như vậy. Chất béo thường có hai dạng chính là chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa, trong đó chất béo bão hòa là dạng chất béo không lành mạnh. Ngược lại, chất béo không bão hòa chẳng hạn như chất béo có trong dầu ô liu và dầu cá... có tác dụng giữ mức Triglyceride được bình thường và duy trì sức khỏe tổng thể của bạn. Nếu bạn không nạp đủ chất béo trong chế độ ăn uống, cơ thể bạn sẽ xảy ra quá trình chuyển hóa đường mà bạn tiêu thụ thành chất béo dư thừa.
Điều này đi ngược lại niềm tin phổ biến rằng cơ thể bạn sẽ không tích trữ chất béo miễn là bạn không ăn chất béo. Trên thực tế, chế độ ăn nhiều Carbohydrate có thể tồi tệ hơn nhiều so với chế độ ăn nhiều chất béo (chất béo tốt – chất béo không bão hòa) đối với nồng độ Triglyceride của bạn. Nhiều nhà khoa học ủng hộ rằng chế độ ăn nhiều Carb, ít chất béo không bão hòa có thể cũng góp phần gây ra tình trạng thừa cân, béo phì.
2.2 Béo phì
Cũng giống như chế độ ăn nhiều calo, béo phì thường liên quan đến tình trạng tăng nồng độ Triglyceride. Những người bị béo phì cũng thường có Cholesterol LDL “Cholesterol xấu” cao và Cholesterol HDL “Cholesterol tốt” thấp, gây ra những biến chứng cho các mạch máu. Sự kết hợp cả 2 yếu tố này làm tăng tình trạng viêm mãn tính và nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường.
Béo phì thường dẫn đến tình trạng kháng Insulin, đó là khi các mô ngừng phản ứng với Insulin do tuyến tụy tiết ra. Do đó, Insulin không thể báo hiệu cho các mô đốt cháy chất béo và Glucose không thể đi vào tế bào để sử dụng làm năng lượng. Gan cố gắng bù đắp bằng cách tích trữ nhiều axit béo hơn từ các nguồn thực phẩm và tạo ra nhiều Cholesterol VLDL hơn, điều này càng làm nồng độ Triglyceride dư thừa trở nên tồi tệ hơn.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu ban đầu cho thấy béo phì có thể kích hoạt và làm tăng ảnh hưởng của các biến thể gen có tác dụng tăng Triglyceride máu, đặc biệt là ở phụ nữ.
2.3 Lười vận động
Không hoạt động thể chất và có lối sống hạn chế vận động có liên quan đến tình trạng tăng nồng độ Triglyceride cao trong má. Những người càng ít tập thể dục thì cơ thể không thể hoạt động tốt để đốt cháy lượng mỡ thừa. Ngoài ra việc hạn chế hoạt động thể lực thường khiến cơ thể không cảm thấy mệt và đói. Lúc này, bạn sẽ có xu hướng hạn chế việc ăn uống. Tuy nhiên, một khi cơn đói xảy ra, bạn sẽ có xu hướng thu nạp lượng thức ăn nhiều hơn, từ đó có nguy cơ dẫn đến dư thừa năng lượng.
2.4 Hút thuốc
Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa hút thuốc và mức Triglyceride cao hơn trong máu. Trong số 191 phụ nữ, những người không hút thuốc có mức Triglyceride thấp hơn 40% so với những người hút thuốc. Những người hút thuốc cũng có tổng lượng Cholesterol cao hơn một chút và lượng cholesterol HDL thấp hơn so với những người không hút thuốc lá.
2.5 Lạm dụng rượu bia
Những người nghiện rượu nặng có mức Triglyceride cao hơn so với người bình thường và họ cũng có nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh gan nhiễm mỡ do rượu và viêm tuyến tụy. Uống rượu quá mức làm tăng Triglyceride trong máu bằng cách buộc gan giải phóng nhiều VLDL, làm giảm quá trình đốt cháy chất béo đồng thời tăng dự trữ chất béo trong gan.
2.6 Đái tháo đường Type 2
Ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, các mô sẽ ngừng đáp ứng với insulin. Điều này có nghĩa là Glucose không thể vào bên trong tế bào và tế bào cần một nguồn năng lượng khác. Kết quả là gan tạo ra một lượng lớn VLDL chứa Triglyceride, từ đó làm nồng độ hợp chất này tăng cao trong máu.
2.7 Suy giáp
Tuyến giáp hoạt động kém hay bệnh suy giáp làm tăng mức Triglyceride bằng cách can thiệp vào quá trình sản xuất Cholesterol trong cơ thể. Ngay khi hormone tuyến giáp bình thường hóa (thông qua điều trị), nồng Triglyceride sẽ trở lại bình thường. Ngay cả những người bị suy giáp nhẹ và có nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) ở mức bình thường cũng có nhiều khả năng gặp phải tình trạng nồng độ Triglyceride cao, đồng thời nồng độ LDL cao và HDL thấp.
2.8 Mắc bệnh lý về gan
Một số bệnh nhân có những bệnh lý về gan như bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) và xơ gan do rượu có nguy cơ làm tăng nồng độ Triglyceride trong máu. Những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu sản xuất nhiều hơn và loại bỏ ít Triglyceride hơn do chế độ ăn nhiều chất béo hoặc kháng insulin, sự phân hủy axit béo bị lỗi hoặc sản xuất VLDL bị lỗi.
2.9 Mắc bệnh lý về thận
Những người mắc bệnh thận mãn tính đã có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Họ cũng thường gặp phải tình trạng Triglyceride cao trong máu trong khi mức Cholesterol bình thường, điều này càng làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch và mạch máu. Triglyceride bắt đầu tăng sớm trong giai đoạn đầu của bệnh thận và đạt mức tối đa trong giai đoạn cuối.
2.10 Tình trạng viêm, nhiễm trùng và tự miễn
Trong một số trường hợp, Triglyceride có thể tăng do viêm và nhiễm trùng. Những người bị nhiễm trùng và các bệnh viêm mãn tính hoặc bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, lupus và bệnh vẩy nến...thường có mức Triglyceride cao và HDL thấp. Những thay đổi này ban đầu có tác dụng làm giảm viêm hoặc chống nhiễm trùng, nhưng về lâu dài chúng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp, xơ vữa mạch máu...
2.11 Thiếu Vitamin D
Vitamin D có nhiều lợi ích cho cơ thể nói chung, trong đó có tác dụng hỗ trợ ổn định mức Triglyceride bình thường trong máu. Vì thế, theo một nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng thiếu Vitamin D có liên quan đến mức Triglyceride cao hơn, kết quả là gần như tương tự khi nghiên cứu trên trẻ em và người lớn.
2.12 Rối loạn di truyền hiếm gặp
Một số rối loạn di truyền hiếm gặp có thể làm giảm độ thanh thải của Triglyceride. Chúng bao gồm Chylomicronemia tính chất gia đình, tăng lipid máu hỗn hợp nguyên phát, rối loạn beta lipoprotein máu gia đình, tăng Lipid máu hỗn hợp có tính gia đình, những rối loạn chức năng LPL hiếm gặp, tăng nồng độ apoB máu...
2.13 Sử dụng một số loại thuốc
Các loại thuốc sau đây có thể làm tăng nồng độ Triglyceride trong máu :
- Corticoid
- Estrogen;
- Thuốc lợi tiểu;
- Thuốc chẹn beta;
- Thuốc kháng virus;
- Retinoid;
- Một số thuốc chống loạn thần;
- Propofol;
- Clozapine, Olanzapine;
- Cyclosporine;
- Sirolimus;
- Tacrolimus.
2.14 Thiếu ngủ
Thiếu ngủ liên tục không chỉ liên quan đến huyết áp cao mà còn cả bệnh tiểu đường Type 2 và béo phì, hai tình trạng có liên quan đến tăng Triglyceride trong máu. Rối loạn giấc ngủ, bao gồm chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, được đánh dấu bằng các đợt ngừng thở ngắn, thức dậy giữa đêm..cũng có liên quan đến những rối loạn chuyển hóa lipid, chẳng hạn như tăng Triglyceride và Cholesterol LDL.
2.12 Stress
Nhiều chuyên gia vẫn chưa rõ liệu Stress có phải là nguyên nhân gây ra bệnh tim hay không, nhưng rõ ràng là căng thẳng thúc đẩy cơ thể chúng ta hoạt động không lành mạnh, chẳng hạn như uống rượu và ăn nhiều đường, Carbohydrate, những thực phẩm làm tăng mức Triglyceride.
Căng thẳng mãn tính cũng góp phần gây ra chứng viêm, cản trở khả năng loại bỏ các chất béo này khỏi máu của cơ thể và tăng sản xuất nồng độ rất thấp các hạt Lipoprotein (VLDL) mang Triglyceride đến các mô của bạn thông qua dòng máu, từ đó làm tăng nồng độ Triglyceride.
Trên đây là một số trường hợp có thể gây ra tình trạng tăng nồng độ Triglyceride trong máu. Thông qua nó, mọi người có thể đưa ra được các phương pháp dự phòng như xây dựng chế độ ăn hợp lý, luyện tập thể dục, giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc, điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý tim mạch, gan, thận, béo phì, bệnh nội tiết như đái tháo đường, suy giáp...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.