Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, đặc trưng bởi sự buồn chán, mất hứng thú hoặc niềm vui, ngủ không yên giấc hoặc chán ăn, cảm giác mệt mỏi và kém tập trung. Theo đó, trầm cảm trong giai đoạn mang thai sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.
1. Mối nguy hiểm giữa trầm cảm và thai kỳ như thế nào?
Trầm cảm trong khi mang thai có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho bà mẹ và thai nhi. Sản phụ bị trầm cảm thường ít quan tâm đến việc khám thai, ít chú ý, chăm sóc bản thân và tăng cân chậm so với người không bị trầm cảm.
Chính vì vậy, sự phát triển của thai nhi cũng có nhiều ảnh hưởng và gián tiếp tác động xấu đến sức khỏe của trẻ sơ sinh khi chào đời. Hơn thế nữa, phụ nữ bị trầm cảm trong khi mang thai, nếu rơi vào tình trạng trầm cảm kéo dài, không chỉ mất dần khả năng chăm sóc bản thân mà còn có thể dẫn đến các ý tưởng, hành vi tự sát.
Dù vậy, thực tế là hầu hết phụ nữ đang mang thai không nhận ra hoặc không biết về các triệu chứng trầm cảm mà họ có thể đang gặp phải. Một số phụ nữ nhận ra những triệu chứng của trầm cảm nhưng lại không tìm kiếm nguồn hỗ trợ. Khi các triệu chứng chuyển nặng, họ mới tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhiều nguồn khác nhau và họ tìm kiếm nguồn hỗ trợ nhiều nhất từ chồng, gia đình và bạn bè. Một số phụ nữ khác thảo luận với nhân viên y tế, người chăm sóc sức khỏe cho mẹ và em bé về các triệu chứng trầm cảm của họ. Tuy nhiên, đa số các trường hợp là không được thỏa mãn hoàn toàn.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến trầm cảm trong khi mang thai là lo âu, sức khỏe hay giới tính thai nhi, tiền sử trầm cảm hay rối loạn tâm thần, tiền sử có các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến mang thai và sinh con, mối quan hệ hôn nhân - gia đình - xã hội, bạo lực gia đình, đặc điểm văn hóa - xã hội, sự hỗ trợ từ bên ngoài...
2. Dấu hiệu trầm cảm khi mang thai
Rối loạn trầm cảm có biểu hiện khá đa dạng, bao gồm các cảm giác buồn chán, chán nản, lo âu, mất ngủ, bi quan... thậm chí cả hành vi làm hại chính mình hoặc ý định tự tử. Tuy vậy, để xác định có trầm cảm hay không lại được đánh giá qua rất nhiều cách tiếp cận, như công cụ chẩn đoán và phân loại các rối loạn tâm thần của Hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ, Bảng Phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 của Tổ chức Y tế Thế giới.
Bên cạnh đó, hiện nay, có rất nhiều thang đo sàng lọc và chẩn đoán trầm cảm đang được nghiên cứu và ngày càng hoàn thiện. Mỗi thang đo đều có hướng dẫn cụ thể và đưa ra ngưỡng để phân loại trầm cảm phù hợp. Trong đó, thang điểm Edinburgh Postnatal Depression Scale đang được dùng rất phổ biến, gồm 10 câu hỏi giúp tìm hiểu về tâm trạng của phụ nữ trong vòng 7 ngày qua. Tổng điểm cho 10 câu hỏi từ 0 đến 30 điểm. Từ 10/30 điểm trở lên là xác định có trầm cảm. Nếu điểm càng cao thì mức độ trầm cảm càng nặng. Nội dung thang điểm:
Trong 7 ngày qua
1.Tôi có thể cười và thấy mặt hài hước của thế giới xung quanh
- Vẫn nhiều như trước kia: 0 điểm
- Không hẳn là nhiều như trước: 1 điểm
- Chắc chắn là không nhiều như trước: 2 điểm
- Không một chút nào: 3 điểm
2.Tôi trông đợi mọi thứ với sự háo hức, vui thích
- Vẫn nhiều như tôi đã từng: 0 điểm
- Ít hơn như tôi đã từng: 1 điểm
- Chắc chắn là ít hơn như tôi đã từng: 2 điểm
- Không một chút nào: 3 điểm
3.Tôi đổ lỗi cho bản thân một cách không cần thiết khi có vấn đề xảy ra
- Đúng, hầu hết các lần: 0 điểm
- Đúng, một số lần: 1 điểm
- Không thường xuyên: 2 điểm
- Chưa bao giờ: 3 điểm
4.Tôi lo lắng không lý do
- Không một chút nào: 0 điểm
- Hiếm khi: 1 điểm
- Một số lần: 2 điểm
- Rất thường xuyên: 3 điểm
5.Tôi sợ hãi, hoảng loạn mà không có lý do xác đáng
- Khá thường xuyên: 0 điểm
- Thỉnh thoảng: 1 điểm
- Hiếm khi: 2 điểm
- Không bao giờ: 3 điểm
6.Mọi việc trở nên khó khăn với tôi
- Đúng, hầu hết là tôi không thể xoay sở được: 0 điểm
- Đúng, thỉnh thoảng tôi không thể xoay sở tốt như trước đây: 1 điểm
- Không, hầu hết là tôi giải quyết ổn thỏa: 2 điểm
- Không, vẫn như trước: 3 điểm
7.Tôi không vui đến mức khó ngủ - mất ngủ
- Đúng, đa số các lần: 0 điểm
- Đúng, một số lần: 1 điểm
- Không thường xuyên: 2 điểm
- Không một chút nào: 3 điểm
8.Tôi cảm thấy buồn bã, khổ sở
- Đúng, đa số thời gian: 0 điểm
- Đúng, khá thường xuyên: 1 điểm
- Không thường xuyên: 2 điểm
- Không một chút nào: 3 điểm
9.Tôi buồn đến mức phát khóc (khóc thật)
- Đúng, đa số thời gian: 0 điểm
- Đúng, khá thường xuyên: 1 điểm
- Không thường xuyên: 2 điểm
- Không một chút nào: 3 điểm
10.Ý nghĩ tự làm hại (làm đau) mình đã từng diễn ra trong đầu tôi
- Đúng, thường xuyên: 0 điểm
- Thỉnh thoảng: 1 điểm
- Hiếm khi: 2 điểm
- Không bao giờ: 3 điểm
3. Các biện pháp phòng tránh trầm cảm khi mang thai
Trầm cảm khi mang thai là rối loạn tâm thần có thể phòng ngừa được nếu bản thân sản phụ, người chồng và cả gia đình được trang bị kiến thức tiền sản tốt. Một thai kỳ được lên kế hoạch và chuẩn bị đón chào chắc chắn sẽ thuận lợi hơn những gì ngoài dự tính. Người phụ nữ cần biết trước những khó khăn khi thay đổi thể trạng - tâm lý khi mang thai và sinh con để nhanh chóng hòa nhập, tránh những “cú sốc” không mong muốn.
Bên cạnh đó, một thực đơn dinh dưỡng đa dạng cùng chế độ nghỉ ngơi phù hợp sẽ giúp sản phụ đầy đủ năng lượng cho sự hình thành và phát triển bé với tâm trạng vui tươi và thoải mái nhất.
Trầm cảm khi mang thai là các rối loạn tâm lý thường gặp khi cơ thể có nhiều xáo trộn do thai kỳ. Những hiểu biết như đã trình bày bên trên và sự cảm thông, giúp đỡ từ các thành viên khác trong gia đình sẽ giúp các bà bầu tránh khỏi tình trạng này. Khi đó, hành trang mang thai sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.