Trĩ, khi nào phải mổ?

Khi nào cần mổ trĩ được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng và các triệu chứng cụ thể của từng bệnh nhân. Với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ tiên tiến đã ra đời, mang lại hiệu quả cao và giảm thiểu tối đa cảm giác đau đớn. Hãy theo dõi bài viết sau để hiểu rõ hơn thời điểm áp dụng phẫu thuật và các cách điều trị bệnh trĩ mới nhất.

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Quân - Phó trưởng khoa ngoại - Bệnh viện ĐKQT Vinmec Hải Phòng.

1. Các cấp độ của bệnh trĩ

Trước khi tìm hiểu về vấn đề “Khi nào cần mổ trĩ?”, chúng ta cần hiểu rõ các cấp độ bệnh trĩ và dựa vào mức độ bệnh bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Trĩ là một bệnh lý phổ biến, được chia thành 2 loại là trĩ nội, trĩ ngoại với 4 cấp độ:

  • Cấp độ 1: Búi trĩ mới hình thành và nằm hoàn toàn trong hậu môn. Khi đi đại tiện người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng đau rát và ngứa ngáy.
  • Cấp độ 2: Búi trĩ có kích thước bằng hạt đậu và bệnh nhân sẽ cảm thấy cơn đau rõ rệt, thậm chí đi đại tiện ra máu.
  • Cấp độ 3: Giai đoạn này bệnh đã tiến triển xấu, búi trĩ sa ra ngoài hậu môn không tự co lên được mà bệnh nhân cần tự đẩy lên. Khi đi vệ sinh hoặc ngồi xuống, người bệnh cảm giác đau dữ dội.
  • Cấp độ 4: Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn hoàn toàn, bệnh nhân không thể đẩy vào được. Cơn đau xuất hiện khi đi đại tiện, ngồi, đứng và vận động mạnh. 
Bệnh trĩ được chia thành 4 cấp độ với mức độ đau khác nhau.
Bệnh trĩ được chia thành 4 cấp độ với mức độ đau khác nhau.

2. Khi nào cần mổ trĩ?

Nhiều người băn khoăn: “Có nên cắt búi trĩ không?” hoặc “Sau khi cắt trĩ có tái phát không?”. Thực tế, để giải đáp chính xác những câu hỏi này, chúng ta cần xác định rõ tình trạng của bệnh nhân là trĩ nội hay trĩ ngoại.  

Bệnh trĩ nội là búi trĩ hình thành ở sâu bên trong ống hậu môn, trong khi trĩ ngoại phát triển ở phía ngoài hậu môn. Khi cả trĩ nội và trĩ ngoại kết hợp thành một khối, tình trạng này được gọi là trĩ hỗn hợp. Vậy nên, câu hỏi “Có nên cắt trĩ không?” cần cân nhắc dựa trên tình trạng cụ thể của từng người. 

Khi nào cần mổ trĩ được quyết định dựa trên tình trạng bệnh nhân.
Khi nào cần mổ trĩ được quyết định dựa trên tình trạng bệnh nhân.

Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Quân - Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Hải Phòng chia sẻ rằng chỉ nên phẫu thuật cắt trĩ ngoại khi xuất hiện biến chứng như trĩ huyết khối hoặc gây viêm, ngứa hậu môn. Với bệnh trĩ nội độ 2 và 3, có thể can thiệp bằng phương pháp thắt vòng cao su, gây xơ hoặc tiến hành phẫu thuật. Đối với bệnh trĩ hỗn hợp hay trĩ độ 4, phương pháp cắt trĩ cổ điển sẽ được áp dụng.  

Hiện nay, không có phương pháp nào được xem là tối ưu nhất cho việc điều trị bệnh trĩ. Đối với câu hỏi “Cắt trĩ có bị lại không?”, câu trả lời là hoàn toàn có thể, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc xơ gan hoặc thường xuyên đeo đai bụng.

3. Các phương pháp điều trị bệnh trĩ mới nhất

Hiện nay, có nhiều phương pháp hiện đại được áp dụng trong việc điều trị bệnh trĩ bao gồm kỹ thuật xâm lấn và không xâm lấn. Một số phương pháp điều trị bao gồm:

3.1. Thắt trĩ bằng vòng cao su

Thắt trĩ bằng vòng cao su là phương pháp điều trị phổ biến, đơn giản, ít gây đau, đặc biệt không cần gây mê. Bác sĩ thường chỉ định phương pháp này cho các trường hợp bệnh trĩ cấp độ 1, 2 và đôi khi là cấp độ 3.  

Tuy nhiên, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu sau điều trị. Đôi khi, để đạt hiệu quả như mong muốn bệnh nhân cần điều trị nhiều lần.

3.2. Quang đông hồng ngoại (IRC)

Đây là phương pháp điều trị hiện đại bằng cách sử dụng ánh sáng hồng ngoại để làm đông máu trĩ, xơ hóa và co lại. Quang đông hồng ngoại được áp dụng điều trị cho các trường hợp trĩ nhẹ đến trung bình.  

Mặc dù được đánh giá cao vì thực hiện nhanh chóng, ít đau và có thể thực hiện ngoại trú. Tuy nhiên, phương pháp này cần thực hiện nhiều lần để đạt kết quả tốt nhất.

3.3. Laser điều trị trĩ

Phương pháp cắt trĩ bằng laser là một trong những kỹ thuật điều trị bệnh trĩ tiên tiến nhất hiện nay, mang lại độ chính xác cao trong quá trình can thiệp. Khi nào cần mổ trĩ bằng laser? Phương pháp này thường được khuyến cáo áp dụng cho các trường hợp trĩ nội và trĩ ngoại nghiêm trọng. Ưu điểm nổi bật của việc cắt trĩ bằng laser là giúp giảm đau, giảm chảy máu và rút ngắn thời gian hồi phục, giúp người bệnh sớm trở lại sinh hoạt bình thường.

3.4. Tiêm xơ búi trĩ

Tiêm xơ búi trĩ là phương pháp thường được sử dụng để điều trị bệnh trĩ nội, trong đó bác sĩ tiêm một dung dịch hóa chất vào búi trĩ, làm cho búi trĩ xơ hóa và co lại. Quy trình này diễn ra nhanh chóng, ít gây đau và không cần gây mê, mang lại sự tiện lợi cho người bệnh trĩ. Tuy nhiên, hiệu quả của tiêm xơ không kéo dài lâu và bệnh nhân có thể cần điều trị lại sau một thời gian.

3.5. Phương pháp Longo

Khi nào cần mổ trĩ bằng phương pháp Longo? Phương pháp này có thể áp dụng cho các trường hợp bệnh trĩ độ 2, độ 3 và thậm chí cả độ 4. Bằng cách sử dụng máy cắt và khâu tự động, bác sĩ sẽ kéo búi trĩ về trạng thái bình thường. Sau đó, búi trĩ sẽ tự động teo lại và dần dần biến mất.

Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang sử dụng máy cắt trĩ PPHO3 thế hệ mới với khả năng cầm máu hiệu quả và đảm bảo vết khâu chắc chắn. Máy có khoang chứa dung tích lớn, cho phép cắt triệt để khoanh niêm mạc kèm búi trĩ. Vì vậy, người bệnh khi gặp vấn đề về bệnh trĩ nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất và quyết định khi nào cần mổ trĩ. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe