Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Mai Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Hiện tượng táo bón ở trẻ bú mẹ đã không còn là bệnh lý quá nghiêm trọng nhưng hiện vẫn đang là vấn đề được các mẹ dành nhiều sự quan tâm và chú ý đến.
1. Hiện tượng táo bón ở trẻ sơ sinh
Hiện tượng táo bón ở trẻ bú mẹ là điều thường gặp nhưng không phải ai cũng đủ hiểu biết để nhận biết tình trạng này ở con trẻ. Táo bón ở trẻ là khi đại tiện ra phân cứng, khuôn nhỏ như phân dê, hoặc có trường hợp phân rất lớn, chắc và rất khó tống ra ngoài. Đôi khi táo bón ở trẻ là khi phân của trẻ cứng và phải rặn mới đi ngoài được. Tuy nhiên nếu việc phải rặn để tống phân mềm ra ngoài không phải là dấu hiệu của chứng táo bón ở trẻ.
Điều cần lưu ý rằng trẻ bú mẹ hoàn toàn (chỉ bú mẹ cho đến khi 6 tháng tuổi) hiếm khi bị táo bón. Trẻ 1-2 tháng tuổi thường đi đại tiện thường xuyên khoảng 1 - 2 lần mỗi ngày, nhưng sau đó trẻ sẽ bắt đầu đi ngoài với tần suất ít hơn. Thậm chí, một vài trẻ bú sữa mẹ chỉ đi đại tiện 1 lần trong vòng 1-2 tuần. Các trẻ này vẫn sẽ được xem là bình thường hay không táo bón trong trường hợp phân có nước hoặc mềm.
Vì sao trẻ bú sữa mẹ đi đại tiện ít như vậy? Nguyên nhân là do sữa mẹ được cho là rất phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ, không có nhiều chất cặn còn lại để tạo thành phân. Tất nhiên, khi bạn bắt đầu cho trẻ ăn những thức ăn rắn, như ngũ cốc, tần suất đi đại tiện của trẻ có thể sẽ thay đổi. Vào thời điểm đó, trẻ sẽ đi đại tiện nhiều lần hơn và tính chất phân sẽ sệt hoặc cứng hơn.
2. Nguyên nhân của hiện tượng táo bón ở trẻ sơ sinh
Hiện tượng táo bón ở trẻ bú mẹ có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có một vài nguyên nhân chính khiến bé gặp phải tình trạng này.
2.1. Do chế độ ăn uống của mẹ
Do trẻ sơ sinh còn ít tháng tuổi nên hầu như vẫn đang trong tình trạng bú sữa mẹ. Vì vậy chế độ ăn uống của mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến dinh dưỡng cũng như tình trạng táo bón của trẻ sơ sinh. Những bà mẹ có thói quen ăn thức ăn cay nóng, dưỡng chất từ thức ăn của mẹ sẽ theo đường sữa nạp vào cơ thể của con. Gia vị trong thực phẩm như gừng, tiêu, ớt,... dễ dẫn đến hiện tượng táo bón ở trẻ sơ sinh nếu mẹ ăn nhiều những thực phẩm này. Việc mẹ ăn nhiều đồ cay nóng, đồ khó tiêu, ít chất xơ, nhiều đạm và ăn uống thiếu dinh dưỡng, chế độ ăn ngủ không hợp lý khiến các chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể bé cũng khiến bé dễ bị táo bón ở trẻ.
Để xử trí táo bón ở trẻ với nguyên nhân này, mẹ nên chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh hay các loại củ quả tươi. Đây là những loại thực phẩm giàu khoáng chất và vitamin có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, việc bổ sung sữa chua thường xuyên tạo điều kiện cho lợi khuẩn của mẹ tốt hơn.
2.2. Do trẻ sơ sinh dùng sữa công thức
Hiện tượng táo bón ở trẻ sơ sinh có thể do dùng sữa công thức. Sữa công thức kết hợp nhiều chất mà đường ruột của bé phát triển chưa hoàn thiện sẽ khó mà tiêu hóa được. Đồng thời đây cũng là loại sữa được coi là khó tiêu hóa và nếu mẹ cho bé uống sữa pha không đúng công thức thì khả năng bé bị táo bón là rất cao.
2.3. Do bệnh lý
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan bên ngoài thì táo bón ở trẻ sơ sinh đôi khi là do bệnh lý xuất phát từ chính cơ thể bé. Do tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa hoặc các dị tật bẩm sinh như: bệnh vô hạch đại tràng (bệnh Hirschsprung), bệnh suy giáp bẩm sinh (bệnh Myxoedeme) khiến trẻ bị táo bón sớm. Biểu hiện của táo bón ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân bệnh lý:
- Trẻ sơ sinh rất ít đi đại tiện trong 1 tháng đầu đời được xem là một dấu hiệu cho thấy bé không có đủ sữa để bú. Trường hợp này thường kèm theo dấu hiệu bé bị sụt cân hoặc gần như không tăng cân và có thể không có đủ số lượng tã ướt thải ra.
- Trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên không tăng cân hoặc tăng cân rất ít, cũng có coi là một dấu hiệu cho thấy lượng thức ăn cho trẻ không đủ để trẻ phát triển khỏe mạnh hoặc có một số vấn đề y tế khác.
- Trẻ sơ sinh không đi ngoài ra phân su trong những ngày đầu đời là dấu hiệu cho thấy trẻ đã có vấn đề về đại tiện kể từ khi sinh. Trong những trường hợp này ít đi đại tiện có thể là một dấu hiệu của bệnh lý Hirshsprung. Bệnh lý Hirshsprungs không phổ biến, chỉ ảnh hưởng đến 1 trên 5.000 trẻ sơ sinh. Tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh trong bệnh này thường xuất hiện vào cuối tháng đầu tiên sau khi sinh.
3. Điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh
3.1. Điều chỉnh chế độ ăn
Đối với trẻ sơ sinh:
- Tiếp tục cho trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi.
- Cho bé bú đúng cách, bú theo nhu cầu, nếu bé bú ít thì tăng số lần cho bú để bé nhận đủ sữa và để kích thích tạo phân mềm, càng dễ tống ra ngoài. Đây là cách chữa táo bón cho trẻ sơ sinh hiệu quả nhất mà người mẹ nên thực hiện.
Đối với mẹ:
- Ăn nhiều rau quả tươi, uống nhiều nước.
- Bổ sung thêm các loại thực phẩm nhuận tràng trong bữa ăn hàng ngày như rau mùng tơi, rau đay, khoai lang.
- Hạn chế sử dụng những thức ăn có vị cay và món gây nóng trong và những món khó tiêu hóa.
3.2. Thực hiện mát- xa bụng nhẹ nhàng
Khi thấy bé sơ sinh có dấu hiệu của bệnh táo bón thì mẹ cần thực hiện mát- xa bụng cho trẻ:
- Xoa bụng cho trẻ sơ sinh để kích thích nhu động ruột (xoa vòng quanh rốn từ phải sang trái theo chiều kim đồng hồ mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 5-10 phút vào khoảng cách giữa 2 bữa bú).
- Tập co duỗi chân cho bé kết hợp với massage bụng mỗi ngày.
Lưu ý khi thực hiện mát- xa bụng là chỉ thực hiện khi trẻ sơ sinh đã kết thúc bữa ăn nửa tiếng. Nếu bé mới bú hay ăn no mà xoa bụng ngay dễ gây nôn mửa, đau tức bụng.
Để hạn chế việc trẻ nhỏ bị táo bón cũng như phải sử dụng kháng sinh, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời, bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.