Trầm cảm kéo dài và buồn bã: Khi nào đến gặp bác sĩ?

Cảm giác buồn bã không thoát ra được là một trong số những biểu hiện của tình trạng trầm cảm kéo dài nhiều người mắc phải. Những hệ quỵ trầm cảm, buồn bã không thoát ra được khiến nhiều người tự đặt ra câu hỏi khi nào cần đến gặp bác sĩ.

1. Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một trong số các rối loạn tâm trạng phổ biến và có thể là biểu hiện của tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Trầm cảm có thể có các triệu chứng cả về mặt tình cảm lẫn thể chất và ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân. Người bệnh thậm chí cảm thấy buồn và mất hứng thú với cuộc sống hoặc với những hoạt động từng mang lại cho họ niềm vui. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân cũng như trong công việc.

Trầm cảm không chỉ là nỗi buồn. Mọi người đều có thể cảm thấy mệt mỏi, buồn bã ngay cả khi không hề có chuyện gì xảy ra. Những phản ứng cảm xúc trước những thăng trầm của cuộc sống là điều tự nhiên. Bạn cảm thấy đau buồn khi mất người thân, mất việc hoặc thất vọng là điều bình thường. Đôi khi tâm trạng thấp không phải là trầm cảm, vì cảm xúc buồn cuối cùng sẽ biến mất.

Đôi khi bạn muốn ở một mình cũng là điều bình thường. Thời gian ngừng hoạt động có thể có lợi cho sức khỏe. Bạn có thể chỉ muốn thư giãn ở một nơi yên tĩnh để nạp năng lượng. Bạn không cần phải luôn luôn ở bên cạnh mọi người hoặc giao tiếp xã hội.

Trầm cảm có thể xảy ra một cách thường xuyên hoặc không. Bệnh nhân luôn có triệu chứng buồn bã và mất hứng thú với cuộc sống, điều này khiến bản thân càng tự thu mình đi mỗi ngày. Đôi khi họ tự nhận thức được điều này nhưng không thể tự khiến bản thân thoát ra khỏi chúng hoặc không thể tự kiểm soát được cảm xúc của mình.

2. Một số triệu chứng của trầm cảm

Nếu bạn hoặc người thân của bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này thường xuyên trong 2 tuần hoặc lâu hơn thì có thể đã mắc phải trầm cảm chứ không chỉ là nỗi buồn thông thường:

  • U sầu: Bản thân cảm thấy vô vọng, xanh xao hoặc trống rỗng bên trong. Bạn có thể bật khóc thường xuyên mà không có nguyên nhân rõ ràng. Bạn cảm thấy vô giá trị, tội lỗi hoặc hối tiếc về những điều đã làm trong quá khứ.
  • Anhedonia: Anhedonia là một triệu chứng phổ biến của trầm cảm lâm sàng. Đó là khi bạn mất khả năng tận hưởng những thứ đã từng mang lại cho bạn niềm vui. Bạn không còn tận hưởng những sở thích, môn thể thao hoặc bộ phim yêu thích của mình, ở bên người khác hoặc thậm chí là hoạt động tình dục.
  • Rối loạn giấc ngủ: Bạn có thể không ngủ ngon hoặc ngủ không sâu giấc. Mặc khác, khi đi vào giấc ngủ thì bạn cũng có thể ngủ quên hoặc không muốn ra khỏi giường.
  • Thiếu năng lượng: Bạn cảm thấy mệt mỏi và uể oải trong học tập hay công việc. Các hoạt động di chuyển hoặc phản xạ cũng cần thời gian dài hơn bình thường.
  • Vấn đề về cân nặng: Bạn có cảm giác chán ăn và cân nặng giảm sút không phải do những nguyên nhân khác. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể thèm ăn những loại thức ăn không lành mạnh và tăng cân .
  • Nhức mỏi cơ thể: Bạn có thể bị đau nhức cơ thể hoặc đau ở một số nơi như lưng hoặc đầu mà dường như không phải do nguyên nhân thực thể gây ra. Ngoài ra, bạn có thể bị chuột rút cơ hoặc đau bụng và cơn đau không thuyên giảm khi điều trị.
  • Không chăm sóc tốt bản thân: Bạn có thể không còn quan tâm đến bản thân hoặc cách ăn mặc của mình. Một số trường hợp điển hình có thể lười tắm hoặc mặc một bộ quần áo qua nhiều ngày.
  • Tâm trạng cáu kỉnh: Bạn có thể thường xuyên cáu gắt với mọi người, cảm thấy tức giận hoặc bực bội và bộc phát bằng lời nói chỉ vì những điều nhỏ nhặt.
  • Tâm trí không minh mẫn: Bạn gặp khó khăn cho các hoạt động đòi hỏi suy nghĩ rõ ràng hoặc ghi nhớ mọi thứ. Khả năng tập trung vào công việc và đưa ra quyết định cho các vấn đề của suy giảm.
  • Có ý nghĩ tự tử: Bạn có thể nghĩ về cái chết hoặc ý định muốn tự tử để thoát khỏi mọi thứ.

3. Ảnh hưởng của trầm cảm đến các lứa tuổi

Các triệu chứng trầm cảm có thể thay đổi ở các giai đoạn khác nhau của cuộc sống bao gồm:

  • Trẻ em bị trầm cảm có thể không muốn đến trường. Họ có thể không học tốt trong lớp hoặc điểm số bị giảm. Trẻ nhỏ hơn có thể bám vào cha mẹ và lo lắng về mọi thứ.
  • Thanh thiếu niên bị trầm cảm cũng có xu hướng muốn trốn học, bản thân có thể cực kỳ nhạy cảm, cảm thấy kém cỏi, ăn ngủ không yên. Lứa tuổi này có thể tìm những cách để tự làm hại bản thân như cắt da, đập đầu vào tường, nhổ tóc hoặc thậm chí là tự sát .
  • Người lớn tuổi có thể bị trầm cảm không được chẩn đoán sớm vì các triệu chứng của họ dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu lão hóa bình thường. Họ có thể muốn ở nhà mọi lúc và tránh mọi người, chán ăn, khó ngủ hoặc khó ghi nhớ mọi thứ, mệt mỏi hoặc đau đớn không phải do bệnh lý.

4. Điều trị trầm cảm như thế nào?

Nếu bạn nhận thấy rằng bản thân mình hoặc người thân có khả năng bị trầm cảm, hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Họ có thể chẩn đoán và đề xuất các phương pháp điều trị giúp cải thiện các triệu chứng.

Bác sĩ có thể khám sức khỏe và xem xét tiền sử bệnh tật của người bệnh và gia đình. Họ có thể chỉ định xét nghiệm máu để loại trừ nguyên nhân bệnh lý gây ra các triệu chứng. Ví dụ, một bệnh lý ở tuyến giáp cũng có thể gây ra mệt mỏi và tâm trạng kém. Ngoài ra, bác sĩ sẽ thống kê các triệu chứng thường gặp và cung cấp một bảng câu hỏi để bạn điền vào những cảm xúc và suy nghĩ buồn bã của mình. Họ cũng có thể xác định xem bạn có mắc một loại trầm cảm cụ thể nào không như trầm cảm u sầu, không điển hình hoặc trầm cảm theo mùa.

Bệnh trầm cảm có thể điều trị được bằng cách sử dụng thuốc theo đơn và liệu pháp tâm lý. Bạn cũng có thể đến gặp một nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần để được điều trị thêm.

Đừng cố gắng tự mình đối mặt với chứng trầm cảm hoặc lo lắng rằng người khác sẽ coi thường vì tình trạng hiện tại của bản thân. Thông qua việc đi khám trầm cảm, bạn có thể kiểm soát các triệu chứng trầm cảm của mình.

Nếu được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm, đừng cảm thấy xấu hổ vì trầm cảm hay các điều trị sức khỏe tâm thần không phải là một điều đáng bị kỳ thị. Đây chỉ là một tình trạng bệnh lý mà bất kể ai cũng có thể mắc phải.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe