Hầu hết mọi người đều thỉnh thoảng cảm thấy chóng mặt và sẽ cải thiện ngay sau đó. Giống như người lớn, đôi khi có thể trẻ bị mất thăng bằng, cảm thấy lâng lâng hoặc đi không vững. Tuy nhiên, nếu những cảm giác như vậy lặp lại hoặc trẻ đi loạng choạng thì đó có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn thăng bằng gây rối loạn vận động ở trẻ nhỏ.
1. Các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn thăng bằng ở trẻ là gì?
Một số trẻ em và thanh thiếu niên có thể chỉ có các dấu hiệu rối loạn thăng bằng nhẹ mà hầu như không được nhận thấy trong khi những trẻ khác có thể có các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Những đứa trẻ còn rất nhỏ có thể chưa mô tả được cảm giác của chúng nhưng cha mẹ sẽ quan sát thấy trẻ đi loạng choạng hay trẻ bị mất thăng bằng trên đôi chân chính mình. Trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên có thể than phiền về cảm giác chóng mặt, choáng váng hoặc mất phương hướng.
Nói chung, trẻ em và thanh thiếu niên bị rối loạn thăng bằng có thể gặp phải tình trạng như sau:
- Có vấn đề với trạng thái cân bằng, chẳng hạn như cảm giác không vững, "chao đảo" khiến trẻ khó đứng lên, đi bộ, chuyển hướng hoặc leo lên cầu thang mà không bị ngã, va vào đồ vật.
- Đi bằng 2 chân cách xa nhau hoặc không thể đi mà không loạng choạng hoặc bám chặt vào vật gì đó. Đi bộ trong bóng tối hoặc trên các bề mặt không bằng phẳng cũng có thể khó khăn cho trẻ.
- Bị chóng mặt: Chóng mặt là cảm giác như cơ thể hoặc những thứ xung quanh đang di chuyển. Trẻ em có thể mô tả nó giống như quay, đu, trượt hoặc cảm giác như chúng đang ở trên một chiếc đu quay.
Ngoài ra, các dấu hiệu khác khi mắc phải dạng rối loạn vận động ở trẻ có thể bao gồm:
- Buồn nôn, nôn và đau dạ dày;
- Chuyển động mắt không tự chủ;
- Thất điều;
- Vấn đề về thị lực;
- Đau đầu hoặc đau nửa đầu;
- Chậm phát triển;
- Té ngã thường xuyên;
- Mệt mỏi và cảm thấy không khỏe;
- Sợ hãi, lo lắng hoặc hoảng loạn;
- Tự kỷ.
Đặc biệt, trẻ đi loạng choạng khi bị rối loạn thăng bằng cũng có thể bị mất thính lực hoặc các vấn đề về thính giác khác kèm theo. Âm thanh có vẻ bị bóp nghẹt, đặc biệt là khi có tiếng ồn xung quanh. Trẻ em cũng có thể bị đau tai, áp lực trong tai và ù tai.
Ở trường, hậu quả của các vấn đề về rối loạn vận động ở trẻ có thể khiến trẻ khó nhớ mọi thứ, khó tập trung, chú ý và làm theo hướng dẫn. Trẻ em có thể không nghe được giáo viên hoặc không tập trung vào bảng, sách vở hoặc bài tập. Các vấn đề về thăng bằng cũng có thể khiến trẻ trở nên khó khăn trong lớp tập thể dục hoặc chơi thể thao.
2. Nguyên nhân gây rối loạn thăng bằng ở trẻ nhỏ là gì?
Các bác sĩ không phải lúc nào cũng tìm ra nguyên nhân chính xác của vấn đề cân bằng ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các triệu chứng của rối loạn vận động ở trẻ có thể do những nguyên nhân như:
- Chấn thương tai;
- Chấn thương đầu hoặc cổ;
- Độc tính trên tai;
- Chứng đau nửa đầu;
- U não ở trẻ;
- Mất thính lực;
- Nhiễm trùng tai giữa do viêm tai giữa;
- Các bệnh nhiễm trùng khác (như herpesvirus, thủy đậu, cảm lạnh, cúm, viêm màng não, sởi, quai bị hoặc rubella);
- Say tàu xe;
- Chứng động kinh.
Nếu các vấn đề về thính giác hoặc tiền đình, chứng đau nửa đầu, hoặc say tàu xe đã từng xảy ra trong gia đình thì trẻ em có nhiều khả năng bị rối loạn thăng bằng.
3. Các loại rối loạn thăng bằng gây ảnh hưởng đến trẻ
Các dạng rối loạn thăng bằng có thể ảnh hưởng đến trẻ em và đến tuổi thanh thiếu niên bao gồm:
- Những cơn co thắt kịch phát lành tính ở trẻ sơ sinh: Thường bắt đầu trong 6 tháng đầu tiên của trẻ. Trẻ em bị tình trạng này có xu hướng giữ đầu nghiêng để tránh cảm giác chóng mặt. May mắn là tình trạng này thường biến mất sau 5 tuổi.
- Cơn chóng mặt kịch phát lành tính thời thơ ấu, trong đó chóng mặt xảy ra đột ngột. Trẻ em có vẻ sợ hãi và trẻ bị mất thăng bằng, đi không vững vàng trong thời gian ngắn. Tình trạng này thường tự biến mất khi trẻ lớn hơn. Một số trẻ bị chóng mặt như vậy cũng tăng khả năng sẽ bị đau nửa đầu trong tương lai.
- Viêm dây thần kinh tiền đình do nhiễm virus. Dây thần kinh tiền đình gửi thông tin về sự cân bằng từ tai trong đến thân não. Tình trạng viêm nhiễm này thường kèm theo giảm thính lực.
4. Làm thế nào để chẩn đoán rối loạn thăng bằng?
Để tìm ra bé đi loạng choạng là bệnh gì, các bác sĩ sẽ hỏi cha mẹ về những triệu chứng và kiểm tra cách trẻ đi lại, khả năng thăng bằng, kỹ năng vận động toàn diện. Bác sĩ cũng sẽ muốn biết về tiền sử bệnh của trẻ và gia đình. Đồng thời, trẻ cũng cần được khám các chuyên khoa có liên quan như thính giác, tai mũi họng.
Ngoài ra, các công cụ chẩn đoán hỗ trợ có thể được bác sĩ xem xét thực hiện là:
- Kiểm tra hình ảnh nhu mô não, như chụp MRI hoặc chụp CT;
- Kiểm tra thính giác;
- Điện cơ mắt để đánh giá sự cân bằng bằng cách sử dụng các điện cực đặt xung quanh mắt trong khi máy tính theo dõi chuyển động mắt không tự chủ;
- Kích thích tiền đình bằng cách kiểm tra các bộ phận của tai trong khi trẻ đeo tai nghe;
- Đo khả năng cân bằng khi cho trẻ đứng trên một bề mặt ổn định hoặc không ổn định.
5. Rối loạn thăng bằng ở trẻ nhỏ được điều trị như thế nào?
Một số dạng rối loạn thăng bằng ở trẻ nhỏ sẽ tự khỏi khi trẻ lớn lên. Trong một số trường hợp khác, các triệu chứng rối loạn vận động ở trẻ em dạng này có thể đến và biến mất hoặc tiếp tục trong nhiều tuần, vài tháng hoặc lâu hơn. Tùy thuộc vào nguyên nhân, thuốc hoặc phẫu thuật có thể giúp cải thiện. Bên cạnh đó, các biện pháp vật lý trị liệu và đào tạo thăng bằng có thể giúp trẻ kiểm soát các triệu chứng của mình, giảm tần suất trẻ bị mất thăng bằng và té ngã.
Cụ thể, các bài tập huấn luyện thăng bằng (còn gọi là liệu pháp phục hồi chức năng tiền đình) với chuyên gia vật lý trị liệu hoặc chuyên gia trị liệu tiền đình có thể bao gồm các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cho chân và các cơ dựng sống, đồng thời cải thiện sự cân bằng và tăng cường khả năng phối hợp với cơ quan tiền đình trong tai, mắt.
Ngoài ra, các biện pháp điều trị mất thính giác, như cấy điện cực ốc tai cho trẻ, cũng có thể giúp cải thiện sự cân bằng.
Tóm lại, tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ mới biết đi, trẻ đi loạng choạng hay trẻ bị mất thăng bằng đôi khi vấp ngã là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng rối loạn vận động ở trẻ như vậy kéo dài và kèm theo trẻ hay bị chóng mặt, mờ mắt, nghe kém, khó đi học thì thực sự là bệnh lý. Lúc này, cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám và kịp thời điều chỉnh, giúp trẻ sớm hoạt động bình thường và cảm thấy tự tin vào khả năng điều khiển của bản thân mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: newsinhealth.nih.gov, kidshealth.org, nemours.org