Chảy máu mũi, hay còn gọi là máu cam, là tình trạng mất máu từ các mô ở trong mũi. Không khí khô cùng với các mạch máu nhỏ nằm bên trong mũi thường là nguyên nhân gây ra chảy máu mũi. Có những bước đơn giản mà bạn có thể thực hiện để điều trị và ngăn ngừa tình trạng này. Mặc dù gây khó chịu, nhưng chảy máu mũi thường không phải là vấn đề nghiêm trọng.
Chảy máu mũi là gì?
Chảy máu cam, tức là mất máu từ mô bên trong mũi, có thể xảy ra ở một hoặc cả hai lỗ mũi. Thông thường chỉ ảnh hưởng đến một bên mũi.
Mũi của bạn chứa nhiều mạch máu nhỏ. Những mạch máu này giúp làm ấm và ẩm không khí bạn hít vào. Tuy nhiên, chúng nằm sát bề mặt bên trong mũi. Khi không khí đi qua, có thể gây khô và kích ứng các mạch máu này, khiến chúng dễ bị tổn thương hoặc vỡ dẫn đến chảy máu mũi.
Mặc dù gây khó chịu, nhưng hầu hết các trường hợp chảy máu cam không nghiêm trọng.
Các triệu chứng của chảy máu mũi là gì?
Thông thường, bạn sẽ không có triệu chứng nào khác ngoài việc máu chảy ra từ mũi. Nếu bạn bị chảy máu mũi sau, một số máu có thể chảy xuống phía sau cổ họng và vào dạ dày của bạn. Điều này có thể gây ra mùi vị khó chịu ở phía sau cổ họng và khiến bạn cảm thấy buồn nôn.
Nếu bạn có các triệu chứng khác, đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý.
Nguyên nhân gây ra chảy máu mũi ở một bên mũi?
Hầu hết các trường hợp chảy máu mũi chỉ ảnh hưởng đến một bên lỗ mũi, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cả hai cùng lúc. Chảy máu mũi có nhiều nguyên nhân. May mắn thay, hầu hết chúng không nghiêm trọng.
Nguyên nhân phổ biến nhất của chảy máu mũi là do không khí khô. Không khí khô do khí hậu nóng, độ ẩm thấp hoặc không khí trong nhà có máy sưởi gây ra. Cả hai môi trường này đều khiến màng mũi của bạn (mô nhạy cảm bên trong mũi) bị khô và hoặc bị nứt. Điều này làm tăng khả năng chảy máu khi bị cọ xát, móc hoặc xì mũi. Bạn cũng có thể bị chảy máu mũi nếu đưa vật lạ vào mũi hoặc bị thương ở mũi hoặc mặt.
Các nguyên nhân khác có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng: Cảm lạnh (nhiễm trùng đường hô hấp trên) và viêm xoang, đặc biệt là các đợt gây hắt hơi, ho và xì mũi liên tục.
- Dị ứng: Viêm mũi dị ứng và không dị ứng (viêm lớp lót bên trong mũi).
- Sử dụng thuốc làm loãng máu: Các loại thuốc như aspirin, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), warfarin và các loại khác.
- Sử dụng chất kích thích: Sử dụng ma túy và các chất khác mà bạn hít qua mũi.
- Chất kích ứng hóa học: Các hóa chất trong chất tẩy rửa, hơi hóa chất tại nơi làm việc và các mùi mạnh khác.
- Môi trường ở độ cao: Không khí mỏng hơn (thiếu oxy) và khô hơn khi độ cao tăng.
- Vách ngăn lệch: Hình dạng bất thường của vách ngăn chia hai bên mũi.
- Xịt mũi: Sử dụng thường xuyên thuốc xịt mũi và thuốc điều trị ngứa, nghẹt hoặc chảy mũi. Các loại thuốc này - kháng histamin và thuốc thông mũi - có thể làm khô màng mũi của bạn.
Các nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm:
- Sử dụng bia rượu.
- Rối loạn chảy máu, chẳng hạn như bệnh ưa chảy máu hoặc bệnh Von Willebrand.
- Cao huyết áp.
- Xơ vữa động mạch.
- Phẫu thuật vùng mặt và mũi.
- U mũi.
- Polyp mũi.
- Giảm tiểu cầu miễn dịch.
- Bệnh bạch cầu.
- Dị dạng mạch máu di truyền.
- Mang thai.
Cần chuẩn bị gì khi đến gặp bác sĩ do chảy máu mũi?
Bác sĩ sẽ hỏi bạn về chảy máu mũi, bao gồm:
- Thời lượng (phút) bị chảy máu.
- Lượng máu mất ước lượng.
- Tần suất xảy ra chảy máu.
- Bị chảy máu ở một hay hai bên mũi.
Họ cũng sẽ hỏi về:
- Thuốc bạn đang sử dụng, bao gồm cả thuốc làm loãng máu không kê đơn như aspirin và thuốc điều trị cảm lạnh và dị ứng.
- Tiền sử gia đình của bạn, bao gồm bất kỳ tiền sử rối loạn máu nào.
- Việc sử dụng rượu và/hoặc các chất kích thích mà bạn hít qua mũi.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ kiểm tra mũi của bạn để xác định nguồn chảy máu và nguyên nhân. Họ sẽ sử dụng một dụng cụ nhỏ để mở lỗ mũi và sử dụng các nguồn sáng hoặc ống nội soi (ống có đèn) để quan sát bên trong đường mũi.
Bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc gây tê tại chỗ để làm tê (gây tê) bên trong mũi của bạn và thu hẹp các mạch máu. Bác sĩ có thể loại bỏ các cục máu đông và vảy bên trong mũi. Điều này có thể không thoải mái nhưng không gây đau.
Đôi khi, họ có thể yêu cầu chụp X-quang, CT scan hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra các rối loạn chảy máu, bất thường về mạch máu hoặc khối u mũi.
Khi nào chảy máu mũi cần gặp bác sĩ?
Liên hệ với bác sĩ nếu:
- Bạn thường xuyên bị chảy máu cam.
- Bạn có triệu chứng của bệnh thiếu máu (cảm thấy yếu, choáng, mệt mỏi, lạnh hoặc khó thở, hoặc có làn da nhợt nhạt).
- Trẻ em dưới 2 tuổi bị chảy máu mũi.
- Bạn đang dùng thuốc chống đông máu (như aspirin hoặc warfarin) hoặc có rối loạn đông máu và máu không ngừng chảy.
- Bạn bị chảy máu mũi mà có vẻ xảy ra khi bắt đầu một loại thuốc mới.
- Bạn bị chảy máu mũi kèm theo những vết bầm bất thường trên khắp cơ thể. Đây có thể là nguyên nhân của một tình trạng nghiêm trọng hơn như rối loạn đông máu (như bệnh máu khó đông hoặc bệnh Von Willebrand), bệnh bạch cầu hoặc khối u ở mũi.
Khi nào chảy máu mũi nguy hiểm?
Mặc dù chảy máu mũi có thể gây lo lắng, nhưng hầu hết các trường hợp chảy máu mũi không nghiêm trọng. Bạn thường có thể tự quản lý chúng tại nhà. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra một số trường hợp chảy máu mũi với bác sĩ. Chẳng hạn, nếu bạn bị chảy máu mũi thường xuyên, hãy gặp bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu sớm của bệnh lý cần kiểm tra.
Một số trường hợp chảy máu mũi có thể bắt đầu ở phía sau mũi. Những trường hợp chảy máu mũi này thường liên quan đến các mạch máu lớn dẫn đến chảy máu nhiều và có thể nguy hiểm. Bạn sẽ cần đến sự chăm sóc y tế, đặc biệt nếu chảy máu xảy ra sau một chấn thương và chảy máu không ngừng sau 20 phút cầm máu.
Chảy máu mũi có gây tử vong không?
Chảy máu mũi xảy ra ở phần cao hơn của vách ngăn hoặc sâu hơn trong mũi có thể khó kiểm soát hơn. Tuy nhiên, chảy máu mũi hiếm khi gây tử vong. Chúng chỉ chiếm 4 trong số 2,4 triệu ca tử vong ở Hoa Kỳ.
Nguyên nhân gây chảy máu mũi khi ngủ
Nguyên nhân gây chảy máu mũi khi ngủ cũng giống như những lý do khiến chúng xảy ra vào ban ngày — màng nhầy trong mũi bị khô do không khí khô, dị ứng và nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể làm tổn thương lớp niêm mạc mũi nhạy cảm. Ngoài ra, việc ngủ với đầu nghiêng sang một bên có thể tạo áp lực trực tiếp lên khoang mũi, điều này cũng có thể là một lý do khác gây chảy máu mũi vào ban đêm.
Có thể uống nước sau khi bị chảy máu mũi không?
Có, bạn nên uống nhiều nước sau khi bị chảy máu mũi. Có thể bao gồm nước, nước trái cây và các loại chất lỏng không chứa caffeine khác. Sau khi bị chảy máu mũi, máu có thể chảy xuống phía sau cổ họng vào dạ dày. Điều này sẽ gây ra vị khó chịu ở cổ họng hoặc gây buồn nôn. Tuy nhiên, uống nước sẽ không ảnh hưởng đến tình trạng chảy máu mũi.
Có cục máu đông khi bị chảy máu mũi có bình thường không?
Có. Cục máu đông là những cục máu hình thành do phản ứng với một mạch máu bị thương. Quá trình đông máu giúp ngăn ngừa chảy máu mũi quá mức khi một mạch máu bị tổn thương. Khi bạn bóp mũi để cầm máu, máu sẽ bắt đầu đông lại. Nó thường sẽ ở lại đó cho đến khi được loại bỏ hoặc nhẹ nhàng xì mũi.
Tại sao tôi lại bị đau đầu và chảy máu mũi?
Nhiều yếu tố có thể dẫn đến đau đầu và chảy máu mũi. Một nguyên nhân phổ biến của cả hai triệu chứng là lệch vách ngăn mũi. Một nghiên cứu cho thấy chảy máu mũi có thể là một dấu hiệu trước của các cơn đau nửa đầu. Các nguyên nhân phổ biến khác gây ra đau đầu và chảy máu mũi có thể bao gồm:
- Dị ứng.
- Thay đổi thời tiết.
- Chấn thương nghiêm trọng.
- Các tình trạng y tế khác.
Chảy máu mũi là một tình trạng phổ biến nhưng gây khó chịu. Hãy học các bước để cầm máu nhanh chóng, giúp bạn quay trở lại tình trạng ban đầu. Mặc dù hầu hết các trường hợp chảy máu mũi không nghiêm trọng, bạn nên gặp bác sĩ nếu thường xuyên bị chảy máu mũi hoặc rối loạn đông máu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: clevelandclinic