Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh có 12 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Nhi, đặc biệt là hồi sức sơ sinh và điều trị sơ sinh bệnh lý.
Trẻ sinh non được tính khi ra đời trước 37 tuần tuổi. Trẻ sinh non càng sớm càng phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này thậm chí là tử vong ngay sau sinh và nhiều năm đầu sau sinh. Tùy từng mức độ sinh non và thể trạng của trẻ sau sinh mà những vấn đề sức khỏe trẻ có thể gặp phải sẽ khác nhau.
1. Các vấn đề về hệ hô hấp ở trẻ sinh non
Trẻ sinh non thiếu tháng thường mắc các bệnh về hệ hô hấp do hệ hô hấp của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Trẻ có thể bị khó thở, suy hô hấp, thậm chí có các cơn ngừng thở kéo dài 20 giây hoặc nhiều hơn trong vài ngày đầu sau sinh. Trường hợp này thường gặp ở trẻ sinh non dưới 34 tuần.
Ngoài ra, trẻ rất dễ mắc các bệnh viêm phổi, viêm phế quản dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như rối loạn hô hấp mãn tính, nguy cơ tử vong cao.
Trẻ sinh non dưới 32 tuần phải thở bằng máy do chức năng phổi chưa hoàn thiện có thể mắc loạn sản phế quản phổi. Loạn sản phế quản phổi ở trẻ sinh non rất nguy hiểm, khả năng tử vong cao do tăng áp lực động mạch phổi dẫn đến xơ phổi, xẹp phổi, gây nhiễm trùng nặng. Tháng 9/2016, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã dùng liệu pháp tế bào gốc chữa xơ phổi do loạn sản phế quản phổi, cứu sống một em bé 4 tháng tuổi có tiền sử sinh non ở tuần 30. Ca bệnh thành công đã được đăng tải trên trên Tạp chí American Journal of Case Reports (Mỹ).
2. Huyết áp thấp
Mạch máu của trẻ sinh non khá yếu, không đủ khả năng duy trì lượng máu bình thường, ổn định quá trình lưu thông máu. Vì thế, trẻ sinh non thiếu tháng có thể bị huyết áp thấp, ảnh hưởng đến hoạt động tim mạch sau này.
3. Rối loạn tiêu hóa
Một trong những vấn đề mà trẻ sinh non thường gặp phải là rối loạn tiêu hóa. Hệ tiêu hóa của trẻ sinh non rất non nớt, chưa hoàn thiện nên rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, viêm ruột hoại tử, nhất là trẻ sinh non không được nuôi bằng sữa mẹ.
4. Các rối loạn máu
Các tế bào máu của trẻ sinh non thiếu tháng còn rất yếu, dễ dẫn đến các rối loạn máu như: thiếu máu, vàng da, nhiễm trùng máu...vì các tế bào máu của trẻ còn yếu do chưa phát triển đầy đủ.
5. Hệ miễn dịch yếu
Hệ miễn dịch yếu là nguyên nhân khiến trẻ sinh non hay đau ốm, khó hồi phục sức khỏe. Trẻ sinh càng non, hệ miễn dịch càng chưa có đủ thời gian hoàn thiện, trẻ có thể mắc rất nhiều bệnh và dễ bị lây bệnh từ môi trường xung quanh.
6. Chuyển hóa bất thường
Trẻ sinh non có chậm phát triển không? Rất khó có thể trả lời chính xác câu hỏi này. Tốc độ phát triển phụ thuộc vào thể trạng của từng trẻ nhưng nhìn chung, trẻ sinh non có tốc độ chuyển hóa chậm khiến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể bị cản trở, dễ sản sinh ra các hormon bất thường.
7. Có vấn đề về thị lực và thính lực
Trẻ sinh non thiếu tháng có thể bị rối loạn thị lực và thính lực. Vì thế, các bác sĩ thường kiểm tra khả năng nghe và quan sát của trẻ sinh non ngay từ những ngày đầu sau sinh để có những biện pháp can thiệp kịp thời.
Trẻ sinh non dưới 30 tuần hoặc có cân nặng dưới 1,5kg có nguy cơ cao mắc bệnh lý võng mạc. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây mù lòa.
Trẻ sinh non có nguy cơ cao bị các rối loạn về thị lực và thính lực vì những cơ quan này chưa phát triển hoàn thiện. Phụ huynh cần kiểm tra trong những ngày đầu để có thể can thiệp.
8. Bại não
Một trong những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng mà trẻ sinh non có nguy cơ phải đối mặt là bại não. Đây là hiện tượng rối loạn thần kinh gây suy yếu cơ, hạn chế các cử động bình thường. Nguyên nhân gây bại não ở trẻ sinh non là do quá trình lưu thông máu bất thường và hệ thần kinh kém phát triển.
Trẻ sinh non dưới 30 tuần tuổi cần được theo dõi sát sao trong vài ngày đầu sau sinh vì trẻ có thể bị xuất huyết não dẫn đến tử vong.
9. Rối loạn hành vi
Hệ thần kinh kém phát triển cũng có thể gây ra những rối loạn hành vi ở trẻ sinh non thiếu tháng như: Nhận thức kém, tăng động,...
10. Hội chứng đột tử trẻ sơ sinh
Mới đây các nhà nghiên cứu y khoa đã phát hiện ra trẻ sinh non thiếu tháng có nguy cơ bị hội chứng đột tử trẻ sơ sinh cao hơn trẻ sinh đủ tháng. Thậm chí, nguy cơ này cao gấp ba lần ở trẻ sinh non từ 24 đến 27 tuần.
Để làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe ở trẻ sinh non thiếu tháng, các bậc cha mẹ nên chăm sóc trẻ cẩn thận, nuôi con bằng sữa mẹ, tránh để bé tiếp xúc với các nguồn bệnh, nguồn nhiễm trùng, đưa bé đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ và tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, vấn đề chăm sóc trẻ sinh non ngay sau khi ra đời và những ngày đầu sau sinh cũng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của trẻ sau này. Nếu trẻ được chăm sóc tốt, điều trị hiệu quả các vấn đề sau sinh thì khả năng sức khỏe ổn định, phát triển khỏe mạnh là rất cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong