Trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi thường sẽ nhú chiếc răng sữa đầu tiên, đây chính là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của trẻ. Thường thì các chiếc răng sẽ mọc theo một thứ tự nhất định mà phụ huynh cũng nên biết. Vậy quy trình mọc răng của trẻ sẽ diễn ra như thế nào và răng hàm mọc lúc nào?
1. Làm sao để biết được trẻ mọc răng?
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có thể trạng khác nhau, do đó thời điểm mọc răng cũng sẽ có sự chênh lệch nhất định. Thông thường theo sự phát triển chung thì trẻ sẽ mọc răng vào thời điểm 6 tháng tuổi nhưng cũng có các trường hợp sớm hơn hoặc muộn hơn. Các dấu hiệu để nhận biết trẻ mọc răng gồm có:
- Sốt nhẹ, bú kém, quấy khóc: Là những biểu hiện khá thường gặp do hệ miễn dịch của trẻ có sự thay đổi dẫn đến gia tăng thân nhiệt. Tuy nhiên thông thường trẻ mọc răng không sốt quá cao, đôi khi có kèm bú kém, quấy khóc do trẻ cảm nhận được sự đau nhức ở lợi.
- Chảy nước dãi liên tục: Do răng mọc làm kích thích dây thần kinh cùng với chức năng nuốt nước bọt của trẻ lúc này chưa hoàn thiện khiến nước dãi chảy ra ngoài. Đến khi trẻ lớn hơn thì tình trạng này mới chấm dứt.
- Nổi mẩn quanh miệng và cằm: Vì trẻ chảy nước dãi nhiều khiến vùng da xung quanh bị kích ứng, nổi mẩn, do đó trong thời gian mọc răng cha mẹ nên chú ý vệ sinh, lau nhẹ nước dãi cho trẻ liên tục, không để vùng da ở xung quanh miệng và cằm bị ướt quá lâu.
- Trẻ hay cắn, nhai đồ vật trong tay do trong thời gian mọc răng, phần hàm của trẻ sẽ bị ngứa khiến trẻ có xu hướng thích gặm, nhai hoặc cắn mọi thứ khi cầm được trong tay
2. Trẻ mọc răng hàm dưới trước có sau không?
Thông thường trẻ mọc răng sẽ theo một trình tự nhất định, cụ thể như sau:
- Từ 6-10 tháng tuổi: Trẻ thường bắt đầu mọc 2 răng cửa dưới đầu tiên, có thể cùng lúc hoặc lần lượt khiến đôi răng cửa không bằng nhau.
- Từ 8-12 tháng tuổi: Đây là lúc 2 chiếc răng cửa tiếp theo ở hàm trên mọc lên.
- Từ 9-13 tháng tuổi: 2 chiếc răng cửa tiếp theo ở hàm trên mọc lên, lúc này trẻ sẽ có 4 chiếc răng cửa trên.
- Từ 10-16 tháng tuổi: Là giai đoạn xuất hiện tiếp theo của 2 chiếc răng cửa còn lại ở hàm dưới.
- Từ 13-19 tháng tuổi: Là thời gian 2 chiếc răng hàm trên bắt đầu mọc.
- Từ 14-18 tháng tuổi: 2 chiếc răng hàm dưới sẽ mọc cách một vị trí so với 4 chiếc răng cửa mọc lúc đầu.
- Từ 16-22 tháng tuổi: Là thời điểm trẻ bắt đầu nhú 2 chiếc răng nanh ở hàm trên.
- Từ 17-23 tháng tuổi: Lần lượt 2 chiếc răng nanh ở hàm dưới của trẻ bắt đầu xuất hiện.
- Từ 23-31 tháng tuổi:Là thời điểm mọc tiếp tục của 2 chiếc răng hàm dưới của trẻ.
- Từ 25-33 tháng tuổi: 2 chiếc răng hàm trên cuối cùng sẽ mọc ở thời điểm này. Đây cũng là lúc những chiếc răng sữa cuối cùng của trẻ trong giai đoạn. Khi trẻ 3 tuổi, tổng cộng sẽ có 20 chiếc răng sữa.
Như vậy có thể thấy, trẻ mọc răng hàm dưới trước là một bất thường, có thể dẫn đến một số ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ như:
- Răng mọc sai có thể ảnh hưởng đến quá trình ăn dặm của trẻ, làm trẻ lười ăn hoặc lười nhai, ảnh hưởng đến quá trình ăn nhai sau này.
- Có thể khiến trẻ phát âm sai và ngọng. Khi nó đã thành thói quen thì rất khó để sửa khi trẻ lớn.
- Thường chiếc răng sữa nào mọc trước sẽ rụng trước, thay thế bằng răng vĩnh viễn nên khi trẻ bắt đầu độ tuổi thay răng vĩnh viễn phụ huynh cần chú ý đến chế độ ăn uống, vệ sinh răng miệng của trẻ. Vì nếu không làm tốt có thể khiến trẻ gặp tình trạng sai lệch khớp cắn, hô, vẩu. Tình trạng thường gặp nhất là răng khấp khểnh.
- Khi răng sữa mọc không được thẳng hàng dễ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc khác bệnh lý răng miệng, viêm nhiễm, gây mất thẩm mỹ,...
3. Nguyên nhân gây ra mọc răng không đúng thứ tự ở trẻ
Việc mọc răng không đúng trình tự ở trẻ không hề hiếm gặp và tình trạng này thường thấy ở các nhóm răng cửa hơn là răng hàm. Nguyên nhân trẻ mọc răng hàm dưới trước thường do:
- Yếu tố di truyền từ người thân.
- Chế độ ăn uống của trẻ không cung cấp đủ dinh dưỡng khiến cho răng mọc không đúng theo quy trình ban đầu.
- Những va chạm khi ăn uống, vui chơi của trẻ trong giai đoạn này có thể làm cho các mầm răng bị tổn thương và muốn lên được khỏi nướu cũng cần một thời gian phục hồi.
- Thói quen xấu của trẻ như thường dùng nướu một bên để nhai, cắn đồ vật có thể làm cho nướu bên đó nhẵn, chặt hơn nên các răng cần thời gian lâu để mọc lên.
- Nếu trong thời gian trẻ mọc răng mà gặp các tình trạng viêm nhiễm, nhiệt nướu thì những răng ở chỗ đó sẽ mọc chậm hơn những răng bình thường khác.
4. Phòng ngừa và xử trí tình trạng răng mọc không đúng thứ tự
Khi gặp tình trạng răng mọc không đúng vị trí thì cần đưa trẻ đến nha khoa để thăm khám. Trẻ sẽ được các bác sĩ đưa ra lời khuyên cũng như điều chỉnh lại các răng vĩnh viễn khi chúng mới có dấu hiệu mọc sai lệch. Ngoài ra để xử lý tình trạng này tốt và để trẻ có được hàm răng vĩnh viễn chắc khỏe thì cần thực hiện tốt các vấn đề sau:
- Khi trẻ đang trong độ tuổi mọc răng, bố mẹ không nên bỏ qua việc vệ sinh răng miệng cho trẻ. Trẻ chưa có răng hoặc mới mọc răng thì cũng nên vệ sinh răng miệng bằng cách dùng băng gạc hoặc khăn sạch lau lợi, rơ lưỡi cho trẻ.
- Nếu trẻ có thói quen ăn uống sữa đêm thì phải cho trẻ súc miệng lại bằng nước lọc sau mỗi lần ăn uống. Nên hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều đường, đồ uống có ga vì sẽ làm ảnh hưởng đến các răng đã mọc trước đó và quá trình mọc răng sau này.
- Có chế độ ăn uống cho trẻ hợp lý, tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất, canxi, flour để răng trẻ phát triển toàn diện qua các loại hoa quả, rau củ, sữa hàng ngày.
- Đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần để đảm bảo không có răng vĩnh viễn nào mọc lệch. Khi có răng mọc không đúng vị trí sẽ được các bác sĩ dùng khí cụ điều chỉnh lại về vị trí ban đầu.
Như vậy có thể thấy, trẻ mọc răng hàm dưới trước là một bất thường, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ. Do đó, cha mẹ cần lưu ý quan sát và chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách. Khi có bất thường về tình trạng răng miệng ở trẻ, hãy đưa con đến khám bác sĩ nha khoa để được xử trí phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.