Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Mai Phương - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Thừa cân béo phì ở trẻ em là sự tích tụ mỡ bất thường quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả bé trai lẫn bé gái mắc phải. Đây chính là vấn đề nhức nhối thách thức đến sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em béo phì ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh chóng trong thập kỷ qua, đặc biệt là ở khu vực thành phố dẫn tới những nguy cơ tiềm ẩn về các bệnh nguy hiểm liên quan.
1. Xác định bệnh béo phì ở trẻ em như thế nào?
Để đánh giá trẻ thừa cân béo phì, ngoài việc quan sát hình thể thì để đánh giá khách quan chúng ta cần phải dựa vào số đo chiều cao và cân nặng như sau:
- Đối với trẻ em từ 0-5 tuổi: Trẻ thừa được xác định là thừa cân khi chỉ số cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao dao động từ 2 độ lệch chuẩn (SD) đến dưới 3 SD. Trẻ béo phì nếu cân nặng theo chiều cao lớn hơn hoặc bằng 3 SD.
- Đối với trẻ từ 5-19 tuổi: Béo phì được xác định bằng chỉ số khối cơ thể BMI. Nếu chỉ số BMI ở trẻ bằng hoặc trên bách phân vị 95% đối với trẻ em cùng tuổi và giới tính thì được phân loại là béo phì. Nếu BMI chỉ cao hơn bách phân vị 85% nhưng thấp hơn bách phân vị 95% thì được xếp vào nhóm thừa cân.
2. Nguyên nhân của hiện tượng trẻ em béo phì
Nguyên nhân của béo phì ở trẻ em không chỉ do một đối tượng nào gây ra mà là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố về cả bản thân, gia đình và xã hội. Các nguyên nhân đó bao gồm:
- Nguyên nhân thường gặp nhất là do dinh dưỡng bất hợp lý cùng với ít hoạt động thể lực. Khẩu phần ăn giàu năng lượng vượt quá nhu cầu sẽ dẫn tới năng lượng dư thừa chuyển hóa thành mỡ, tích lũy trong các tổ chức gây ra béo phì.
- Thói quen sinh hoạt trong gia đình có người bị thừa cân béo phì ảnh hưởng đến cả chế độ ăn và luyện tập của trẻ. Trẻ lười vận động do sử dụng quá mức các thiết bị điện tử.
- Khẩu phần ăn ở trường thừa protein nhưng thiếu chất xơ, gia đình cho con uống nhiều nước ngọt, nước có gas, nếu tiêu thụ nhiều hơn 5% tổng năng lượng trong ngày có thể gây ra rối loạn chuyển hóa và béo phì.
- Trẻ sơ sinh có cân nặng quá lớn.
- Trẻ thích ăn vặt, ăn ngọt, uống các nước giải khát, thức ăn nhanh đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Các yếu tố di truyền: Trẻ mang gen kích thích sự ngon miệng, gen liên quan đến tiêu hao năng lượng, điều hòa chuyển hóa, liên quan đến sự biệt hóa và phát triển tế bào mỡ thường kế thừa từ bố mẹ bị thừa cân béo phì.
- Ngoài ra còn có các trường hợp béo phì do suy giáp, cường năng tuyến thượng thận, thiểu năng sinh dục, bệnh về não hoặc do dùng thuốc (corticoid kéo dài).
3. Trẻ em béo phì dễ gây bệnh gì?
Béo phì chính là yếu tố nguy cơ của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm của các cơ quan trong cơ thể, điển hình như:
- Rối loạn hệ nội tiết, chuyển hóa: Trẻ dễ mắc các tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin dẫn tới đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu hoặc bệnh gút do tăng acid uric.
- Rối loạn tiêu hóa: Các bệnh lý sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ do sử dụng lượng lớn đường fructose từ chất tạo ngọt trong thức uống có gas và các thực phẩm đóng hộp.
- Bệnh về tim mạch: Béo phì là yếu tố nguy cơ cao của các bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hẹp tắc động mạch chi,...
- Bệnh về hô hấp: Hội chứng ngưng thở khi ngủ rất nguy hiểm đối với trẻ em.
- Bệnh về xương khớp: Thoái hóa khớp, đau thắt lưng do trọng lượng cơ thể lớn đè nén lên hệ xương khớp nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân gây đau đớn và khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
- Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ: Trẻ dễ bị tự ti, trầm cảm do bạn bè chế giễu khiến trẻ thụ động, thiếu linh hoạt.
- Thừa cân béo phì ở giai đoạn nhỏ tuổi làm tăng nguy cơ mắc các bệnh trên khi trẻ trưởng thành.
4. Làm thế nào để phòng ngừa thừa cân béo phì ở trẻ em?
Để phòng ngừa thừa cân béo phì ở trẻ em cần thực hiện các biện pháp về cả chế độ ăn, chế độ vận động cũng như theo dõi cân nặng - chiều cao của trẻ.
Chế độ vận động: Không cho trẻ ngồi lâu để đọc truyện, chơi game, xem tivi quá 2 giờ một ngày mà phải khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi vận động, phụ giúp những công việc nhà đơn giản. Khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ tham gia một môn thể thao (ở trẻ lớn).
Chế độ ăn:
- Cho trẻ ăn đúng giờ, không bỏ bữa và hạn chế ăn đêm sau 20 giờ
- Hạn chế thức ăn ngọt (tối đa 1-2 lần một tuần)
- Hạn chế thức ăn giàu mỡ, phủ tạng động vật
- Khuyến khích trẻ ăn rau, trái cây
Theo dõi: Phụ huynh cần đo cân nặng của trẻ định kỳ và nhờ sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng nếu trẻ tăng cân quá 0,5 kg/tháng (trẻ trên 2 tuổi) và quá 1kg/tháng (trẻ dậy thì).
Đối với các trẻ hiện đã thừa cân béo phì, việc điều trị cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Điều trị thừa cân béo phì là quá trình lâu dài chứ không phải chỉ qua 1-2 lần khám bệnh nên cần sự kiên trì và hợp tác từ phía bố mẹ.
- Quan trọng nhất của việc điều trị giảm cân là giáo dục để trẻ hình thành ý thức tố trong việc ăn uống và vận động.
- Giảm cân nặng thực sự chỉ cân nhắc ở những trẻ lớn và bắt đầu có biến chứng, béo phì nặng.
- Béo phì dưới 2 tuổi không cần giảm cân mà chỉ theo dõi và kiểm soát theo tư vấn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.