Sinh non: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa.

Trẻ được gọi là sinh non nếu chào đợi khi chưa đủ 37 tuần thai kỳ. So với trẻ đủ tháng, trẻ sinh non có nguy cơ mắc nhiều bệnh như khuyết tật phát triển, bại não, khiếm thị và khiếm thính cao hơn. Trẻ sinh non càng ít tuần tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

1. Chuyển dạ sớm là tình trạng gì?

Chuyển dạ sớm được định nghĩa là sự co bóp tử cung thường xuyên dẫn đến cổ tử cung bắt đầu có sự thay đổi, gây dọa sinh non, trước khi thai nhi được 37 tuần tuổi.

Những thay đổi trong cổ tử cung khi chuyển dạ sớm bao gồm sự thoát ra (cổ tử cung di chuyển ra ngoài) và sự giãn nở (cổ tử cung mở ra để thai nhi có thể đi vào ống sinh). Trong một số trường hợp, chuyển dạ sớm có thể dẫn đến nguy cơ trẻ sinh non.

Trắc nghiệm: Thế nào là trẻ sơ sinh non tháng?

Trẻ sơ sinh non tháng rất cần được chăm và điều trị thật tốt để giúp giảm nguy cơ gặp phải các di chứng về tinh thần, vận động và sự phát triển sau này. Cùng theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây để có thể nhận biết trẻ sơ sinh non tháng và có thêm kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ.

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

2. Sinh non là gì?

Sinh non được hiểu là khi em bé chào đời quá sớm. Khi mẹ bầu lâm bồn và sinh ra em bé trong khoảng thời gian từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 37 của thai kỳ thì được gọi là sinh non. Mẹ bầu cần tìm hiểu các nguyên nhân dọa sinh non để phòng tránh tốt nhất có thể.

3. Rủi ro khi trẻ sinh non

Trẻ sinh non có thể gặp phải một số rủi ro nhất định bởi vì các bé được sinh ra quá sớm có thể không được phát triển đầy đủ. Em bé sinh sớm thường phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng; chẳng hạn như bại não, thường kéo dài suốt đời. Các vấn đề khác, chẳng hạn như khiếm khuyết về nhận thức, có thể xuất hiện muộn hơn khi bé bắt đầu vào mầm non hoặc thậm chí trễ hơn khi đến tuổi trưởng thành.

Nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe là cao nhất đối với em bé sinh ra trước tuần thai thứ 34. Tuy nhiên, các bé sinh ra trong khoảng 34 đến 37 tuần mang thai cũng có nguy cơ nhất định.

4. Các nguyên nhân dọa sinh non

Những yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ sinh non, bao gồm:

  • Đã có tiền sử sinh con sớm.
  • Có cổ tử cung ngắn là nguyên nhân dọa sinh non.
  • Khoảng thời gian giữa hai lần mang thai quá ngắn.
  • Đã từng thực hiện phẫu thuật trên tử cung hoặc cổ tử cung.
  • Một số rối loạn khi mang thai, chẳng hạn như mang đa thai hoặc chảy máu âm đạo.
  • Các yếu tố về lối sống như ít vận động, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thường xuyên căng thẳng và lạm dụng chất gây nghiện (hút thuốc, uống rượu) khi mang thai.

5. Ngăn ngừa sinh non với đối tượng có nguy cơ cao

Nếu trước đó, bạn đã từng sinh non và hiện tại bạn đang có dự định sinh thêm một bé yêu nữa, thì bạn cần thực hiện kiểm tra chăm sóc trước sinh để có được sức khỏe tốt nhất trước khi có thai. Trong thời kỳ mang thai, hãy bắt đầu chọn cho mình một dịch vụ chăm sóc thai sản trọn gói trước sinh càng sớm càng tốt.

Bác sĩ sản phụ khoa sẽ kiểm soát chặt chẽ các rủi ro và nguyên nhân dọa sinh non có thể xảy ra trong suốt quá trình mang thai của mẹ bầu, nhất là các mẹ có nguy cơ cao. Ngoài ra, sản phụ thường được cung cấp một số loại thuốc hoặc thực hiện phương pháp điều trị theo phác đồ để ngăn ngừa chuyển dạ sinh non. Phương pháp phòng tránh được bác sĩ cân nhắc dựa trên tình trạng của mỗi cá nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra sinh non.


Dùng rượu bia, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến sinh non
Dùng rượu bia, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến sinh non

6. Dấu hiệu dọa sinh non

Hãy gọi ngay cho bác sĩ sản khoa hoặc đưa sản phụ đi bệnh viện ngay lập tức nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng dọa sinh non nào sau đây:

  • Dịch tiết âm đạo có sự thay đổi (rỉ dịch lỏng, nhầy hơn hoặc có máu).
  • Tăng tiết dịch âm đạo.
  • Tăng áp lực vùng chậu hoặc dưới bụng.
  • Đau lưng ở vùng thấp liên tục, âm ỉ.
  • Chuột rút nhẹ ở bụng.
  • Đau quặn bụng giống đau bụng kinh, hoặc đau kèm với những cơn co thắt tử cung liên tục.
  • Vỡ màng ối (thấy nước ối xuất hiện và tuôn ra ngoài, đôi khi chỉ là một giọt chất lỏng).

7. Chẩn đoán chuyển dạ sinh non

Chuyển dạ sinh non chỉ có thể được chẩn đoán khi nhận thấy dấu hiệu thay đổi trong cổ tử cung. Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra vùng chậu để xác định hiện trạng khu vực cổ tử cung. Nhiều khả năng sản phụ phải cần thăm khám kiểm tra nhiều lần trong vòng vài giờ. Các cơn co thắt cũng sẽ được ghi nhận và theo dõi sát sao.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm sau đây để cân nhắc xem bạn có cần phải nhập viện điều trị hay không:

  • Siêu âm qua âm đạo: Để đo chiều dài cổ tử cung của bạn.
  • Xét nghiệm fFN: Đo nồng độ của một protein (gọi là fibronectin) của bào thai trong dịch tiết âm đạo. Sự hiện diện của protein này giúp dự đoán nguy cơ trẻ sinh non.

Nếu nhận thấy tình trạng thai phụ đang nguy cấp, bác sĩ sẽ triển khai cấp cứu ngay lập tức.

8. Nguy cơ sinh non khi sản phụ bị chuyển dạ sớm

Các chuyên gia sức khỏe không thể dự đoán chính xác phụ nữ nào khi bị chuyển dạ sớm sẽ sinh non trong thời gian tới. Theo thống kê, chỉ có khoảng 1 trong 10 phụ nữ chuyển dạ sớm dẫn đến sinh con trong 7 ngày sau đó. Và cứ 10 phụ nữ bị chuyển dạ sớm thì có khoảng 3 người tự hết và không xuất hiện dấu hiệu bất thường trong khoảng thời gian tiếp sau đó.

9. Kiểm soát những cơn chuyển dạ sinh non


Nhận biết rõ dấu hiệu dọa sinh non để kịp thời thông báo với bác sĩ
Nhận biết rõ dấu hiệu dọa sinh non để kịp thời thông báo với bác sĩ

Nếu tiếp tục gặp phải những cơn co thắt dọa sinh non, sản phụ cần được chăm sóc và kiểm soát với chế độ phù hợp nhất cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Mặt khác, điều này đôi khi lại có lợi cho sự phát triển của thai nhi khi có thể trì hoãn thời gian sinh nở. Một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định để đối phó với tình trạng co thắt dọa sinh non của mẹ bầu, bao gồm:

  • Corticosteroid: Là thuốc có khả năng đi qua nhau thai và giúp tăng tốc độ phát triển các cơ quan của thai nhi như phổi, não và hệ tiêu hóa.
  • Magiê sulfat: Giúp giảm nguy cơ bại não liên quan đến sinh non, ngoài ra còn có tác dụng giảm co thắt.
  • Tocolytics: Để hoãn thời điểm sinh con của sản phụ trong thời gian ngắn (không quá 48 giờ). Trong thời gian đó, bác sĩ có thể kịp thời cho thai phụ sử dụng Corticosteroid hoặc Magiê sulfat, hoặc chuyển thai phụ đến bệnh viện có chuyên môn cao hơn về kinh nghiệm xử lý các ca sinh non.

Nếu bạn nhận thấy mình có nguy cơ sinh non cao, hãy trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt để nhận biết kịp thời các dấu hiệu dọa sinh non và có cách xử lý tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe