Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đỗ Ngọc Diệp - Bác sĩ Sơ sinh - Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Trật khớp háng bẩm sinh là khi trẻ chào đời khớp háng ở tình trạng không ổn định, do sự hình thành bất thường ở khớp háng trong giai đoạn đầu phát triển của thai nhi. Đây là dị tật bẩm sinh hiếm gặp, nếu không được thăm khám và can thiệp sớm có thể để lại các di chứng về cơ xương khớp, biến dạng khung xương chậu ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản ở bé gái.
1. Trật khớp háng bẩm sinh (Congenital Dislocation of the Hip = CDH) là gì?
Trật khớp háng bẩm sinh là dị tật đầu trên xương đùi không khớp một cách chính xác với ổ khớp trên xương chậu hoặc nằm trật ra phía ngoài ổ khớp. Khớp háng có thể bị trật một bên hoặc cả 2 bên. Tỉ lệ mắc tật này là 1/800 – 1000 trẻ sơ sinh, xảy ra ở nữ nhiều hơn ở nam.
Ngày nay, nhiều tác giả quan niệm đây là một nhóm bệnh lý của khớp háng, với tên gọi “Loạn sản của khớp háng trong quá trình phát triển” Developmental Dysplasia of the Hip (DDH).
2. Yếu tố nguy cơ bị trật khớp háng là gì?
Những trường hợp sinh ngôi mông hoặc con so dễ bị trật khớp háng hơn. Ngoài ra, bé gái có nguy cơ bị trật khớp háng bẩm sinh cao hơn bé trai. Một yếu tố khác làm tăng nguy cơ trật khớp háng là do nội tiết của mẹ, đặc tính lỏng lẻo của bao khớp và dây chằng khớp háng.
Trật khớp háng có thể phát hiện ngay sau sinh hoặc một vài tuần đầu sau sinh với các dấu hiệu sau:
- Giới hạn cử động dạng khớp háng
- Vị trí đầu gối không đều nhau.
- Các nếp gấp không cân xứng.
- Chi bên trật khớp ngắn hơn bên lành
3. Các biện pháp phát hiện trật khớp háng bẩm sinh
Các biện pháp phát hiện trật khớp háng bẩm sinh như sau:
- Nghiệm pháp Ortolani dương tính: Phần đùi của khớp đang được kiểm tra bị dạng ra (tức là đầu gối được di chuyển ra khỏi đường giữa thành vị trí của chân ếch) và nhẹ nhàng kéo ra phía trước. Sự bất thường được biểu thị bằng việc đầu xương đùi có thể nhìn thấy rõ ràng, nghe được, rìa qua rìa sau ổ cối và đặt lại trong khoang.
- Nghiệm pháp Barlow dương tính: Khớp háng được quay trở lại vị trí bắt đầu và sau đó được đưa ra một chút (tức là đầu gối được kéo ra phía bên đối diện cơ thể) và đùi bị đẩy về phía sau. Âm thanh lạo xạo chỉ ra rằng đầu xương đùi đang di chuyển ra khỏi ổ cối.
Theo đó, nếu trật 1 bên thì nếp lằn mông mất cân xứng và chi dài không đều nhau. Nếu trật cả 2 bên thì giới hạn tầm vận động cả 2 khớp háng.
4. Những biến chứng của trật khớp háng bẩm sinh là gì?
Nếu trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh mà không được điều trị thì sẽ để lại biến chứng nặng nề như:
- Thoái hóa khớp háng
- Dáng đi trở nên bất thường
- Hai chân có chiều dài không cân xứng: điều này khiến trẻ trở nên chậm chạp ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
- Đối với trẻ gái, trật khớp háng sẽ gây biến dạng khung chậu làm ảnh hưởng đến vấn đề sinh đẻ sau này.
- Trật khớp háng có thể gây gù, vẹo cột sống do tình trạng bất cân xứng của chi dưới
- Nếp lằn mông và chiều dài hai chân không đều nhau ở trẻ trật khớp háng bẩm sinh.
5. Điều trị trật khớp háng bẩm sinh
5.1 Phục hồi chức năng
Nếu được phát hiện và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng trật khớp háng bẩm sinh sớm thì kết quả hồi phục chiếm tỉ lệ hơn 96%, tránh nguy cơ tàn tật cho trẻ về sau. Trẻ được phát hiện và tập vật lý trị liệu trước 4 tháng tuổi và lý tưởng nhất là trước một tháng tuổi.
Trẻ dưới một tháng tuổi ngủ nhiều, ít cử động nên khi đặt tã với một cục mút để dạng khớp háng sẽ có hiệu quả rất tốt. Việc điều trị chỉ đơn giản là duy trì vị trí của khớp háng trong tư thế đầu gối co lên và giạng ra phía ngoài trong khoảng 2 tháng Tuy nhiên, việc điều trị nên kéo dài cho tới khi kết quả X-quang và siêu âm cho thấy đầu trên xương đùi đã ở vị trí bình thường. Tư thế này giúp duy trì vị trí chính xác của đầu trên xương đùi và kích thích ổ khớp phát triển bình thường.
Đối với trẻ được phát hiện từ 1 đến 6 tháng tuổi: việc điều trị cũng được thực hiện theo cách trên để nắn đầu trên xương đùi vào ổ khớp và thông thường sau từ 3 đến 4 tuần đầu trên xương đùi sẽ trở lại vị trí bình thường. Kỹ thuật này cho phép thành công từ 90 đến 95% trường hợp.
Theo đó, các bậc cha mẹ có thể làm ở nhà những biện pháp sau:
- Giữ trẻ ở tư thế dạng rộng khớp háng và gập gối bằng cách:
- Đóng bỉm vệ sinh.
- Cõng hoặc địu trẻ.
- Đặt trẻ nằm sấp khi ngủ.
5.2 Nẹp chỉnh hình
Các loại nẹp hay dùng điều trị trật khớp háng bẩm sinh như sau:
- Nẹp Pavlik Harness: Là loại nẹp, đai mềm, được ưa thích và chỉ định rộng rãi nhất.
- Nẹp kiểu gối Freijke: Là loại nẹp tiện dụng, chỉ định cho những trường hợp khớp háng lỏng lẻo.
- Nẹp khớp háng làm bằng xốp mềm: Là loại nẹp hiện đang được sản xuất và chỉ định điều trị tại Khoa phục hồi chức năng viện Nhi.
- Thời gian đeo nẹp: Ngay sau sinh đến khi trẻ 1 tuổi. Liên tục đeo cả ngày và đêm trong 6 tháng đầu và eo nẹp vào đêm trong 6 tháng tiếp theo.
5.3 Bó bột chỉnh hình
- Chỉ định: Tất cả trẻ được chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh đến sớm trước 6 tháng.
- Nguyên liệu: Vải cotton hoặc giấy vệ sinh, bột bó
- Thuốc: Thuốc giảm đau (Paracetamol, Efferangan..), thuốc khử trùng (Betadin)
- Người bệnh: Trẻ được đặt nằm trên bàn bó bột, bộc lộ toàn bộ vùng thắt lưng và chi dưới
Trong trường hợp, phát hiện muộn, trẻ đã biết đi, cha mẹ đưa trẻ đến bệnh viện với lý do chân trẻ đi khập khiễng. Nếu đến sớm trẻ sẽ được kéo tạ, bó bột để cố định khớp háng trong 3 tháng. Sau thời gian này, nếu khớp háng không hồi phục thì sẽ đợi chỉ định phẫu thuật theo thời gian các bác sĩ thăm khám, dù phải phẫu thuật thì phẫu thuật ở độ tuổi này là đơn giản (không phải cắt xương đùi, thời gian phẫu thuật ngắn) và khả năng phục hồi cao.
Còn khi trẻ đã biết đi, thậm chí hơn 10 tuổi cũng vẫn thực hiện được phẫu thuật nhưng tuổi càng lớn khả năng phục hồi càng kém. Trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh càng điều trị trễ càng có nguy cơ bị hoại tử chỏm cao. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh trật khớp háng bẩm sinh. Nếu trẻ không điều trị về sau sẽ gây đau đớn khi đi lại, bị vẹo cột sống, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp gối...
6. Theo dõi
Theo dõi sau bó bột tại nhà: Nếu các ngón chân của trẻ sưng, tím, đau thì các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế tháo bột ngay tránh hoại tử.
Theo dõi tai biến:
- Gây tỳ đè dẫn đến viêm hoặc loét da và tổ chức dưới da
- Tổn thương phần mềm như gân, cơ, dây chằng.
- Teo cơ và giảm vận động do bất động lâu
Theo dõi bệnh nhân thường quy bằng cách thăm khám, chụp khớp háng kiểm tra 3 tháng/lần trong 2 năm đầu. Vì là một kỹ thuật khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, do đó bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện uy tín, có đội ngũ y bác sĩ trình độ tốt, trang thiết bị hiện đại để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:
- Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
- Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
- Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
- Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
>>Xem thêm: Siêu âm chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh- Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.