Trẻ bị sốt phát ban có nguy hiểm không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ Thanh đã có thời gian công tác 25 năm trong điều trị các bệnh lý Nhi sơ sinh.

Sốt phát ban là tình trạng bệnh của trẻ trong độ tuổi từ 6- 36 tháng tuổi. Bởi đây là thời gian trẻ có sức đề kháng kém, dễ bị virus tấn công gây tình trạng sốt phát ban. Cha mẹ cần cập nhật thông tin về bệnh cũng như cách phòng bệnh và chữa sốt phát ban cho trẻ.

1. Con đường lây nhiễm sốt phát ban

Trẻ thường sẽ bị sốt phát ban ít nhất một lần, tuy nhiên, tùy vào tình trạng sức khỏe và sức đề kháng của trẻ mà có thể bị nhiều lần. Các virus gây sốt phát ban ở trẻ đa số lành tính và sẽ tự khỏi trong thời gian từ 5 - 7 ngày nếu được chăm sóc tốt. Trẻ bị sốt phát ban nếu không nắm rõ nguyên nhân, cách chăm sóc đúng cách khi trẻ mắc bệnh thì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm hoặc khiến trẻ thường xuyên bị tái sốt, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ sau này.

Bệnh sốt phát ở trẻ dễ lây nhiễm, đặc biệt là ở môi trường nhà trẻ, trường học. Môi trường này phù hợp cho việc lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp khi trẻ bệnh hắt hơi, sổ mũi, ho làm phát tán những tia nước bọt nhỏ chứa virus bệnh sang cho các trẻ khác. Đây là con đường cơ bản khiến trẻ bị mắc bệnh sốt phát ban.

2. Trẻ bị sốt phát ban có nguy hiểm không?

Cha mẹ có thể biết con bị sốt phát ban khi trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt nhẹ 37,5 - 38 độ C hoặc sốt cao đến 39, 4 độ C. Thời gian ủ bệnh sốt phát ban trung bình khoảng 1 tuần, tùy vào thể trạng và nguyên nhân gây ra bệnh ở trẻ. Khi tình trạng sốt giảm thì trẻ bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban trên người. Cụ thể:

  • Các nốt phát ban đỏ do virus sởi gây ra: Trẻ có các triệu chứng sốt, nốt ban nổi khi sốt giảm dần. Ban đầu, nốt sởi sẽ xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân trẻ. Sau đó, ban sởi lặn mất theo thứ tự xuất hiện. Các nốt ban sởi là dạng ban sẩn, khi biến mất sẽ để lại những vết thâm trên da đặc trưng. Trẻ bị sốt phát ban dạng này có thể có các triệu chứng khác kèm theo như chảy nước mũi, ho, đỏ mắt. Cha mẹ cần chú ý virus sở này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ như biến chứng về viêm phổi, viêm não do virus.
  • Một loại sốt phát ban nữa là ban do virus rubella, hay còn gọi là ban đào: Loại phát ban này ban đầu xuất hiện ở mắt sau đó lan dần xuống dưới chân, thời gian phát kéo dài trong khoảng 3 ngày. Loại ban này thường dày hơn ban sởi. Trẻ có thể có dấu hiệu kèm theo như tình trạng sưng hạch sau tai, hạch cổ, dưới chẩm, một số trẻ sẽ có triệu chứng đau khớp. Tình trạng sốt phát ban này được xem là lành tính đối với trẻ, không gây ra biến chứng hay nguy hiểm như sốt phát ban sởi trên.

Thời gian ủ bệnh sốt phát ban trung bình khoảng 1 tuần.
Thời gian ủ bệnh sốt phát ban trung bình khoảng 1 tuần.

3. Trẻ bị sốt phát ban phải làm sao?

Các bác sĩ cho biết trẻ bị sốt phát ban, cha mẹ cần biết sớm các dấu hiệu để biết cách chăm sóc cũng như sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị nếu không thể tự chăm sóc đúng cách tại nhà. Một số nguyên tắc chăm sóc trẻ bị sốt phát ban tại nhà mà cha mẹ cần biết khi con rơi vào tình trạng bệnh này như sau:

  • Hạ sốt đúng cách cho trẻ: Thuốc hạ sốt cần được chỉ định từ bác sĩ và uống đúng liều chỉ định. Bên cạnh đó, cha mẹ kết hợp lau mát cho trẻ bằng nước đủ ấm khi cần để tránh biến chứng sốt cao khiến trẻ bị co giật.

Cần hạ sốt đúng cách cho trẻ bị sốt phát ban.
Cần hạ sốt đúng cách cho trẻ bị sốt phát ban.
  • Giảm ho, giảm đau họng cho trẻ bằng cách uống các loại thuốc ho theo chỉ định bác sĩ hoặc sử dụng các bài thuốc ho có nguồn gốc thảo dược như quất chung mật ong, gừng hấp đường phèn, uống nước rau tần,...
  • Làm thông mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý loãng, khăn giấy mềm, đảm bảo trẻ dễ thở, dễ ăn uống và bú mẹ.
  • Thức ăn cho trẻ nên mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, nước.
  • Cha mẹ nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để trẻ dễ hấp thụ hơn và không bị chán ăn khi cơ thể sốt, mệt.
  • Cho trẻ uống nhiều nước hơn, các loại nước ép trái cây tốt cho sức khỏe, đảm bảo cung cấp vitamin cho cơ thể, cải thiện sức đề kháng.
  • Chú ý bổ sung vitamin A nhiều hơn trong thời kỳ trẻ bị sốt phát ban.

Phát hiện trẻ bị sốt phát ban, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ khám và có chỉ định sẽ được điều trị tại viện hoặc có thể đưa trẻ về nhà chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn và hẹn tái khám về sau. Phụ huynh cần đưa trẻ đến viện khi có các biểu hiện sau:

  • Trẻ bị sốt cao không hạ sau khi đã phát ban.
  • Thay đổi tri giác: Lừ đừ, ngủ li bì, hôn mê.
  • Trẻ bị co giật.
  • Trẻ thở mệt, thở nhanh, khó thở.

Bên cạnh đó, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác để tránh lây nhiễm.

Sốt phát ban thông thường sẽ không nguy hiểm cho bé nhưng sốt phát ban do virus Rubella, sởi thì vô cùng nguy hiểm. Nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra những biến chứng nặng nề đến hô hấp, thần kinh, tim mạch. Vì vậy, khi bé có dấu hiệu sốt phát ban hoặc xuất hiện thêm những triệu chứng bất thường nêu trên, bạn nên đưa đến cơ sở y tế khám ngay.

Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã điều trị thành công các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp và nhiệt đới cho rất nhiều bệnh nhi. Các bác sĩ sẽ giúp phụ huynh có định hướng điều trị khoa học bệnh sốt phát ban cho con, cũng như cung cấp các phương pháp, tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh cho trẻ một cách đầy đủ và hiệu quả. Đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm; thiết kế bệnh viện một chiều thông minh giúp hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa các bệnh nhi, phòng tránh lây nhiễm chéo hiệu quả.

Nếu có nhu cầu khám và điều trị bệnh sốt phát ban cho bé, bạn vui lòng đăng ký trực tiếp tại website hoặc liên hệ đến hệ thống hotline để được tư vấn chi tiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe