Tổng quan về rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi các giai đoạn trầm và hưng cảm thay đổi lẫn nhau. Không rõ nguyên nhân chính xác gây bệnh, nhưng di truyền, hóa chất não và các yếu tố tâm lý - xã hội có thể đóng vai trò. Điều trị bao gồm dùng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý.

1. Bệnh rối loạn lưỡng cực là sao?

Rối loạn lưỡng cực - đôi khi còn được gọi là trầm hưng cảm, gây ra những thay đổi cực độ trong tâm trạng. Những người mắc chứng bệnh này có thể trải qua nhiều tuần cảm thấy rất tuyệt vời, sau đó lại rơi vào trạng thái trầm cảm. Thời gian vui vẻ và buồn bã khác nhau rất nhiều ở mỗi người.

  • Giai đoạn trầm cảm: Nếu không được điều trị, người bị rối loạn lưỡng cực có thể trải qua những giai đoạn trầm cảm dữ dội. Các triệu chứng bao gồm: buồn bã, lo lắng, mất năng lượng, tuyệt vọng và khó tập trung, hoặc mất hứng thú với những hoạt động đã từng yêu thích. Tăng hoặc giảm cân, ngủ quá nhiều hoặc quá ít và thậm chí nghĩ đến việc tự tử cũng là những dấu hiệu rất phổ biến.
  • Giai đoạn hưng cảm: Người bệnh cảm thấy tràn đầy năng lượng và nghĩ rằng mình có thể làm bất cứ điều gì. Lòng tự trọng tăng vọt ngoài tầm kiểm soát và họ khó có thể ngồi yên. Họ nói nhiều hơn, dễ bị phân tâm, liên tục suy nghĩ và ngủ không đủ giấc. Tình trạng này thường dẫn đến các hành vi như tiêu xài hoang phí, gian lận, lái xe nhanh và lạm dụng chất kích thích. Giai đoạn hưng cảm được xác định khi có nhiều hơn 3 triệu chứng trên, diễn ra mỗi ngày, kéo dài trong một tuần và kèm theo cảm giác hưng phấn dữ dội.

2. Bệnh rối loạn lưỡng cực loại I và loại II

Có 2 dạng rối loạn lưỡng cực, đó là:

  • Rối loạn lưỡng cực loại I: Người bệnh có giai đoạn hưng cảm hoàn toàn trong ít nhất 1 tuần, sau đó trải qua giai đoạn trầm cảm riêng biệt.
  • Rối loạn lưỡng cực loại II: Người bệnh sẽ trải qua những cơn trầm cảm nặng, nhưng không có cơn hưng cảm riêng biệt. Cơn hưng cảm của họ xảy ra ở mức độ thấp, ít dữ dội hơn và có thể chỉ xuất hiện dưới 1 tuần. Lúc này người bệnh cảm thấy ổn, mặc dù gia đình và bạn bè nhận thấy họ có thay đổi tâm trạng.

Khi những người bị rối loạn lưỡng cực có các triệu chứng trầm cảm và hưng cảm cùng một lúc hoặc rất gần nhau thì được gọi là giai đoạn hỗn hợp. Điều này có thể dẫn đến hành vi không thể đoán trước, chẳng hạn như đặt mình vào nguy hiểm khi cảm thấy tuyệt vọng, muốn tự tử hoặc tràn đầy sinh lực và bị kích động. Các giai đoạn tâm trạng hỗn hợp có thể phổ biến hơn ở phụ nữ và những người phát triển chứng rối loạn lưỡng cực khi còn trẻ.


Bệnh rối loạn lưỡng cực có những giai đoạn hưng cảm và trầm cảm
Bệnh rối loạn lưỡng cực có những giai đoạn hưng cảm và trầm cảm

3. Nguyên nhân chứng rối loạn lưỡng cực

Đến nay các bác sĩ vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra rối loạn lưỡng cực. Các lý thuyết hiện tại cho rằng bệnh phát sinh do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và sinh học cũng như môi trường. Trong khi đó, một số nhà khoa học cho rằng các mạch não liên quan đến việc điều chỉnh tâm trạng, năng lượng, suy nghĩ và nhịp điệu sinh học của những người bị rối loạn lưỡng cực có thể hoạt động bất thường, dẫn đến những thay đổi về tâm trạng và các triệu chứng khác của bệnh.

Cả nam và nữ giới đều có nguy cơ mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng thường bắt đầu ở độ tuổi từ 15 - 30, hiếm khi xuất hiện từ thời thơ ấu. Tình trạng này đôi khi có thể di truyền giữa các thế hệ trong các gia đình, ảnh hưởng đến một vài thành viên trong nhà chứ không phải là tất cả.

4. Ảnh hưởng của bệnh rối loạn lưỡng cực

Nếu không được kiểm soát, rối loạn lưỡng cực có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, bao gồm công việc, các mối quan hệ, giấc ngủ, sức khỏe và tiền bạc. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến một số hành vi nguy cơ, gây căng thẳng cho những người quan tâm đến bạn vì họ không biết phải giúp đỡ như thế nào hoặc không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

  • Hành vi nguy hiểm

Nhiều người bị rối loạn lưỡng cực vướng vào ma túy hoặc rượu. Họ có thể uống rượu bia hoặc lạm dụng chất kích thích để giảm bớt các triệu chứng khó chịu do tâm trạng thất thường. Việc lạm dụng chất gây nghiện cũng dễ xảy ra ở giai đoạn hưng cảm, sự liều lĩnh và ham vui lúc này đang tăng cao.

  • Suy nghĩ tự tử

Những bệnh nhân mắc chứng rối loạn lưỡng cực có nguy cơ tự tử cao gấp 10 - 20 lần người khác. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm: nói về việc tự tử, sắp xếp công việc và làm những việc rất rủi ro. Nếu bạn biết ai đó đang gặp rủi ro hoặc có kế hoạch tự tử, hãy gọi số đường dây nóng hoặc đưa họ đến phòng cấp cứu ngay lập tức.

5. Bệnh rối loạn lưỡng cực có chữa được không?

Đầu tiên cần loại trừ các nguyên nhân khác khiến tâm trạng người bệnh bất ổn, bao gồm tác dụng phụ của một số loại thuốc. Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe và đặt câu hỏi cho bệnh nhân, chỉ định xét nghiệm nếu cần thiết. Người thân cũng có thể được mời đến nói chuyện với bác sĩ để tìm hiểu rõ hơn sự thay đổi tâm trạng và hành vi của bệnh nhân trong thời gian qua. Bác sĩ chuyên môn tâm thần thường đưa ra chẩn đoán sau khi xem xét cẩn thận tất cả kết quả thăm khám.

  • Dùng thuốc

Một số loại thuốc kê đơn điều trị bệnh rối loạn lưỡng cực bao gồm: chất ổn định tâm trạng, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần. Khi không ở trong giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm, mọi người thường dùng thuốc duy trì để tránh bệnh tái phát.

  • Liệu pháp nói chuyện

Tư vấn tâm lý có thể giúp mọi người tiếp tục dùng thuốc đúng chỉ định và kiểm soát cuộc sống của họ. Liệu pháp nhận thức hành vi tập trung vào việc điều chỉnh lại suy nghĩ và hành vi do thay đổi tâm trạng gây ra. Liệu pháp tương tác cá nhân nhằm mục đích giảm bớt căng thẳng giữa các mối quan hệ do rối loạn lưỡng cực gây ra. Liệu pháp xã hội giúp người bệnh phát triển và duy trì các thói quen hàng ngày.

  • Liệu pháp sốc điện (ECT)

Phương pháp này được thực hiện trong khi người bệnh bị gây mê toàn thân và ngủ say. Liệu pháp sốc điện sử dụng một dòng điện để gây co giật trong não, có thể cải thiện nhanh chóng các triệu chứng tâm trạng của rối loạn lưỡng cực. Đây là một trong những cách nhanh nhất để giảm bớt các triệu chứng nghiêm trọng. ECT thường là một lựa chọn điều trị an toàn và hiệu quả cho các giai đoạn tâm trạng nghiêm trọng khi thuốc không còn hiệu quả.


Bệnh rối loạn lưỡng cực có thể sử dụng thuốc điều trị theo phác đồ của bác sĩ
Bệnh rối loạn lưỡng cực có thể sử dụng thuốc điều trị theo phác đồ của bác sĩ

6. Lời khuyên

Xây dựng những thói quen tốt hàng ngày không thể chữa khỏi chứng rối loạn lưỡng cực, nhưng sẽ đảm bảo cho bạn ngủ đủ giấc, ăn các bữa đều đặn và tập thể dục. Tránh rượu và chất kích thích vì chúng có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn. Nếu bạn bị rối loạn lưỡng cực, bạn nên tìm hiểu “dấu hiệu báo động đỏ” của mình là gì. Dấu hiệu này cho thấy tình trạng nguy hiểm đang chuẩn bị xảy ra và bạn phải có kế hoạch làm gì để nhận được sự trợ giúp càng sớm càng tốt.

Nếu bị rối loạn lưỡng cực, bạn có thể cân nhắc tâm sự với những người thân thiết nhất để được giúp đỡ kiểm soát tình trạng bệnh. Cố gắng giải thích bệnh đang ảnh hưởng đến bạn như thế nào và bạn cần gì. Với sự hỗ trợ của họ, bạn có thể cảm thấy được quan tâm hơn và có động lực để tiếp tục kiên trì với kế hoạch điều trị của mình.

Nhiều người bị rối loạn lưỡng cực không nhận ra họ có vấn đề hoặc từ chối giúp đỡ. Nếu bạn cho rằng bạn bè hoặc thành viên trong gia đình mắc bệnh này, hãy khuyến khích họ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để được xem xét và bắt đầu điều trị. Đừng quên chú ý đến cảm xúc của họ và nhớ rằng bệnh này cần phải có chuyên gia chẩn đoán. Dù là rối loạn lưỡng cực hay một bệnh tâm thần khác thì việc điều trị chuyên nghiệp đều hữu ích.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe