Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Trẻ nôn trớ sau khi bú là biểu hiện thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng, khiến cho trẻ biếng ăn và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
1. Hiện tượng nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Nôn trớ là biểu hiện thức ăn trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản rồi trào ra miệng. Hiện tượng nôn trớ thường gặp hầu hết ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là khi trẻ ăn no, vặn mình. Nôn trớ sinh lý ở trẻ sơ sinh thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nôn trớ cũng là biểu hiện của một bệnh lý, và thường đi kèm với những dấu hiệu khác như:
- Khóc thét khi đang bú
- Bụng chướng
- Đau quặn bụng, ưỡn bụng
- Rơi vào trạng thái lơ mơ
- Có hiện tượng co giật
- Mất nước, khô miệng
- Bãi nôn có xuất hiện máu hoặc có màu vàng, màu xanh
Nôn trớ khi bú có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như tắc ruột, lồng ruột, thiếu canxi,... Do vậy, không nên chủ quan, cần theo dõi biểu hiện, cân nặng của trẻ. Ngoài ra, cần lưu ý thực đơn của trẻ xem có thiếu một số chất nào không để có thể bổ sung kịp thời.
Trắc nghiệm: các chỉ số cần chú ý về sự phát triển thể chất của trẻ
Chiều cao, cân nặng của bé ở từng giai đoạn nên là bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường? Cùng ThS.BS Ma Văn Thấm điểm lại xem bạn đã nắm được các chỉ số phát triển thể chất của bé chưa nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
2. Nguyên nhân trẻ nôn trớ sau bú
2.1 Nôn trớ sinh lý
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh nôn trớ là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, dạ dày nằm ngang và cơ thắt tâm vị còn yếu. Do đó, khi trẻ ăn no thường dễ dẫn tới hiện tượng nôn trớ. Ngoài ra, có thể do cách chăm sóc của bà mẹ chưa đúng như:
- Cho trẻ ăn quá nhiều, ép bú quá mức
- Trẻ bú không đúng tư thế, bú bình không đúng cách khiến trẻ nuốt nhiều khí vào dạ dày.
- Trẻ vừa ăn no đã cho trẻ nằm
- Quấn tã hoặc băng rốn quá chặn
- Mùi vị thức ăn không phù hợp
2.2 Nôn trớ bệnh lý
Nôn trớ bệnh lý sẽ thường kèm theo một số triệu chứng khác như chướng bụng, đau bụng, nôn có lẫn máu, co giật,...
2.2.1 Nôn trớ trong bệnh lý nội khoa
Một số bệnh lý nội khoa gây ra triệu chứng nôn trớ ở trẻ sơ sinh như:
- Các bệnh về đường tiêu hóa: Chậm nhu động ruột, tiêu chảy
- Viêm đường hô hấp trên
- Tăng áp lực nội sọ: Xuất huyết não do giảm tỷ lệ prothrongbil
- Nhiễm trùng thần kinh như viêm màng não mủ
- Hội chứng sinh dục thượng thận
- Rối loạn thần kinh thực vật: Co thắt môn vị
2.2.2 Nôn trớ trong bệnh lý ngoại khoa
- Nôn do dị vật đường tiêu hóa: Hẹp tá tràng bẩm sinh, hẹp phì đại môn vị, teo thực quản, thoát vị hoành. Trẻ thường có biểu hiện nôn trớ những ngày đầu sau sinh.
- Nôn do xoắn ruột, tắc ruột: Thường có kèm theo nhiễm trùng toàn thân, bí trung đại tiện, bụng chướng và đi ngoài có lẫn máu, dịch dạ dày có màu đen.
3. Cách khắc phục trẻ nôn trớ sau bú
Trẻ nôn trớ nhiều có thể dẫn tới mất nước, suy dinh dưỡng, một số trường hợp có thể bị sặc chất nôn gây nguy hiểm cho trẻ. Do đó, các bà mẹ cần lưu ý và biết cách xử trí khi trẻ nôn trớ. Một số biện pháp xử trí bao gồm:
3.1 Cho trẻ bú đúng cách
Dựa vào cấu tạo, vị trí giải phẫu của dạ dày, nên cho trẻ bú bên trái trước vì lúc này lượng dịch dạ dày còn ít. Sau đó, khi dạ dày chứa nhiều sữa cần chuyển cho trẻ bú phải vì bé cần nằm nghiêng trái. Như vậy sữa sẽ dễ dàng xuống và lưu lại trong dạ dày mà không trào ngược lại.
Ngoài ra, khi đang bú, trẻ có quấy khóc nên dừng ngay việc bú lại để tránh sặc. Không nên cho trẻ bú quá nhiều, cần chia làm nhiều bữa ăn, mỗi bữa cách nhau 2-4 giờ.
3.2 Giữ đúng tư thế sau khi bú
Sau khi bú xong, bà mẹ cần bế trẻ cao đầu trong khoảng 15-20 phút, không cho trẻ nằm. Vỗ nhẹ lưng để đẩy không khí từ dạ dày ra, giúp trẻ ợ hơi tốt.
3.3 Nới lỏng quần áo
Quần áo, tã quá chặt khiến cho thành bụng và dạ dày bị chèn ép nên trẻ rất dễ nôn trớ. Do đó, mẹ nên nới lỏng quần áo của trẻ, mặc quần áo rộng rãi càng thoáng càng tốt, đặc biệt là khu vực quanh bụng.
Ngoài ra, nếu trẻ nôn trớ sau khi bú, bà mẹ cần nghiêng đầu trẻ sang một bên để tránh sặc chất nôn. Làm sạch chất nôn trong mũi, miệng và họng trẻ bằng cách hút hoặc lấy khăn gạc thấm. Khi hết cơn nôn, cho trẻ uống nước ấm, oresol từ từ. Cuối cùng đánh giá chất nôn, và tiếp tục theo dõi trẻ.
Nôn trớ sau khi bú ở trẻ sơ sinh là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nếu như bé chỉ nôn trớ thông thường thì mẹ không nên quá lo lắng mà hãy bình tĩnh, xử lý theo những lời khuyên ở trên của Vinmec. Nhưng nếu bé nôn trớ kèm các triệu chứng bất thường như: đau bụng, co giật, có máu thì mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế ngay lập tức bởi rất có thể bé đang mắc phải bệnh lý nguy hiểm.
Ở Việt Nam hiện nay cứ 10 trẻ dưới 5 tuổi có đến 7 trẻ thiếu kẽm và 10 bà mẹ có thai có đến 8 người bị thiếu kẽm. Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 80,3%, phụ nữ tuổi sinh đẻ 63,6% và trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%. Biểu hiện bé thiếu kẽm thường thấy đó chính là chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chậm tăng trưởng chiều cao, và có 1 số triệu chứng quan sát được như trẻ chán ăn hoặc giảm ăn, giảm bú, không ăn thịt cá, chậm tiêu, táo bón nhẹ, buồn nôn và nôn kéo dài ở trẻ. Bên cạnh việc bổ sung kẽm hợp lý, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... cho con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.