Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Trần Liên Anh - Trưởng khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Liên Anh từng tham gia giảng dạy các bệnh lý chuyên ngành Sơ sinh, có quá trình làm việc lâu dài tại Khoa Hồi sức sơ sinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Thế mạnh của bác là hồi sức các bệnh lý nặng ở trẻ sơ sinh, điều trị các bênh lý về da, rốn , viêm đường hô hấp, tiêu hóa ở trẻ sơ sinh.
Chuyển dạ sinh non trước ngày dự sinh là một biến cố bất ngờ trong thai kỳ. Trẻ sinh non sẽ gặp nhiều vấn đề đe dọa đến sức khỏe và phải lưu viện theo dõi lâu hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
1. Thế nào là trẻ sinh non?
Trước đây, theo quy định trẻ non tháng là những trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 2.500g. Từ năm 1960 trở đi, định nghĩa đơn giản như vậy được nhận thấy không thật chính xác, dễ nhầm lẫn với trẻ nhẹ cân, trẻ sinh dinh dưỡng bào thai. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã điều chỉnh định nghĩa, những trẻ sinh trước tuần thứ 37 (tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối) là trẻ sinh non.
Phân loại trẻ non tháng
- Sinh non muộn: từ 34 tuần đến 36 tuần 6 ngày.
- Sinh non vừa : 32 đến < 34 tuần.
- Sinh rất non : ≤ 32 tuần.
- Sinh cực non: < 28 tuần.
Vì sinh sớm nên trẻ sinh non có rất nhiều nguy cơ. Tuổi thai càng thấp thì nguy cơ càng cao. Các nguy cơ sau sinh bao gồm: Suy hô hấp, hạ thân nhiệt, ống động mạch chậm đóng, bất ổn định đường máu, mất cân bằng dịch/điện giải cơ thể, vàng da bệnh lý, thiếu máu, suy dinh dưỡng, nhiễm khuẩn, xuất huyết não-màng não, suy giảm thính lực, bệnh võng mạc mắt,... và đột tử.
Mục tiêu điều trị và chăm sóc trẻ sinh non là hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn và toàn thân hợp lý, nhằm giảm thiểu tối đa các nguy cơ/biến chứng sau sinh; cung cấp dinh dưỡng/năng lượng giúp trẻ phát triển và thích nghi với cuộc sống ngoài tử cung.
Chi phí điều trị chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sinh non rất tốn kém do thời gian lưu viện kéo dài tại khoa hồi sức tích cực sơ sinh. Ngoài ra, khi lớn lên, đặc biệt là trẻ sinh non và cực non có thể bị các di chứng lâu (do cơ thể chưa đủ trưởng thành) như di chứng thần kinh hoặc rõ rệt hoặc tiềm tàng với chỉ số trí tuệ thấp, suy giảm thị lực, thính lực. Và thường là gánh nặng về tâm lý, tài chính cho cha mẹ suốt đời.
Trắc nghiệm: Thế nào là trẻ sơ sinh non tháng?
Trẻ sơ sinh non tháng rất cần được chăm và điều trị thật tốt để giúp giảm nguy cơ gặp phải các di chứng về tinh thần, vận động và sự phát triển sau này. Cùng theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây để có thể nhận biết trẻ sơ sinh non tháng và có thêm kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
2. Nguyên nhân gì gây sinh non?
Trên 50% các cuộc chuyển dạ sinh non không tìm thấy được nguyên nhân.
2.1. Do thai
- Vỡ ối non dễ kích thích các cơn gò tử cung, thúc đẩy vào chuyển dạ sinh non.
- Đa thai có thời gian mang thai trung bình cũng ngắn hơn so với đơn thai.
- Đa ối, nhất là khi có kết hợp với thai dị tật cũng thường gây sớm chuyển dạ sinh non.
- Viêm màng ối do nhiễm trùng làm kích thích cơn gò tử cung.
2.2. Do nhau
- Nhau tiền đạo, nhau bong non gây xuất huyết trước khi sinh.
- Thiểu năng nhau làm dinh dưỡng cho thai nhi không đầy đủ cũng thường dẫn đến chuyển dạ sinh non.
2.3. Do người mẹ
- Mẹ có các bệnh lý viêm nhiễm như viêm đài - bể thận, viêm ruột thừa, đặc biệt là khi có kèm theo sốt, dễ khiến chuyển dạ sinh non. Giả thiết được đưa ra là do tử cung bị kích thích khi các cơ quan lân cận viêm nhiễm, đồng thời cũng là hệ quả do sự phóng thích nội độc tố của vi trùng làm tăng thân nhiệt.
- Các dị dạng của tử cung, tử cung kém phát triển, hở eo tử cung là các điều kiện thuận lợi gây sinh non. Nếu người mẹ có tiền căn sinh non hay đã từng nạo thai, sẩy thai cũng sẽ có nguy cơ sinh non cao hơn.
- Ngoài ra, những yếu tố về thói quen như hút thuốc lá, uống rượu hay các đặc điểm kinh tế - xã hội thấp cũng ảnh hưởng đến chuyển dạ sớm. Những đặc điểm quan trọng nhất trong nhóm này là dinh dưỡng kém, không được chăm sóc tiền sản đầy đủ, lao động nặng, mẹ quá trẻ dưới 20 tuổi hay người mẹ lớn tuổi trên 40 tuổi.
3. Đặc điểm của trẻ sinh non tháng
Trong các trường hợp không nhớ chính xác ngày kinh cuối thì có thể dựa vào các đặc điểm bên ngoài của trẻ cũng như các biểu hiện về thần kinh để xác định tương đối chính xác tuổi thai.
- Da của trẻ non tháng trông rất mọng nước, đỏ mọng và nhìn thấy được các mạch máu bên dưới. Nhiều lông tơ và chất gây trên da khi trẻ mới sinh ra. Sụn vành tai rất mềm, hộp sọ ọp ẹp và dễ bị biến dạng. Mầm vú rất nhỏ, nếp nhăn trên gan bàn chân thưa thớt. Ở bé trai, nếu sinh sớm hơn tuần 33 - 34 thì tinh hoàn vẫn còn nằm trong ổ bụng hay trên ống bẹn, túi bìu chưa có nếp nhăn, căng bóng và dễ phù nề theo tư thế nằm của trẻ. Ở bé gái, môi lớn chưa che phủ được hết môi nhỏ và âm vật.
- Trẻ sinh non thường nằm yên, ít cử động, tay chân ở tư thế duỗi thẳng, trương lực cơ chưa phát triển. Các phản xạ thần kinh nguyên thủy như cầm nắm, bú mút vẫn chưa hoàn thiện.
- Lồng ngực của trẻ còn mềm, các cơ gian sườn yếu, phổi chưa giãn nở tốt, phế nang chưa trưởng thành. Trẻ thở bằng bụng, phình lên khi hít vào; nhịp thở có lúc nhanh gấp, có lúc ngưng thở. Do đó, trẻ rất dễ suy hô hấp, tím tái. Tuy nhiên, nếu cho trẻ thở oxy nồng độ cao lại làm tổn thương thần kinh thị giác, khiến trẻ bị mù lòa.
- Ngoài ra, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh do diện tích da quá lớn so với cân nặng cơ thể, chưa có lớp mỡ dưới da và trung tâm điều hòa thân nhiệt ở não còn non yếu. Mạch máu mỏng manh, thiếu hụt các yếu tố đông máu nên trẻ non tháng dễ bị xuất huyết. Chức năng gan chưa hoàn chỉnh, thiếu các enzyme chuyển hóa bilirubin làm trẻ thường bị vàng da nặng và kéo dài. Dự trữ đường ít, thể tích dạ dày nhỏ, thiếu các men tiêu hóa nên trẻ hay bị nôn ói, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa và hạ đường huyết. Bên cạnh đó, do hệ miễn dịch non yếu, chưa nhận được kháng thể từ mẹ nên trẻ rất dễ bị nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.
4. Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng
Sau khi vừa sinh ra, phải sẵn sàng phương tiện ủ ấm, hỗ trợ hô hấp, thuốc giúp nở phổi, nguồn oxy để sử dụng ngay nếu cần. Đồng thời, bé sinh non cần phải được ăn sớm trong vài giờ đầu sau sinh (nếu tình trạng toàn thân cho phép). Tốt nhất là ăn sữa mẹ và lượng sữa được tính toán cẩn thận theo cân nặng, tuổi thai , tuổi sau sinh của trẻ. Có thể cho trẻ tập bú nếu trẻ đã hình thành phản xạ mút hay qua ống thông dạ dày. Ở trẻ cực non, cần nuôi dưỡng bằng các loại dịch nuôi năng lượng cao, phù hợp sự tăng trưởng nhanh, cho trẻ như ở trong tử cung, qua đường tĩnh mạch kết hợp cho ăn đường miệng tối thiểu sớm, sau đó chuyển dần nuôi dưỡng qua đường miệng hoàn toàn.
Chăm sóc cho trẻ luôn phải tôn trọng quy tắc vô trùng, kể cả các vật dụng dành cho trẻ. Duy trì nhiệt độ, độ ẩm lồng ấp, theo đích cần đạt, phụ thuộc cân nặng tuổi thai, tuổi sau sinh của trẻ, có thể kết hợp biện pháp ủ ấm da kề da với mẹ càng sớm càng tốt.
Các phương tiện theo dõi trẻ luôn được cài đặt điểm báo động để kịp thời xử trí khi trẻ thở nhanh hay thở chậm, ngưng thở, hạ oxy máu, hạ thân nhiệt, tăng hay giảm tần số tim, huyết áp, tím tái,...
Mặc dù nuôi dưỡng trẻ sinh non vô cùng khó khăn và tốn kém, tỷ lệ tử vong cao nhưng một số trẻ vẫn có thể trưởng thành mạnh khỏe và phát triển tương đương trẻ sinh đủ tháng, nếu được hỗ trợ đúng và kịp thời ngay sau đẻ. Trước khi ra viện, mẹ và gia đình cần được tư vấn kỹ lưỡng về các cách cho con bú, biện pháp dinh dưỡng thay thế (nếu cần), các cách chăm sóc - theo dõi - phát hiện các dấu hiệu bệnh lý thông thường hay gặp ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần biết lịch đưa trẻ đi chích ngừa, kiểm tra phát triển thể lực và tâm sinh lý, phát hiện sớm các bất thường về thị giác, thính lực, vận động để có biện pháp can thiệp sớm, kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.