Trào ngược dạ dày có nên ăn khoai lang không khi đây là một loại thực phẩm rất phổ biến và giàu dinh dưỡng. Trào ngược dạ dày có thể khiến cho người bệnh vô cùng khó chịu trong mỗi bữa ăn nhưng khoai lang lại là một thực phẩm khá lành tính và nhiều dinh dưỡng. Vì thế, nhiều người bệnh đã tự hỏi rằng liệu trào ngược dạ dày có ăn được khoai lang hay không.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày hay trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý về hệ tiêu hoá. Bệnh xảy ra khi dịch tiêu hoá trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Cùng với đó, tính axit của dịch tiêu hoá sẽ gây kích ứng, dẫn tới nhiều bệnh lý khác như viêm, loét.
Trước khi tìm hiểu về vấn đề trào ngược dạ dày có nên ăn khoai lang không, cần biết được các chất dinh dưỡng trong khoai lang. Không chỉ phổ biến, khoai lang còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt. Có thể kể đến như sau:
- Tinh bột và chất xơ: Khoai lang chứa rất nhiều tinh bột và chất xơ. Cả hai chất này sẽ giúp trung hoà axit và tạo ra một lớp màng bảo vệ cho dạ dày. Lớp màng này sẽ hỗ trợ giảm thiểu tình trạng viêm loét. Cùng với đó, chất xơ sẽ hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hoá của người bệnh.
- Magie: Magie có trong khoai lang sẽ hỗ trợ ngăn ngừa căng thẳng và đau vùng thượng vị.
- Mangan: Đây là một loại khoáng chất có khả năng hỗ trợ quá trình trao đổi chất tốt hơn.
- Beta-caroten: Khoai lang có chứa beta-carotene giúp giảm đau, giảm viêm. Ngoài ra, chất này còn giúp bảo vệ dạ dày khỏi tác độc oxy hoá từ các gốc tự do.
- Vitamin B6: Đây là một vitamin quan trọng trong quá trình chuyển hoá các chất dinh dưỡng. Không những vậy, vitamin này còn giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể.
- Vitamin A: Vitamin này có khả năng giảm viêm, thúc đẩy quá trình lành vết thương. Hệ miễn dịch của cơ thể cũng được cải thiện rất nhiều nhờ hấp thu loại vitamin này.
- Vitamin C: Vitamin C cũng có khả năng tăng cường hệ miễn dịch. Cùng với đó, đây là một vitamin đóng góp vào quá trình phục hồi tổn thương ở niêm mạc.
- Vitamin E: Đây cũng là một loại vitamin tốt cho cơ thể và hỗ trợ quá trình phục hồi tổn thương.
2. Trào ngược dạ dày có nên ăn khoai lang không?
Theo các chuyên gia, ăn khoai lang một cách hợp lý có thể giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên, cần nấu chín khoai lang để ăn chứ không được ăn sống. Việc ăn khoai lang sống có thể tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người bệnh.
Bên cạnh đó, có một số điểm mà người bệnh cần chú ý trong khi ăn khoai lang như:
- Ăn vừa đủ: Theo các chuyên gia khuyến nghị, 100gr khoai lang là vừa đủ. Việc ăn quá nhiều có thể gây áp lực lên dạ dày vì cơ thể sản sinh nhiều khí carbon dioxide.
- Ăn chín: Tinh bột trong khoai sẽ gây khó tiêu nếu chưa được nấu chín. Cùng với đó, các loại enzyme tồn tại trong khoai lang sống sẽ có thể gây ợ chua và buồn nôn.
- Không nên ăn trước khi ngủ: Khoai lang khó tiêu và dễ gây đầy bụng. Do đó, người bệnh không nên ăn trước khi ngủ để tránh mất ngủ.
Ngoài phương pháp luộc như bình thường, người bệnh có thể thử nhiều cách nấu khác. Nấu chè, nấu canh hay hấp là những cách chế biến không làm mất đi dinh dưỡng của khoai. Khi chế biến, người bệnh cũng nên nấu khoai quá lâu để tránh mất dinh dưỡng.
Dưới đây là một số gợi ý về các món ăn từ khoai lang mà người bệnh có thể tham khảo.
2.1 Súp xương gà
Đây là một món ăn thanh đạm, đủ dinh dưỡng.
- Rửa sạch xương gà, sau đó cho vào nồi nấu cùng 600ml nước.
- Cho bơ vào nồi, sau đó cho tỏi, hành tây và đảo đều tay cho thơm.
- Cho nước hầm xương gà và khoai lang vào nồi, nấu đến khi nào khoai mềm là được.
- Nêm nếm gia vị lần cuối cho vừa miệng là có thể ăn ngay.
2.2 Khoai lang hầm xương
Đây là một món ăn có nhiều lợi ích cũng như chất dinh dưỡng. Cách làm như sau:
- Chuẩn bị một ít xương sườn và khoai lang, hành, gia vị. Rửa sạch các nguyên liệu.
- Phi thơm một ít hành, sau đó cho nước vào đun sôi. Cho sườn vào hầm trong khoảng 15 phút.
- Cuối cùng, cho khoai lang vào nồi và đun nhỏ lửa đến khi khoai mềm.
- Nêm nếm thêm gia vị sao cho vừa ăn rồi tắt bếp.
2.3 Khoai lang trộn gừng
Đây là một món ăn khá kích thích vị giác và cũng vô cùng dễ để thực hiện. Cách làm như sau:
- Hấp chín một ít khoai lang.
- Phi thơm một ít gừng, hành và tỏi băm.
- Cho hỗn hợp vừa phi thơm vào khoai lang và trộn thật đều. Người bệnh có thể nêm thêm gia vị cho vừa ăn.
Tóm lại, khoai lang là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bị trào ngược dạ dày, người bệnh cần lưu ý cách tiêu thụ khoai lang để tránh làm tăng triệu chứng. Nên ăn khoai lang với lượng vừa phải, kết hợp với các loại thực phẩm khác để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Hãy chú ý đến cách chế biến, ưu tiên các phương pháp nấu chín mềm như hấp hoặc luộc, để dễ tiêu hóa hơn. Nếu có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào sau khi ăn, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.