Bài viết bởi Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chất điện giải có vai trò quan trọng đối với cơ thể con người, liên quan trực tiếp đến các quá trình chuyển hoá quan trọng. Các chất này được cung cấp thông qua nước uống, thức ăn. Nếu như mất điện giải sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, do đó cần duy trì cung cấp chúng vào cơ thể hàng ngày.
1. Chất điện giải là gì?
Chất điện giải là những chất dịch khoáng như Natri, Kali, Canxi, Magie, Clo, Phosphate, bicarbonate...có thể hòa tan trong các dịch cơ thể tạo ra các ion tích điện, một số ion sẽ tích điện dương và một số ion tích điện âm.
Các chất điện giải có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, thúc đẩy hoạt động cơ và các quá trình khác diễn ra trong cơ thể dễ dàng, hiệu quả hơn.
2. Công dụng của Chất điện giải
Các chất điện giải rất cần thiết với cơ thể vì nhờ có chúng mà các tế bào (đặc biệt là các tế bào thần kinh, tim và cơ) có thể duy trì năng lượng, bổ sung dưỡng chất cần thiết cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên mỗi chất điện giải lại có những chức năng, vai trò riêng:
- Natri: Là nguyên tố chủ yếu của dịch ngoài tế bào, có vai trò quan trọng trong việc duy trì thẩm thấu dịch, kích thích dẫn truyền thần kinh, giúp cân bằng độ pH và bảo vệ cơ thể khỏi sự mất dịch.
- Kali: Kali chiếm tỉ lệ lớn trong dịch nội bào, giúp điều chỉnh các chất cân bằng điện giải, giúp cơ co thắt và để điều chỉnh chức năng bình thường của não và thần kinh. Ở tế bào kali có nhiệm vụ quan trọng là cân bằng lượng axit, áp suất thẩm thấu và giữ lại nước cho tế bào. Mặt khác, Kali còn phối hợp với natri để duy trì chức năng bình thường của cơ bắp và tim, giúp kiểm soát ổn định nhịp tim.
- Magie: Magie là lượng chất giúp điều chỉnh nồng độ chất khuếch tán, lipid và protein trong cơ thể, cũng là nguyên tố đảm bảo cho quá trình co cơ và dẫn truyền thần kinh diễn ra hiệu quả.
- Canxi: Là chất điện giải quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các enzym, giữ vai trò quan trọng trong cấu tạo hệ xương, đảm bảo quá trình đông máu và hoạt động của các hệ cơ.
3. Mất cân bằng điện giải sẽ gây nên vấn đề gì?
Mất cân bằng điện giải (rối loạn điện giải) là biểu hiện bất thường trong nồng độ chất điện giải của cơ thể. Các rối loạn điện giải nghiêm trọng nhất thường diễn ra liên đến nồng độ natri, kali hoặc canxi hơn là các vi chất khác.
- Nguyên nhân: Chất điện giải có thể mất đi khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi khi sốt cao, vận động, tập thể dục thể thao hoặc gặp các bệnh lý gây tiêu chảy, nôn mửa, mất nước...Một số bệnh nhân lạm dụng thuốc nhuận tràng mãn tính hoặc viêm dạ dày ruột cũng có thể dẫn đến rối loạn điện giải cùng mất nước. Những người bị chứng rối loạn ăn uống, chán ăn cũng có nguy cơ cao bị mất cân bằng điện giải.
- Dấu hiệu: Nếu cơ thể mất đi quá nhiều các chất điện giải, cơ thể sẽ xuất hiện những dấu hiệu như suy kiệt, mệt mỏi, ngứa ngáy, yếu cơ, bụng chướng, nhịp tim tăng giảm thất thường, nôn mửa, co giật thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
- Hạ Magie trong máu sẽ có biểu hiện:
- Tim mạch gây rối loạn nhịp thất
- Thần kinh cơ: Yếu cơ, dấu hiệu Chvostek và Trousseau dương tính, co giật toàn thân, co cứng Tetany, chóng mặt, mất điều hòa, rung giật nhãn cầu, các chuyển động múa vờn
- Kiềm hóa chuyển hóa
- Chán ăn
Chính vì những biểu hiện nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt như trên mà việc bổ sung, giữ cân bằng chất điện giải trong cơ thể là vô cùng cấp thiết và đáng lưu ý. Việc đánh giá, định lượng nồng độ ion điện giải cũng rất quan trọng để xác định phương hướng điều trị đối với các bệnh nhân bị rối loạn điện giải.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.