Hỏi
Chào bác sĩ,
Con trai em 14 tuổi, bị đau đầu hai bên thái dương, uống thuốc giảm đau cũng không giảm, bị mấy năm nay rồi. Gần đây, cứ đau đầu liên tục không giảm, cứ xế chiều là đau tăng lên, nhưng không sốt. Vậy bác sĩ cho em hỏi trẻ đau đầu 2 bên thái dương nguyên nhân là gì? Em cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Thị Thủy (1981)
Trả lời
Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Trẻ đau đầu 2 bên thái dương nguyên nhân là gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Tâm lý căng thẳng do áp lực công việc, học tập hay sống trong môi trường nhiều tiếng ồn, thay đổi thời tiết khí hậu cũng là những nguyên nhân dẫn tới chứng đau đầu, co thắt mạch máu ở thái dương ngày một gia tăng ở mọi lứa tuổi và thường dễ tái phát.
Đau đầu vận mạch là chứng đau đầu do sự co thắt của các mạch máu vùng đầu, trong sọ não và thái dương. Thường gặp nhất là co thắt động mạch ở thái dương. Tình trạng co thắt của động mạch sẽ làm cho một số vùng của não và các cơ ở vùng đầu cổ bị thiếu máu tạm thời và gây ra phản ứng đau khi trong điều kiện thiếu máu và thiếu oxy nuôi dưỡng. Đặc biệt là những bệnh nhân hay bị căng thẳng, tình trạng lo lắng kéo dài dẫn tới trầm cảm và stress.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh đau đầu vận mạch thường do các yếu tố ví dụ như áp lực công việc học tập, tâm lý bất ổn, điều kiện sống trong môi trường có nhiều tiếng ồn, thời tiết khí hậu thay đổi. Đau đầu vận mạch có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người trẻ tuổi.
Bệnh đau đầu vận mạch thường có biểu hiện đau đầu kèm theo với nó là nhức mắt cùng bên bị tổn thương. Có thể đau một bên thái dương hoặc hai bên thái dương. Biểu hiện chủ yếu là những cơn đau đầu dữ dội, đau giật theo nhịp đập của mạch kéo dài vùng thái dương và vùng trước trán, bệnh nhân có cảm giác buồn nôn có thể gây nôn,... Khi vận động đi lại, đau đầu sẽ tăng lên.
Ngoài ra, đau đầu vận mạch còn khiến cho cơ thể thiếu máu lên não và thường có biểu hiện như hoa mặt chóng mặt dẫn tới mệt mỏi. Người mắc bệnh đau đầu vận mạch nhạy cảm với ánh sáng, nhạy cảm với tiếng ồn, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn. Bệnh đau đầu vận mạch thường khó điều trị dứt khoát và hay tái phát. Khi bị đau đầu vận mạch có thể điều trị bằng cách sử dụng thuốc giãn mạch để làm giảm cơn đau thắt. Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý mua thuốc, cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và làm theo chỉ định của bác sĩ. Nếu không điều trị kịp thời bệnh đau đầu vận mạch thì bệnh sẽ ngày càng tiến triển nặng và tình trạng thiếu máu lên não kéo dài, não thiếu oxy có thể gây ra tai biến mạch máu não thậm chí có thể dẫn tới liệt nửa người hoặc liệt các chi. Với các đặc điểm và triệu chứng lâm sàng của bệnh đau đầu vận mạch dễ chẩn đoán nhưng hay bị nhầm lẫn với bệnh đau đầu do căng thẳng, hoặc rối loạn tiền đình,... Vì vậy, việc điều trị sẽ kém hiệu quả, bệnh dễ tái phát và gây nặng hơn, khó điều trị. Bạn nên đưa trẻ đến khám để được tư vấn chính xác.
Nếu bạn còn thắc mắc về trẻ đau đầu 2 bên thái dương, bạn có thể đưa trẻ đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.