Đối với câu hỏi “trẻ 5 tuổi có nhổ răng được không?” thì bác sĩ khuyến cáo là không nên nhổ bỏ, trừ trường hợp trẻ bắt đầu giai đoạn thay răng sữa hoặc răng sữa của trẻ bị nhiễm trùng, nguy cơ bị áp xe răng ổ răng, chết tủy hoàn toàn...
1. Nhận biết sâu răng ở trẻ 5 tuổi
Trẻ bị sâu răng sẽ tiến triển theo từng giai đoạn với những biểu hiện bệnh lý khác nhau. Bố mẹ có thể nhận biết trẻ 5 tuổi bị sâu răng nặng hay nhẹ thông qua các biểu hiện sau đây:
1.1. Biểu hiện sâu răng nhẹ
Ở giai đoạn nhẹ, răng bị sâu sẽ chưa hình thành nên các lỗ. Bố mẹ quan sát kỹ thì thấy các răng sẽ chỉ biến đổi 1 chút về màu sắc. Trên thân răng có thể sẽ xuất hiện các đốm trắng hoặc đen nhẹ.
Men răng của trẻ bắt đầu bị vi khuẩn tấn công. Tuy nhiên, dấu hiệu này lại không hề dễ nhận biết được và các bố mẹ thường chủ quan và bỏ qua. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do bé hay ăn đồ ngọt và sau khi ăn không vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Tùy thuộc vào mức độ và vị trí răng bị sâu, các dấu hiệu cùng với triệu chứng sẽ khác nhau. Mới đầu khi sâu răng mới khởi phát thì trẻ không có bất kỳ triệu trứng nào, khi răng bắt đầu sâu nặng hơn thì có thể gặp một vài triệu trứng sau đây:
- Răng của trẻ bị đổi màu ở một vài điểm trên mặt nhai hoặc kẽ răng;
- Việc thường xuyên bị đau răng khiến cho trẻ biếng ăn;
- Răng trẻ cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn, đau buốt khi ăn uống đồ ngọt, nóng và lạnh, thức ăn thường xuyên dắt vào kẽ răng khiến bé khó chịu;
- Trên răng xuất hiện các lỗ sâu nhỏ;
- Bề mặt xung quanh lỗ răng bị sâu sẽ biến đổi từ màu nâu sang màu đen.
1.2. Sâu răng giai đoạn trung bình
Ở giai đoạn này, răng của bé bị vi khuẩn ăn mòn lâu dần với biểu hiện là các lỗ sâu có màu nâu đen xuất hiện trên mặt nhai của răng. Các lỗ sâu có kích thước nhỏ và ngày càng to lên. Biểu hiện này có thể dễ dàng quan sát được nếu bố mẹ chú ý.
Bé có thể bị hôi miệng, đau răng và thậm chí là trở nên biếng ăn. Lúc này, có thể bố mẹ sẽ nghĩ ngay đến việc trẻ 5 tuổi nhổ răng được không. Tuy nhiên, việc nhổ răng em bé mới được 5 tuổi cần phải được xem xét kỹ lưỡng và thay vào đó là theo dõi tiếp xem răng có bị nặng hơn không để có cách xử lý tối ưu nhất.
Đến giai đoạn phân rã men răng thì sâu răng sẽ tiếp tục phá vỡ men răng, nếu bố mẹ quan sát kỹ có thể thấy các đốm trắng chuyển dần sang màu nâu.
Vi khuẩn làm cũng góp phần khiến cho hàm răng yếu, men răng mòn sẽ tạo thành các lỗ nhỏ được gọi là lỗ sâu răng. Các lỗ sâu này cần được tiến hành làm sạch rồi hàn/ trám lại để tránh cho răng bị sâu nặng hơn.
1.3. Sâu răng giai đoạn nặng
Đến giai đoạn này, răng của trẻ đã có những ổ vi khuẩn to. Răng dần bị yếu đi, bé sẽ cảm thấy bị đau nhức dữ dội và cơn đau dồn dập liên tục. Răng cũng trở nên lung lay và sứt mẻ nhiều hơn.
Nếu để lâu thêm 1 thời gian nữa, sâu răng có thể lan đến tủy. Cơn đau buốt cũng xuất hiện nhiều đến mức khiến trẻ phải uống thuốc giảm đau.
Cũng trong giai đoạn này vi khuẩn bắt đầu tấn công vào ngà răng nằm dưới phần men răng. Ngà răng thường mềm và nhạy cảm hơn với tác động của axit, do đó vi khuẩn sâu răng phát triển rất nhanh trong giai đoạn này.
Biểu hiện điển hình nhất khi trẻ bị sâu răng giai đoạn nặng đó là thường cảm thấy ê buốt, nhạy cảm hơn với các loại đồ ăn nóng hoặc lạnh.
2. Vậy trẻ 5 tuổi nhổ răng được không?
Răng sữa đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ăn nhai cũng như hỗ trợ khả năng phát âm của trẻ. Do đó, có một hàm răng khỏe đẹp lâu dài là điều mà nha sĩ thường hướng đến khi điều trị sâu răng cho bé. Đặc biệt là bé 5 tuổi, nếu chưa đến tuổi thay răng thì nên bảo tồn răng tối ưu nhất, điều này sẽ giúp răng vĩnh viễn mọc lên không bị lệch lạc, khấp khểnh hay hô vẩu.
Những trường hợp nhổ răng sữa sớm hầu hết đều gây ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe răng miệng của trẻ. Không chỉ tác động xấu đến răng mà việc nhổ răng em bé quá sớm còn khiến xương hàm của trẻ phát triển chậm dẫn đến tình trạng hẹp cung hàm hoặc thiếu chỗ để mọc răng.
Như vậy, đối với câu hỏi “trẻ 5 tuổi có nhổ răng được không?” thì bác sĩ khuyến cáo là không nên nhổ bỏ, trừ trường hợp trẻ bắt đầu giai đoạn thay răng sữa hoặc gặp một trong số các trường hợp bắt buộc dưới đây:
- Răng sữa của trẻ bị nhiễm trùng chân răng, có nguy cơ gây thiếu sản men răng và áp xe răng;
- Răng sữa chết tủy hoàn toàn dễ bị nhiễm khuẩn xuống mầm răng vĩnh viễn bên dưới;
- Răng trẻ bị sâu răng nặng, điều trị nhiều lần nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần nhổ bỏ để ngăn ngừa sâu răng lan rộng sang các răng khác cũng như mầm răng vĩnh viễn.
3. Các phương pháp điều trị sâu răng thay vì nhổ răng cho trẻ
Việc thực hiện nhổ răng sâu cho trẻ quá sớm sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Đặc biệt là làm giảm khả năng ăn nhai, tốc độ hấp thụ thức ăn cũng như chậm phát triển cung xương hàm. Vậy nếu không nhổ bỏ, chúng ta cần làm gì để điều trị những chiếc răng sữa đã hỏng?
Dưới đây là các phương pháp điều trị sâu răng thay vì nhổ răng cho trẻ 5 tuổi:
- Tái khoáng
Tái khoáng răng cho trẻ là quá trình bổ sung các khoáng chất quan trọng cho răng như canxi, phốt pho ở lớp men răng. Phương pháp này sẽ giúp phục hồi men răng đã mất và làm răng trắng sáng cũng như đầy đặn hơn.
Phương pháp này dùng điều trị các trường hợp trẻ mới bị sâu răng. Có ưu điểm là không gây đau nhức và ảnh hưởng đến khoang miệng của trẻ.
Khi thực hiện phương pháp này, các bác sĩ sẽ sử dụng Calcium, Phosphate, Flour... để phủ lên lỗ sâu trên răng của trẻ. Quá trình này sẽ giúp tái tạo lại phần men răng đã bị tổn thương. Đồng thời ngăn ngừa được những vi khuẩn có hại trong răng phát triển.
- Trám răng cho trẻ
Trám răng là phương pháp được sử dụng để phục hồi chức năng ăn nhai và thẩm mỹ của những chiếc răng bị hỏng do sâu răng.
Bác sĩ sẽ sử dụng các vật liệu như composite kết hợp với chiếu đèn laser, halogen nhằm đông cứng composite và cố định nó vào răng thật. Đối với răng bị sâu nặng, cần lấy tủy răng và trám lại, bít lại lỗ sâu cho trẻ để loại bỏ hết viêm nhiễm cũng như vi khuẩn gây hại.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ xem xét trẻ 5 tuổi nhổ răng được không. Nếu không phải nhổ thì sẽ áp dụng phục hình bằng 1 trong 2 phương pháp trên. Còn không sẽ phải nhổ sớm và chăm sóc theo chế độ riêng để không làm ảnh hưởng đến giai đoạn mọc răng vĩnh viễn ở trẻ.
4. Hướng dẫn cha mẹ chăm sóc răng miệng hàng ngày cho trẻ
Chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách là phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa những biến chứng về răng. Đảm bảo khi trẻ lớn sẽ có một hàm răng chắc khỏe từ trong ra ngoài. Để làm được điều này, cha mẹ cần:
- Tạo thói quen vệ sinh răng miệng cho trẻ ngay từ khi chiếc răng sữa đầu tiên mọc lên cho đến khi trẻ được 3 tuổi. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách súc miệng, quan sát răng sau khi ăn, lấy kem đánh răng cũng như thực hành đánh răng 2 lần/ngày...;
- Điều chỉnh các thói quen xấu của trẻ nếu trẻ hay mút tay, cắn đồ vật và nghiến răng... Vì những thói quen này có thể tác động trực tiếp vào xương răng cũng như cung hàm. Lâu dần, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của hàm;
- Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ canxi và vitamin để răng phát triển đều đặn theo tuổi. Hạn chế cho trẻ ăn những đồ ngọt như socola, bánh kẹo, kem... Bởi đồ ngọt chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng sâu răng ở trẻ em hiện nay;
- Tạo cho trẻ ý thức không cho đồ bẩn vào miệng để cắn hay mút. Đặc biệt là phải rửa tay trước khi ăn, không cho tay bẩn vào răng. Chỉ ăn đồ sạch, nấu chín và tốt cho cơ thể.
Như vậy, trẻ 5 tuổi có nhổ răng được không còn phụ thuộc vào giai đoạn sâu răng cũng như thời điểm thay răng. Để không gặp phải băn khoăn này thì điều bố mẹ cần làm là chăm sóc kỹ lưỡng hàm răng sữa của bé.
Ở độ tuổi này, ngoài vấn đề răng miệng, bé sẽ có thể mắc phải nhiều bệnh lý khác. Ở giai đoạn từ 3-6 tuổi, bé rất hiếu động, thích quan sát, khám phá. Sức khỏe của bé cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, rất dễ mắc phải các bệnh lý về răng miệng, tai – mũi – họng, thị lực, dinh dưỡng, chiều cao, viêm gan B... giống như người lớn. Các bác sĩ khuyến cáo từ 4 tuổi, bé nên được khám sức khỏe định kỳ 1 năm/ lần như người lớn để kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường về sức khỏe. Đặc biệt, khi bé có những triệu chứng mệt, biếng ăn hoặc bỏ ăn thì nên cho bé đi khám chuyên khoa ngay để được tư vấn, theo dõi và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.