Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Thùy Nhung - Phó Trưởng khoa Xét nghiệm - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu được đánh giá là một trong những xét nghiệm quan trọng đối với phụ nữ đang mang thai. Đây là một trong những xét nghiệm cơ bản nhất được thực hiện thường quy để đánh giá sức khỏe tổng thể của thai phụ và từ đó phát hiện ra các rối loạn như nhiễm trùng, thiếu máu và bệnh về máu..v...v
1. Tổng phân tích tế bào máu (CBC) là gì?
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu CBC (Complete blood count) mang lại những thông tin quan trọng về số lượng và các loại tế bào trong máu, ví dụ như đếm số lượng hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu. Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây nên các triệu chứng như suy yếu, mệt mỏi, xuất hiện những mảng bầm tím thường gặp ở bà bầu. Bởi rất có thể đấy là những dấu hiệu của hội chứng thiếu máu, nhiễm trùng và các chứng rối loạn khác.
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu khi mang thai có thể được thực hiện như một phần của đánh giá sức khỏe thai kỳ định kỳ, từ đó có thể cung cấp thông tin có giá trị về tình trạng sức khỏe chung.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
Cụ thể, công thức máu (CBC) sẽ chúng ta biết thông tin về những chỉ số sau:
- Số lượng bạch cầu (WBC): Khi một người bị nhiễm vi khuẩn, số lượng tế bào bạch cầu tăng cao. Chỉ số này giúp xác định khả năng nhiễm trùng hoặc đánh giá mức độ cơ thể đáp ứng với điều trị ung thư.
- Phần trăm từng loại bạch cầu (WBC): Tỷ lệ các loại bạch cầu như: bạch cầu trung tính, tế bào lympho, bạch cầu đơn nhân, bạch cầu ái kiềm và bạch cầu ái toan giúp cung cấp thông tin quan trọng về hệ thống miễn dịch. Từ đó đánh giá nguy cơ bị nhiễm trùng, phản ứng dị ứng với thuốc, hóa chất hoặc mắc bệnh bạch cầu...v.v..
- Số lượng hồng cầu (RBC): Xác định tình trạng thiếu máu (hồng cầu thấp) hoặc đa hồng cầu (hồng cầu cao).
- Dung tích hồng cầu (HCT) và Huyết sắc tố Hemoglobin (Hgb): là 2 xét nghiệm chính đánh giá khả năng thiếu máu hoặc đa hồng cầu.
- Chỉ số hồng cầu: bao gồm thể tích trung bình (MCV), huyết sắc tố trung bình (MCH) và nồng độ huyết sắc tố trung bình (MCHC) giúp chẩn đoán các loại thiếu máu khác nhau.
- Số lượng tiểu cầu (thrombocytes): đánh giá quá trình cầm máu và nguy cơ đột quỵ , nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn mạch máu..
- Thể tích trung bình tiểu cầu (MPV): được sử dụng cùng với số lượng tiểu cầu để chẩn đoán một số bệnh.
2. Vì sao nên xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu khi mang thai?
Thai phụ có thể được bác sĩ chỉ định xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu bởi nhiều lý do như:
- Khám sức khỏe tổng quát: xét nghiệm CBC là một phần của quá trình khám tổng quát thông thường.
- Chẩn đoán một số bệnh lý: bác sĩ sẽ đề nghị thai phụ làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu nếu thấy có dấu hiệu mệt mỏi, suy nhược, sốt, viêm nhiễm, bị bầm tím hay chảy máu. Những triệu chứng và dấu hiệu trên hoàn toàn có thể do thiếu máu, nhiễm trùng hoặc bệnh bạch cầu, đa hồng cầu...
- Theo dõi tình trạng sức khoẻ của mẹ và con: nếu thai phụ đã từng bị chẩn đoán chứng rối loạn về máu gây ảnh hưởng tới số lượng tế bào máu, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thử máu thường xuyên để theo dõi tình trạng bệnh lý. Ngoài ra, nếu chỉ số Hemoglobin hoặc Hematocrit (RBC) thấp là dấu hiệu thai phụ đang thiếu sắt, thiếu máu, gây cản trở sự phát triển của thai nhi.
- Đánh giá phương pháp điều trị: Công thức máu CBC còn được dùng để theo dõi tình trạng sức khoẻ của thai phụ nếu đang dùng thuốc điều trị bệnh khác nhưng lại ảnh hưởng tới số lượng tế bào máu, giúp kiểm tra tình trạng cơ thể đáp ứng với một số loại thuốc hoặc điều trị bức xạ.
- Sàng lọc các giá trị máu cao và thấp trước khi phẫu thuật (sinh mổ): đảm bảo sức khỏe của thai phụ đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật, không thiếu máu hoặc mắc chứng máu khó đông....
3. Quy trình thực hiện xét nghiệm CBC
Nếu thai phụ chỉ lấy máu để làm xét nghiệm công thức máu thì không cần phải nhịn ăn hoặc nhịn uống trước khi làm xét nghiệm. Tuy nhiên đa số trường hợp bác sĩ sẽ lấy mẫu máu này để làm thêm nhiều xét nghiệm khác cùng một lúc nên đôi khi những xét nghiệm kèm thêm đó yêu cầu thai phụ phải nhịn đói trước khi lấy máu. Nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ về việc ăn uống trước khi lấy máu.
Ngày đi làm xét nghiệm, bạn nên mặc áo ngắn tay để nhân viên y tế có thể dễ dàng lấy máu từ cánh tay của bạn. Các bước lấy máu thực hiện xét nghiệm CBC bao gồm:
Bước 1: Quấn một dải thun quanh tay để ngưng máu lưu thông.
Bước 2: Sát trùng vị trí lấy máu bằng cồn.
Bước 3: Đưa kim vào tĩnh mạch và lấy máu. Có thể cần nhiều hơn một thanh kim nếu cần thiết.
Bước 4: Tháo băng khỏi cánh tay sau khi lấy đủ máu.
Bước 5: Đặt miếng gạc băng hay bông gòn lên chỗ vừa tiêm để cầm máu.
Bước 6: Dán băng cá nhân lên chỗ vừa tiêm.
4. Lưu ý về kết quả xét nghiệm CBC
Khi nhận được kết quả xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, hãy lưu ý rằng kết quả xét nghiệm còn tùy thuộc vào một số nguyên nhân khách quan như:
- Mang thai: khi mang thai thường thiếu máu.
- Tập thể dục, căng thẳng, hút thuốc: số lượng bạch cầu có thể giảm
- Uống một số loại thuốc có thể gây ra mức tiểu cầu thấp. Ví dụ như thuốc steroid, một số loại kháng sinh, thuốc lợi tiểu Thiazid, thuốc hóa trị, Quinine và Meprobamate.
- Người có lá lách to: có thể khiến giảm tiểu cầu hoặc số lượng bạch cầu thấp. Lá lách to có thể là nguyên nhân của một số loại ung thư.
- Chất béo triglyceride trong cơ thể cao: cũng có thể khiến chỉ số bạch cầu, hemoglobin tăng giả tạo.
- Trẻ em thường có số lượng bạch cầu cao hơn người lớn.
- Những bệnh lý khác nhau có thể dẫn đến sự tăng hay sự giảm số lượng tế bào máu trong cơ thể. Một số bệnh lý cần được điều trị trong khi số khác sẽ tự khỏi.
Trước khi tiến hành xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, sản phụ nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu có bất cứ câu hỏi nào, hãy trao đổi với bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.