Tổng quan về buồng trứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Buồng trứng có vai trò quan trọng trong duy trì sức khỏe sinh sản ở nữ giới. Nó tiết ra 2 hormone chính là estrogen và progesterone. Các bệnh liên quan đến buồng trứng bao gồm u nang buồng trứng, ung thư buồng trứng, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và hội chứng buồng trứng đa nang.

1. Giải phẫu buồng trứng

Buồng trứng có hình bầu dục và kích thước tương đương một quả nho lớn. Chúng nằm ở hai đầu đối diện của thành chậu, ở hai bên tử cung. Mỗi buồng trứng gắn với một fimbria - mô nối giữa buồng trứng với ống dẫn trứng.

2. Vai trò của buồng trứng

Buồng trứng là cặp cơ quan sản xuất trứng, giúp duy trì sức khỏe sinh sản nữ. Giống như tinh hoàn, buồng trứng được gọi là tuyến sinh dục, hiểu một cách đơn giản chúng là những cơ quan sinh sản chính của cơ thể.

Ngoài vai trò sản xuất ra trứng, buồng trứng còn là một loại tuyến nội tiết vì chúng tiết ra 2 hormone chủ yếu là estrogenprogesterone, rất quan trọng đối với quá trình phát triển của cơ thể nói chung và sinh sản nói riêng.


Buồng trứng có vai trò quan trọng trong việc sinh sản ở phụ nữ
Buồng trứng có vai trò quan trọng trong việc sinh sản ở phụ nữ

3. Các hormone của buồng trứng

Buồng trứng sản xuất và giải phóng hai nhóm hormone giới tính progesterone và estrogen. Thực tế, có 3 hormone chính là estradiol, estrone và estriol. Chúng phối hợp với nhau để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các đặc điểm giới tính nữ trong độ tuổi dậy thì và đảm bảo khả năng sinh sản.

Hormone estrogen có vai trò đối với việc phát triển vú, phân phối chất béo ở hông, chân và vú, cũng như sự phát triển của các cơ quan sinh sản.

Ở mức độ thấp hơn, buồng trứng giải phóng hormone relaxin trước khi người phụ nữ sinh con. Ngoài ra có một loại hormone khác giống như chất ức chế - có vai trò rất quan trọng khi truyền tín hiệu đến tuyến yên để ức chế sự tiết hormone kích thích nang trứng.


Hormone estrogen
Hormone estrogen

4. Quy trình sản xuất và vai trò của hormone Progesterone và Estrogen

Progesterone và estrogen rất cần thiết đối với tử cung để chuẩn bị cho kinh nguyệt. Sự giải phóng hai hormone này được kích hoạt bởi vùng dưới đồi.

Khi nữ giới đến tuổi dậy thì, buồng trứng sẽ giải phóng một quả trứng mỗi tháng. Vùng dưới đồi gửi tín hiệu đến tuyến yên để giải phóng các chất kích thích tố sinh dục (gồm hormone kích thích nang trứng và hormone luteinizing). Những hormone này rất cần thiết cho chức năng sinh sản bình thường, bao gồm cả sự điều hòa của chu kỳ kinh nguyệt.

Khi trứng di chuyển xuống ống dẫn trứng, progesterone được giải phóng. Nó được tiết ra bởi một tuyến tạm thời hình thành trong buồng trứng sau khi trứng rụng, gọi là hoàng thể. Progesterone có vai trò chuẩn bị cơ thể cho việc mang thai bằng cách làm dày niêm mạc tử cung. Nếu mang thai không xảy ra, hoàng thể sẽ biến mất.

Nếu mang thai xảy ra, nồng độ estrogenprogesterone sẽ được kích hoạt tăng lên, ngăn trứng tiếp tục trưởng thành. Progesterone được tiết ra nhằm ngăn ngừa co bóp tử cung có thể làm xáo trộn phôi đang phát triển. Ngoài ra các hormone cũng chuẩn bị cho việc tiết sữa ở người mẹ.

Nồng độ estrogen tăng lên ở gần cuối thai kỳ là cảnh báo cho việc tuyến yên tiết ra oxytocin gây co bóp tử cung. Trước khi sinh, buồng trứng giải phóng relaxin giúp làm lỏng dây chằng vùng chậu, chuẩn bị cho việc chuyển dạ.

Các hormone được giải phóng trong thai kỳ nhiều hơn ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời người phụ nữ. Tuy nhiên trong thời kỳ mãn kinh, điều này lại đánh dấu sự kết thúc của khả năng sinh sản với mức sản xuất estrogen giảm nhanh, có thể dẫn tới hàng loạt những biến chứng đối với người phụ nữ.


Tuyến yên có vai trò quan trọng đối với hormone
Tuyến yên có vai trò quan trọng đối với hormone

5. Các bệnh và rối loạn tại buồng trứng

5.1 Loãng xương

Loãng xương thường liên quan đến mãn kinh ở người phụ nữ, bên cạnh các biểu hiện khác như thay đổi tâm trạng hay bốc hỏa.

Mãn kinh được đánh dấu bằng việc thiếu hụt estrogen nhanh chóng. Vai trò của estrogen trong việc mất xương có thể được mô tả rõ nhất trong trận chiến giữa tế bào tạo xương (osteoblast) và tế bào hủy xương (osteoclast). Estrogen song hành cùng các tế bào tạo xương, nhưng khi hormone này giảm dần các nguyên bào xương không được khuyến khích sản xuất thêm, dẫn tới tế bào hủy xương giành chiến thắng do hấp thụ nhiều xương hơn số được tạo ra.

Trong trường hợp này, liệu pháp thay thế estrogen trong thời kỳ mãn kinh sẽ giúp bảo vệ xương và chống lại nguy cơ gãy xương do loãng xương. Liệu pháp này phù hợp với hầu hết phụ nữ, trừ trường hợp bị ung thư vú hoặc ung thư tử cung; có chức năng gan kém hoặc mắc bệnh gan; tiền sử cục máu đông. Estrogen có thể được dùng dưới dạng miếng dán trên da và thuốc viên, tùy thuộc vào nhãn hiệu mà bác sĩ khuyên dùng.


Loãng xương ở nữ giới
Loãng xương ở nữ giới

5.2 Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là một bệnh cực kỳ nghiêm trọng nhưng hiếm gặp. Triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng cho đến khi ung thư đã chuyển sang giai đoạn muộn.

Các triệu chứng của ung thư buồng trứng bao gồm: đau bụng dai dẳng, đầy hơi, khó tiêu, chảy máu tử cung bất thường và bị đau khi giao hợp. Đây là những vấn đề rất phổ biến, dễ gây nhầm lẫn, do vậy trong phần lớn các trường hợp không thể chỉ ra ung thư. Do vậy điều quan trọng là người phụ nữ phải chú ý đến cơ thể của mình, trao đổi với bác sĩ về bất cứ điều gì bất thường xảy ra cho dù là nhỏ nhất.

5.3 U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là một túi chứa nhiều chất lỏng, nó ảnh hưởng tới phụ nữ ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là độ tuổi sinh đẻ. U nang rất phổ biến, có kích thước từ hạt đậu cho đến quả bưởi (nhỏ).

Phần lớn u nang là vô hại, tuy nhiên những u nang lớn với đường kính trên 5cm thì cần phải phẫu thuật cắt bỏ, vì chúng có thể gây xoắn buồng trứng và làm gián đoạn cung cấp máu.

U nang có thể hình thành vì nhiều lý do. Thông thường chúng chỉ đơn giản là kết quả của việc kinh nguyệt hoạt động bình thường. Người phụ nữ sẽ không gặp phải triệu chứng nào và u nang biến mất sau một vài chu kỳ. Đó được gọi là u nang chức năng.

U nang đa phần là lành tính, nhưng các u nang bệnh lý, chẳng hạn như ở người mắc hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây cho người bệnh cảm giác đau đớn.

Điều trị u nang buồng trứng tùy thuộc vào kích thước loại u nang. Nếu bạn bị đau, hãy trao đổi điều này với bác sĩ để được chỉ định phương pháp điều trị tốt.

Dưới đây là những triệu chứng phổ biến của u nang bệnh lý:

  • Triệu chứng rõ ràng nhất là đau, khó chịu ở bụng, âm đạo, lưng dưới, đùi
  • Vú mềm
  • Đầy hơi
  • Lông trên mặt, lưng và ngực tăng trưởng bất thường
  • Đau trước hoặc sau chu kỳ kinh nguyệt, chu kỳ không đều
  • Tăng cân
  • Mệt mỏi

Hình ảnh u nang buồng trứng
Hình ảnh u nang buồng trứng

5.4 Hội chứng buồng trứng đa nang

Chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang theo tiêu chuẩn của Viện Y tế Quốc gia (Hoa Kỳ) là bằng siêu âm vùng chậu, dựa trên các dấu hiệu của tăng tiết androgen và vô kinh. Các đặc điểm khác bao gồm kinh nguyệt không đều, mọc mụn trứng cá, tăng phát triển lông trên mặt và cơ thể.

Hội chứng buồng trứng đa nang về cơ bản là do mất cân bằng nội tiết tố, nhiều triệu chứng của bệnh có nguyên nhân từ việc tăng sản xuất nội tiết tố androgen. Những người này thường có nồng độ testosterone tự do cao.

Bệnh nhân buồng trứng đa nang thường bị thừa cân, kháng insulin và mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Nhiều triệu chứng của bệnh sẽ mờ dần khi người bệnh giảm cân.

Buồng trứng đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong hệ sinh sản nữ mà còn cả hệ thống nội tiết nói chung. Các hormone do buồng trứng tiết ra có vai trò đảm bảo sự phát triển đúng hướng của cơ thể phụ nữ và thúc đẩy khả năng sinh sản khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe