Khi có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng, trẻ cần được bác sĩ chuyên khoa khám, hướng dẫn điều trị để sớm khỏi bệnh cũng như hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Trong quá trình điều trị, trẻ cần được chăm sóc đúng cách và đảm bảo dinh dưỡng tốt để cơ thể nhanh chóng hồi phục. Vậy trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì, có nên uống nước cam không?
1. Điều trị và chăm sóc rất quan trọng khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Cha mẹ cần lưu ý triệu chứng hay gặp nhất giúp phát hiện sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng là sốt, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đặc biệt những trẻ sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường gợi ý nguy cơ diễn tiến nặng. Ngoài ra, trẻ bị tay chân miệng còn có những dấu hiệu khác như phát ban, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...
Khi phát hiện trẻ dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán, từ đó đưa ra hướng dẫn điều trị và cách chăm sóc phù hợp.
Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh, các biện pháp điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng đỡ, hỗ trợ và dự phòng biến chứng. Trong đó việc cho trẻ mắc bệnh uống đủ nước, ăn đủ dinh dưỡng là cực kỳ quan trọng.
Tuy nhiên, trẻ bị tay chân miệng thường có những tổn thương niêm mạc miệng, gây đau khi ăn dẫn đến trẻ ăn kém, bỏ ăn, có nguy cơ dẫn đến suy dinh dưỡng. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ bị tay chân miệng để hỗ trợ bệnh nhanh hồi phục.
2. Bé bị tay chân miệng nên ăn gì?
Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì là câu hỏi mà rất nhiều bậc phụ huynh đặt ra cho bác sĩ. Do các bóng nước trong khoang miệng hay trên lưỡi thường vỡ rất nhanh và tạo ra các vết loét gây đau rát, làm trẻ khó ăn uống, vì vậy lưu ý đầu tiên là phụ huynh nên cho con dùng thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu hóa như súp, cháo loãng hoặc sữa.... Một lợi điểm khác là cháo súp thường rất dễ tiêu hóa và hấp thu, hỗ trợ dạ dày ruột không phải làm việc nhiều và hạn chế được các vấn đề liên quan đến rối loạn tiêu hóa.
Một vấn đề mà cha mẹ cần lưu ý là dù cho con ăn cháo súp nhưng vẫn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng, do đó nên ưu tiên những món cháo từ thịt gà, thịt bò, trứng, thịt heo, tôm... kết hợp với các loại rau củ bổ dưỡng như cà rốt, bí đỏ, khoai tây... Những món cháo súp từ các nguyên liệu trên sẽ đảm bảo bổ sung đủ những chất dinh dưỡng cần thiết, vừa giúp trẻ đủ năng lượng vừa hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh và thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Tuy nhiên, cha mẹ lưu ý, không vì nôn nóng mà ép con ăn quá nhiều trong một bữa như thế dễ gây tâm lý sợ ăn hoặc gây nôn trớ. Thay vào đó nên cho trẻ ăn từng chút một, chia thành nhiều bữa nhỏ để hỗ trợ cơ thể bé hấp thu tốt hơn, trong đó các bữa ăn nên cách nhau khoảng 3 giờ. Những trẻ bị tay chân miệng còn bú mẹ thì vẫn phải duy trì bú mẹ, cố gắng cho con bú thành nhiều lần để tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra.
2. Trẻ bị tay chân miệng có nên uống nước cam?
Để giúp dịu họng, giảm đau tại vị trí của các vết loét, ngoài việc cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm 3 - 4 lần mỗi ngày, trong quá trình mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ uống nhiều nước. Trẻ có thể uống nước lọc, nước trái cây, sữa, nước dừa tươi... đều rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên đặc điểm của bệnh gây đau rát miệng lưỡi, nhiều bậc phụ huynh băn khoăn không biết liệu trẻ bị tay chân miệng có nên uống nước cam hay không?
Chúng ta đều biết cam là loại quả cung cấp nhiều vitamin C giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể, giúp tăng sức đề kháng và có hương vị thơm ngon dễ uống, việc cho trẻ uống nước cam hoặc ăn cam khi đang đang mắc bệnh tay chân miệng sẽ giúp cơ thể trẻ sản sinh nhanh chóng các kháng thể khỏe mạnh, từ đó dễ dàng chống lại sự tấn công của virus gây bệnh.
Tuy nhiên cam là loại quả có tính acid, nhiều khả năng khiến trẻ bị tay chân miệng cảm thấy đau rát miệng lưỡi do các vết loét chưa lành. Vì vậy việc trẻ bị tay chân miệng có nên uống nước cam hay không còn tùy thuộc vào việc trẻ có uống được hay không. Cha mẹ có thể lựa chọn những quả cam ngọt, không chua đem vắt lấy nước, có thể thêm đường hoặc pha loãng với ít nước cho trẻ dễ uống. Nếu trẻ có thể uống thoải mái cha mẹ nên tiếp tục bổ sung nước cam vào chế độ dinh dưỡng cho con.
Uống cam trong thời kỳ mắc bệnh tay chân miệng mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên không vì thế mà cha mẹ bắt ép trẻ phải uống. Nếu nước cam khiến con bị đau miệng lưỡi nhiều, trẻ không hợp tác không nên bắt ép, hãy đợi đến giai đoạn hồi phục có thể bổ sung sau. Thay vào đó có thể sử dụng các loại nước khác có tính kích ứng vết loét thấp hơn như nước dừa tươi...
3. Một số nguyên tắc xây dựng bữa ăn cho trẻ bị tay chân miệng
3.1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng nâng cao miễn dịch
- Chế độ dinh dưỡng của bé bị tay chân miệng cần đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng và đa dạng thực phẩm, trong đó phải đủ 4 nhóm chất chính là đạm, béo, bột đường, vitamin và chất khoáng và phải bao gồm 15-20 loại thực phẩm khác nhau. Bữa ăn của trẻ không được kiêng khem quá mức để bù lại những dưỡng chất mất đi (đặc biệt là năng lượng và protein) do nhiễm virus;
- Bé bị tay chân miệng nên ăn gì? Một trong số đó là những loại thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao từ các loại thịt, cá (cá chép, cá quả, cá basa, cá bông lau, cá hồi, cá trích...), trứng, sữa, hải sản;
- Tăng cường bổ sung rau quả có màu vàng, đỏ (như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu...) và các loại rau màu xanh sẫm (như rau muống, rau ngót, cải bó xôi, súp lơ xanh...) vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C... Những dưỡng chất này góp phần hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm các tổn thương ngoài da hoặc loét miệng nhanh lành;
- Không cho trẻ bị tay chân miệng dùng thức ăn có nhiều gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi, cà ri..., đồng thời hạn chế món ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật;
- Tuyệt đối tránh cho trẻ sử dụng những loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng hoặc các thức ăn lạ.
3.2. Lựa chọn thực phẩm phù hợp
- Cha mẹ nên ưu tiên nguồn thực phẩm giàu vitamin A: Thức ăn có nguồn gốc động vật thường chứa nhiều vitamin A hay retinol, trong đó gan là nơi dự trữ vitamin A nên có thành phần retinol cao nhất. Vitamin A có nguồn gốc thực vật có nhiều trong các loại củ quả có màu vàng/đỏ, các loại rau màu xanh sẫm như rau ngót, rau dền, rau cải xanh, rau muống, rau đay, rau mồng tơi...;
- Lựa chọn thực phẩm giàu kẽm: Kẽm có vai trò quan trọng, góp phần vào sự phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch để bảo vệ cơ thể trước bệnh tật và hỗ trợ làm vết thương mau lành. Trẻ bị tay chân miệng nên được tăng cường bổ sung kẽm, có thể từ thuốc với liều lượng và thời gian dùng phù hợp. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng nên bổ sung những loại thực phẩm giàu kẽm như: tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...), đậu xanh... Với trẻ bú mẹ để có đủ kẽm nên cố gắng tăng cường số cử bú vì lượng kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò;
- Bữa ăn cần bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C để chống dị ứng và tăng cường chức năng miễn dịch. Vitamin C có nhiều trong các loại quả như cam, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu... và các loại rau như rau ngót, rau dền, rau đay, mồng tơi, rau muống... Khi trẻ bị tay chân miệng nên tăng cường trẻ uống nước trái cây (từ 1-2 cốc/ngày) để cung cấp đủ lượng vitamin C giúp nâng cao miễn dịch.
3.3. Chú ý cách chế biến và cho bé ăn phù hợp
- Cha mẹ cần đảm bảo bữa ăn cho trẻ tay chân miệng hàng ngày với các món ăn hợp khẩu vị được xay nhỏ, cắt thái phù hợp, được chế biến mềm hơn, lỏng hơn so với lúc con khỏe mạnh;
- Cha mẹ nên thường xuyên thay đổi món ăn và chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ sẽ giúp con nhai tốt hơn, ăn ngon miệng hơn và dễ tiêu hóa hơn;
- Tránh chế biến thức ăn bằng cách chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc nướng hay xông khói...;
- Khi chế biến món ăn nên cố gắng hạn chế làm rau bị dập nát hay cho rau vào nấu khi nước đã sôi, đồng thời nên cho con ăn ngay sau khi nấu xong để tránh mất các vitamin, đặc biệt là vitamin C và beta-caroten;
- Tất cả dụng cụ chế biến thức ăn phải đảm bảo sạch sẽ, cha mẹ phải rửa tay trước khi chế biến thức ăn và trước khi cho trẻ ăn.
3.4. Một số chú ý khác
- Chú ý bổ sung đủ nước cho trẻ bị tay chân miệng, đặc biệt là khi con đang sốt hoặc nôn ói. Bên cạnh nước lọc, cha mẹ có thể sử dụng nước cam, nước bưởi, nước chanh và các loại nước trái cây khác. Khi trẻ sốt cao, nôn ói và tiêu chảy nhiều có thể cho con sử dụng dung dịch ORESOL để bù nước và điện giải theo hướng dẫn.
- Trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ vẫn duy trì, thậm chí tăng cường cho con bú kết hợp chế độ ăn của mẹ đầy đủ dưỡng chất.
Trẻ bị tay chân miệng nếu được chữa trị và chăm sóc đúng cách hoàn toàn có thể khỏe mạnh trở lại và không để lại biến chứng về sau. Do đó, các bậc cha mẹ có con mắc bệnh cần hết sức lưu ý, không được chủ quan trong quá trình chăm sóc và theo dõi tiến triển bệnh của con.
Hiện nay chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, bệnh đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm, bệnh tay chân miệng,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó, Vinmec có khám đa khoa kết hợp cùng bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để xây dựng các thực đơn riêng cho bé để con luôn được phát triển khỏe mạnh trong từng giai đoạn.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị cho bé tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.