Trào ngược dạ dày gây tiêu chảy không phải là một tình trạng phổ biến nhưng nếu xảy ra có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tình trạng này thường liên quan thói quen sinh hoạt, ăn uống, tinh thần cũng như bệnh lý tiêu hoá. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết nguyên nhân cũng như biến chứng của tình trạng sức khoẻ trên trong bài viết này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan trào ngược dạ dày gây ra tiêu chảy
Trào ngược dạ dày hay còn gọi là trào ngược axit, là hiện tượng axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản gây kích thích và tổn thương niêm mạc thực quản, làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu. Vậy trào ngược dạ dày có gây ra tiêu chảy không? Câu trả lời là "Có".
Khi trào ngược dạ dày xảy ra, các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, nôn mửa, chán ăn sẽ xuất hiện. Dạ dày khi bị tổn thương sẽ làm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn hiệu quả khiến thức ăn không được phân hủy hoàn toàn. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây áp lực lên đại tràng và tá tràng, làm rối loạn chức năng của đường ruột, cuối cùng dẫn đến tiêu chảy. Do đó, trào ngược dạ dày không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu ở thực quản mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ hệ tiêu hóa.
2. Tình trạng trào ngược dạ dày gây tiêu chảy là do đâu?
Trào ngược dạ dày gây tiêu chảy có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, tác dụng phụ của thuốc, dị ứng thực phẩm và tâm lý căng thẳng.
2.1 Thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh
Các thói quen sau đây có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa và dạ dày, gây trào ngược dạ dày:
- Lạm dụng bia rượu và các chất kích thích như thuốc lá.
- Tiêu thụ thực phẩm có tính axit cao, cay nóng hoặc ăn nhiều đồ ăn nhanh.
- Nhịn ăn hoặc ăn quá nhiều một lúc.
- Ăn khuya và vận động mạnh ngay sau khi ăn.
- Tâm lý thường xuyên căng thẳng và lo âu.
2.2 Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc bao gồm thuốc ức chế tiết axit, thuốc giảm đau, kháng sinh và thuốc chống viêm, có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn trên niêm mạc dạ dày. Các loại thuốc này có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, táo bón và tiêu chảy. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, sự tổn thương này có thể tiến triển thành xuất huyết tiêu hóa và viêm loét niêm mạc dạ dày.
2.3 Dị ứng thực phẩm
Khi tiêu thụ thực phẩm mà cơ thể mẫn cảm hoặc dị ứng, hệ miễn dịch phản ứng bằng cách phóng thích histamine vào niêm mạc và da. Histamine là một chất trung gian hóa học có thể kích thích phản ứng viêm và co thắt các mô, bao gồm cả niêm mạc của các cơ quan tiêu hóa và hô hấp. Do đó, sự tăng tiết histamine có thể gây ra các triệu chứng như đau thượng vị, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
2.4 Tâm lý căng thẳng
Tâm lý lo âu và căng thẳng không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây ra các bệnh lý về thần kinh mà còn có thể dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày gây tiêu chảy.
Khi lo lắng quá mức, áp lực tâm lý sẽ tác động lên dạ dày làm giảm khả năng co bóp của cơ dạ dày, gây đau và khó chịu. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như tiêu chảy do chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng.
2.5 Bệnh lý tiêu hoá ảnh hưởng trào ngược dạ dày gây tiêu chảy
Các bệnh lý về tiêu hóa có thể gây ra trào ngược và tiêu chảy, bao gồm:
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Viêm loét dạ dày tá tràng là một bệnh lý phổ biến gây đầy hơi, chướng bụng, ăn uống kém, tiêu chảy, sụt cân và tình trạng người xanh xao.
- Hội chứng Zollinger-Ellison: Zollinger-Ellison là một tình trạng hiếm gặp gây ra chứng rối loạn tiêu hóa, ợ chua, buồn nôn, tiêu chảy và đau thượng vị.
- Hội chứng ruột kích thích: Đây là một rối loạn chức năng ruột phổ biến gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy.
3. Khác biệt giữa tiêu chảy do rối loạn tiêu hoá và do trào ngược dạ dày
Tiêu chảy có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có rối loạn tiêu hóa và trào ngược dạ dày. Mỗi nguyên nhân này có những đặc điểm riêng biệt cả về triệu chứng lẫn cách điều trị.
3.1 Tiêu chảy do trào ngược dạ dày
- Tần suất: Từ 1 đến 2 lần mỗi ngày, nặng hơn có thể từ 3 đến 5 lần.
- Vị trí đau: Thường là đau vùng thượng vị.
- Thời điểm xảy ra: Sau khoảng 60 phút sau khi ăn.
- Đặc điểm của phân: Phân lỏng, có mùi hôi khó chịu, không có chất nhầy.
- Tiên lượng: Điều trị có thể kéo dài và chỉ làm giảm bớt triệu chứng.
3.2 Tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa
- Tần suất: Hơn 5 lần mỗi ngày.
- Vị trí đau: Đau ở vùng bụng dưới rốn.
- Thời điểm xảy ra: Bất kỳ lúc nào trong ngày.
- Đặc điểm của phân: Phân lỏng, có thể có máu tươi hoặc chất nhầy.
- Tiên lượng: Thời gian điều trị ngắn hơn và có thể khỏi hoàn toàn nếu nguyên nhân gây bệnh được loại bỏ.
4. Biến chứng của trào ngược dạ dày gây tiêu chảy
Khi trào ngược dạ dày gây tiêu chảy kéo dài mà không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng:
4.1 Mất nước
Tiêu chảy liên tục sẽ khiến cơ thể mất nhiều nước và điện giải, dẫn đến tình trạng mất nước nặng.
Nếu không được bổ sung nước và điện giải kịp thời, tình trạng này có thể gây sốc và thậm chí tử vong.
4.2 Suy nhược cơ thể và sụt cân
Do tiêu hóa kém, cơ thể không hấp thụ đủ dưỡng chất dẫn đến suy nhược và sụt cân. Thể trạng yếu ớt cũng khiến các triệu chứng tiêu hóa trở nên tồi tệ hơn và xuất hiện thường xuyên hơn.
4.3 Xuất huyết tiêu hóa
Các ổ viêm loét trong dạ dày có thể trở nên trầm trọng hơn, làm vỡ các mạch máu và gây chảy máu. Tiêu chảy kéo dài cũng có thể gây tổn thương niêm mạc ruột và dẫn đến tình trạng xuất huyết.
4.4 Tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ
Trào ngược dạ dày và tiêu chảy kéo dài có thể làm tăng áp lực lên vùng hậu môn và trực tràng, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trĩ.
4.5 Ảnh hưởng đến cuộc sống
Các triệu chứng kéo dài và thường xuyên của tiêu chảy sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt và công việc hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.