Bài viết được duyệt chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Ngày càng nhiều bà mẹ đối mặt với những cảm xúc thay đổi thất thường, rối loạn tâm lý sau sinh. Nhưng liệu cảm giác buồn chán sau khi sinh bạn đang gặp phải chỉ là tâm trạng nhất thời, hay là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như trầm cảm sau sinh?
1. Những rối loạn tâm lý sau sinh
Có con là một thay đổi lớn trong cuộc đời một phụ nữ. Nhiều người sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự hào về thành viên mới của gia đình mình, nhưng cũng có không ít bà mẹ lại cảm thấy thất vọng và quá sức chịu đựng. Những rối loạn tâm lý sau sinh này là hoàn toàn bình thường nếu chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn.
Sau khi sinh con, lượng hormone của phụ nữ giảm xuống làm ảnh hưởng đến tâm trạng. Giờ giấc sinh hoạt của trẻ sơ sinh có thể rất khác thường, khiến người mẹ không ngủ đủ giấc. Lo lắng về việc chăm sóc con nhỏ cũng khiến phụ nữ phải đối mặt với một loại căng thẳng chưa từng gặp trước đây. Đây là những yếu tố làm cho người mẹ mới trở nên cáu kỉnh hơn.
Có đến 80% các bà mẹ mới sinh mắc hội chứng “baby blues” - tâm trạng suy sụp trong thời gian ngắn do tất cả những thay đổi về thể chất, tinh thần và cuộc sống khi vừa mới sinh em bé. Những cảm giác này thường bắt đầu khi con bạn mới được 2 - 3 ngày tuổi. Người mẹ có thể cảm thấy tốt hơn sau 1 - 2 tuần kể từ khi em bé chào đời, lúc mà mọi thứ đã dần đi vào quỹ đạo,
Nếu cảm giác buồn bã của bạn kéo dài hơn hoặc trở nên tồi tệ hơn chứ không cải thiện dần, bạn có thể mắc chứng trầm cảm sau sinh. Tình trạng này nghiêm trọng và kéo dài hơn so với baby blues, gặp phải ở khoảng 10% phụ nữ mới sinh con. Bạn có nhiều khả năng bị trầm cảm sau sinh nếu đã từng mắc chứng trầm cảm hoặc có người thân trong gia đình bị bệnh này.
2. Phân biệt baby blues và trầm cảm sau sinh
2.1. Triệu chứng Baby Blues
Đối với nhiều phụ nữ, "baby blues" trôi qua nhanh chóng, xuất hiện ngay sau khi sinh con với đặc điểm là thay đổi tâm trạng nhanh chóng chuyển từ rất vui đến rất buồn. Một số phụ nữ có thể khóc mà không rõ lý do, hoặc cảm thấy mất kiên nhẫn, cáu kỉnh, bồn chồn, lo lắng hoặc cô đơn...
Triệu chứng điển hình của giai đoạn này:
- Tâm trạng thay đổi nhanh chóng từ vui sang buồn. Bạn vừa mới cảm thấy tự hào về thiên chức làm mẹ của mình, liền ngay sau đó bạn lại khóc vì nghĩ rằng mình không hoàn thành tốt nhiệm vụ
- Không muốn ăn uống hoặc chăm sóc bản thân vì đã kiệt sức
- Cảm thấy cáu kỉnh, quá sức chịu đựng và lo lắng.
Những cảm giác này có thể chỉ kéo dài vài giờ, hoặc trong 1 - 2 tuần sau khi sinh. Tuy nhiên, có những trường hợp rối loạn tâm lý sau sinh không thuyên giảm theo thời gian, mà lại trở nên ngày càng tồi tệ hơn.
2.2. Triệu chứng trầm cảm sau sinh
Một số phụ nữ bị trầm cảm sau sinh (PPD) có thể buồn bã hoặc thấy bản thân không xứng đáng trong thời gian dài, giảm khả năng tập trung hoặc mất trí nhớ và bơ phờ. Cảm giác có thể tương tự như baby blues, nhưng mãnh liệt hơn. Vài người mẹ mới sinh cũng cảm thấy tội lỗi vì không thể gắn bó và gần gũi với con của mình.
Biểu hiện cụ thể như sau:
- Luôn cảm thấy tuyệt vọng, buồn bã, vô dụng hoặc cô đơn và thường xuyên khóc
- Cảm thấy bản thân làm không tốt trách nhiệm của một người mẹ
- Không thể gắn bó và gần gũi với đứa bé mới sinh
- Không thể ăn, ngủ hay chăm sóc con vì quá tuyệt vọng
- Có thể bị lo lắng và hoảng sợ.
Trầm cảm sau sinh có thể xuất hiện ngay sau khi sinh hoặc vài tháng sau đó, không chỉ gặp ở phụ nữ sinh con lần đầu, mà còn với những lần tiếp theo. Khi khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của phụ nữ bị ảnh hưởng bởi những cảm giác này, cô ấy có thể mắc chứng trầm cảm sau sinh.
3. Cách kiểm soát chứng Baby Blues
Tình trạng Baby Blues thường là do thay đổi nồng độ hormone, nhưng cũng có thể do kỳ vọng của người mẹ không được đáp ứng, và thực tế của việc chăm sóc trẻ chu sinh quá vất vả, hoặc kết hợp cả ba yếu tố. Không giống như trầm cảm sau sinh, baby blues khá phổ biến và không cần điều trị.
Phụ nữ sau sinh sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn nếu chịu lắng nghe cơ thể của chính mình trong thời gian căng thẳng này. Cụ thể là:
- Ngủ nhiều nhất có thể và tranh thủ nghỉ ngơi khi trẻ ngủ trưa
- Ăn những thực phẩm lành mạnh
- Đi dạo, tập thể dục, hít thở không khí trong lành và tiếp xúc với ánh nắng buổi sáng tự nhiên
- Chấp nhận sự giúp đỡ khi mọi người đề nghị
- Thư giãn, đừng lo lắng về việc nhà. Thay vào đó là chỉ tập trung vào bản thân và em bé.
4. Cách điều trị trầm cảm sau sinh
Các nhà nghiên cứu tin rằng sự thay đổi nồng độ hormone sau khi sinh đóng một vai trò phát triển chứng trầm cảm. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc brexanolone (Zulresso), một phiên bản tổng hợp mới của hormone allopregnanolone. Thuốc này được công nhận là có hiệu quả làm giảm các triệu chứng trầm cảm sau sinh. Bạn cũng có thể được tư vấn tâm lý hoặc chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm để kiểm soát các triệu chứng.
Nồng độ hormone tuyến giáp giảm thời kỳ hậu sản sẽ gây ra các triệu chứng tương tự trầm cảm sau sinh. Các vấn đề về tuyến giáp cũng có thể được điều trị bằng thuốc.
Một loại hiện tượng hậu sản thứ ba cần xem xét là rối loạn tâm thần sau sinh, mặc dù ít gặp hơn nhưng là một bệnh nghiêm trọng. Rối loạn tâm thần xảy ra trong vòng vài ngày đến 3 tuần sau khi sinh, lâu nhất là ba tháng. Một phụ nữ bị rối loạn tâm lý sau sinh rời xa thực tế, thường có ảo giác hoặc hoang tưởng. May mắn là bệnh này cũng có thể được điều trị bằng thuốc.
Nếu bạn có các biểu hiện trầm cảm sau sinh hoặc chứng baby blues không thuyên giảm sau 2 tuần hậu sản, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Phụ nữ thường cố giấu, không muốn nói với bất kỳ ai về cảm giác chán nản sau khi sinh con. Tuy nhiên, việc cởi mở và điều trị sẽ giúp bạn sớm yêu đời trở lại. Vì vậy, điều quan trọng là phải nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia y tế.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, stanfordchildrens.org