Trẻ đã tiêm vắc-xin dại bị chó cắn phải làm sao?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bé nhà cháu vừa bị chó cắn năm trước đã được đưa đi tiêm vắc-xin. Đến nay, bé bị cắn lần nữa. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi trẻ đã tiêm vắc-xin dại bị chó cắn phải làm sao? Bé có nên tiêm vắc-xin nữa không? Còn nếu theo dõi con chó được 15 ngày thì chó chết, lúc đó đi tiêm cho bé có kịp không? Cháu cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Thị Tuyết Mai (2000)

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Trẻ đã tiêm vắc-xin dại bị chó cắn phải làm sao?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Bệnh dại là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối vì không có thuốc điều trị đặc hiệu. Virus gây bệnh dại xuất hiện khắp nơi trên thế giới với đường lây bệnh bệnh dại phổ biến nhất là khi nước bọt của động vật nhiễm bệnh tiếp xúc với cơ thể người thông qua các vết cắn hoặc cào. Ngoài ra, khi động vật mang virus gây bệnh liếm vào các vết thương hở hoặc các tổ chức phần mềm có dịch nhầy như mắt, mũi, miệng của con người thì đều có nguy cơ gây bệnh cao.

Hiện nay, vắc-xin phòng bệnh dại là phương án phòng bệnh duy nhất, giúp giảm tỷ lệ tử vong cho con người khi không may bị chó dại cắn. Phòng bệnh bằng vắc-xin ngừa dại có thể được thực hiện trước hoặc sau khi phơi nhiễm với nguồn bệnh.

Người đã tiêm phòng dại trước khi bị chó cắn gọi là tiêm phòng vắc-xin dại trước phơi nhiễm. Khi thực hiện đủ số mũi tiêm theo phác đồ phòng dại trước phơi nhiễm, miễn dịch phòng bệnh dại đã được hình thành. Tuy nhiên, hiệu lực miễn dịch mạnh hay yếu còn phụ thuộc vào đáp ứng của hệ miễn dịch ở từng cá thể khác nhau với các nồng độ kháng thể khác nhau.

Vắc-xin dại không có khả năng bảo vệ người đã tiêm phòng dại suốt đời, do đó những người đã tiêm phòng dại bị chó dại cắn vẫn có nguy cơ mắc bệnh dại. Do vậy, những đối tượng đã tiêm phòng trước phơi nhiễm như người làm việc trong các phòng thí nghiệm, bác sĩ thú y, người làm nghề giết mổ chó, khách du lịch đến những nơi đang có dịch lưu hành, không được chủ quan. Ngoài việc cần nắm rõ cách sơ cứu, xử trí đúng nếu không may bị chó dại cắn thì cần đến các cơ sở y tế có vắc-xin dại để tiêm phòng dại theo đúng hướng dẫn.

Bé nhà bạn vừa bị chó cắn năm trước đã được đưa đi tiêm vắc-xin. Hiện nay bị cắn lần nữa vẫn nên khám lại tại trung tâm vắc-xin, nếu sau khi chích đủ 5 mũi ngừa dại, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin trung bình là 1 năm hơn, nếu bạn sau đó có tiêm nhắc lại thì hiệu quả của vắc-xin mới được kéo dài tiếp thêm.

Tuy nhiên, hiệu quả tạo miễn dịch bảo vệ sau khi tiêm vắc xin cũng khác nhau ở tùy người và độc lực của virus, vì thế an toàn nhất vẫn nên là theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau 10 ngày mà nó còn sống, chắc chắn nó không nhiễm dại vào cái ngày nó cắn mình. Ngược lại, nếu nó chết trong thời gian này, hoặc rơi vào các tình huống nguy hiểm (tại thời điểm bị cắn mà con chó đã có biểu hiện bệnh dại hoặc xác định là bị dại, vết cắn gần thần kinh trung ương (vùng đầu, mặt, cổ), bộ phận sinh dục), bạn có thể cho bé tiêm thêm vắc-xin theo đủ liệu trình cho an toàn.

Nếu bạn còn thắc mắc về trẻ đã tiêm vắc-xin dại bị chó cắn, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe