Bệnh chân tay miệng là một bệnh nhiễm trùng. Khi trẻ bị tay chân miệng, mụn nước sẽ nổi ngày càng nhiều làm cho phụ huynh lo lắng và thường dùng đến biện pháp bôi thuốc xanh methylen. Tuy nhiên, thuốc xanh methylen không cần bôi vì không có tác dụng và gây khó nhận biết mụn nước cho bác sĩ lúc thăm khám.
1. Bệnh tay chân miệng ở trẻ là gì? Có nguy hiểm không?
Bệnh chân tay miệng là một bệnh nhiễm trùng do vi rút coxsackie virus A16 và enterovirus 71 gây ra. Những vi rút này sống trong đường tiêu hóa và lây từ người sang người qua việc tiếp xúc thông thường.
Bệnh thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi bởi hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển toàn diện nên không có khả năng chống lại các virus gây bệnh. Trong thực tế là những trẻ lớn hơn và người trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Mùa xuân, mùa hè và mùa thu là ba thời điểm mà trẻ em cũng như người lớn rất dễ mắc bệnh.
Bệnh tay chân miệng để lại nhiều biến chứng cho trẻ nếu như không chăm sóc và điều trị đúng cách. Vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu để điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ là rất cần thiết.
Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng:
- Ở giai đoạn đầu: Thời gian ủ bệnh kéo dài 3 – 7 ngày và thường không có triệu chứng gì.
- Ở giai đoạn mới phát bệnh: Trẻ có dấu hiệu đặc trưng như bệnh cúm như mệt mỏi, đau cổ họng, sốt nhẹ (dao động từ 38 – 39 độ C).
- Ở giai đoạn toàn phát: Sau khoảng một hoặc hai ngày, các triệu chứng của bệnh tay chân miệng mới xuất hiện. Bé sẽ bị nổi bóng nước trên da, quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay và bàn chân, mông hoặc xung quanh hậu môn. Bóng nước chứa nhiều chất dịch và có thể vỡ ra khiến cho trẻ cảm thấy rất đau đớn. Các bóng nước này thường biến mất sau khoảng 1-2 tuần.
Bên cạnh đó, khi bị chân tay miệng, ngoài các dấu hiệu kể trên như sốt, nổi ban đỏ, bỏ ăn hoặc không muốn ăn, trẻ còn có các dấu hiệu sau như đau nhức cơ bắp, đau đầu, cứng cổ; bồn chồn; ngủ không ngon giấc hoặc ngủ nhiều hơn; có thể hay giật mình; trẻ nhỏ thường hay bị chảy nước miếng do đau họng; trẻ chỉ thích thức ăn dạng lỏng và thức uống lạnh.
2. Trẻ bị chân tay miệng có cần bôi xanh methylen?
Khi trẻ bị tay chân miệng, mụn nước sẽ nổi ngày càng nhiều làm cho phụ huynh lo lắng và thường dùng đến biện pháp bôi thuốc xanh methylen. Tuy nhiên, chân tay miệng bôi xanh methylen là không cần thiết vì bôi cũng không có tác dụng gì mà lúc khám bác sĩ nhìn lại khó nhận biết mụn nước do gì.
Vậy tay chân miệng bôi thuốc gì? Theo đó, cha mẹ có thể dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm cho trẻ.
3. Điều trị và phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ
3.1. Điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ
Chế độ ăn uống:
- Vệ sinh ăn uống như ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; tuyệt đối không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm hay mút đồ chơi.
- Nên cho trẻ ăn súp lỏng với đủ chất dinh dưỡng cần thiết để phục hồi. Tránh ăn thức ăn cứng, mặn, cay hoặc chua, trái cây quá chua có thể gây ra kích ứng và đau.
Dùng một số loại thuốc:
- Thuốc hạ sốt: Khi trẻ sốt cao từ 38 độ C trở lên, cha mẹ cần sử dụng hạ sốt bằng paracetamol với liều lượng 10 - 15mg/kg, sau 4 - 6 giờ có thể dùng lại nếu còn sốt cao. Nếu trẻ không uống được hoặc khó uống thuốc có thể dùng dạng viên đạn đặt hậu môn.
- Bù nước và điện giải: Trong quá trình điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ, cha mẹ nên bổ sung thêm nước và điện giải cho trẻ bằng uống dung dịch oresol, hydrite... hoặc uống nước dừa lạnh để giúp giảm đau, khó chịu nhưng quan trọng hơn, nhờ lượng kali, chất điện giải cao chính là cách hoàn hảo để ngăn ngừa mất nước.
- Thuốc sát khuẩn: Khi trẻ có sốt và loét miệng cần bổ sung thêm vitamin C và kẽm, dùng dung dịch glycerin borat lau sạch miệng trước và sau ăn. Gel rơ miệng (kamistad, zytee...) sát khuẩn và giảm đau giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.
Ngoài ra, còn có những loại thuốc khác được sử dụng tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh. Với bệnh nhi có triệu chứng não - màng não phải điều trị tại bệnh viện và sẽ được chỉ định dùng thuốc chống co giật như phenobarbital; cho kháng sinh khi trẻ bị viêm màng não do vi khuẩn và được theo dõi chặt chẽ các triệu chứng hô hấp.
Với trẻ có biến chứng viêm não, kèm liệt, rối loạn tri giác, co giật phải dùng thuốc chống phù não, chống co giật và kháng sinh phòng bội nhiễm, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan và theo dõi sát mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở, kiểu thở, tri giác...
Với bệnh nhi bị suy hô hấp, trụy tim mạch cần được điều trị đặc biệt tại Khoa Hồi sức tích cực như thở oxy, thở máy, truyền dịch chống sốc, dobutamin, kháng sinh phòng bội nhiễm, truyền tĩnh mạch lmmunoglobulin (gammaglobulin)...
Vệ sinh sạch sẽ:
- Vệ sinh da cho trẻ để tránh bội nhiễm vi khuẩn: Cần phải tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt, tinh dầu chanh...
- Cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm.
- Khuyên trẻ giữ vệ sinh thật tốt, không cho tay vào miệng, không ngậm đồ chơi.
- Vệ sinh kỹ bình sữa và núm vú bình. Chú ý các thú nhồi bông trẻ tiếp xúc phải thật sạch.
- Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay với xà phòng trước khi nấu ăn, cho trẻ ăn, sau khi tiếp xúc với trẻ và sau khi đi vệ sinh.
- Giữ gìn vệ sinh, lau chùi nhà cửa bằng dung dịch cloramin 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
3.2. Phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ
Hiện chưa có vắc xin đặc hiệu phòng bệnh tay chân miệng, do vậy, để phòng ngừa tối đa bệnh, mọi người cần:
- Cho con bú trong 6 tháng đầu tiên của cuộc đời có thể giúp bảo vệ cơ thể trẻ chống lại một số bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả bệnh tay chân miệng.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh hay thay tã, làm vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện tốt trong khâu vệ sinh ăn uống như ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (nên ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không để trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi ...
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi của trẻ, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Khi trẻ bị bệnh, cần cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không cho trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.