Tổn thương trong chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não là thuật ngữ không còn xa lạ với mọi người, bệnh nhân có thể có các biểu hiện như đau đầu, hôn mê, yếu liệt... tùy theo mức độ và vị trí tổn thương của não bộ.

1. Chấn thương sọ não

Nguyên nhân gây ra chấn thương sọ não chủ yếu là do tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Chấn thương sọ não là tình trạng người bệnh bị sang chấn vào đầu gây tổn thương hộp sọ và các cấu trúc khác bên trong hộp sọ.

Chấn thương sọ não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và các tổn thương bệnh gây ra có nguy cơ dẫn đến tử vong đối với người bệnh, đặc biệt với trẻ em.


Chấn thương sọ não có nguy cơ dẫn đến tử vong đối với người bệnh, đặc biệt với trẻ em
Chấn thương sọ não có nguy cơ dẫn đến tử vong đối với người bệnh, đặc biệt với trẻ em

2. Các tổn thương do chấn thương sọ não gây ra

Tổn thương nguyên phát và tổn thương thứ phát là 2 tổn thương chính là chấn thương sọ não gây ra. Bên cạnh đó, chấn thương sọ não còn gây nên một số biến chứng muộn như bị động kinh do sẹo não.

2.1 Các tổn thương nguyên phát

Các tổn thương nguyên phát được hình thành ngay sau chấn thương sọ não thường bao gồm tổn thương vòm sọ, vỡ sàn sọ, dập não, lõm sọ ở trẻ em, lõm sọ ở người lớn. Cụ thể:

  • Nứt sọ: Chỉ khi người bệnh được chụp X-quang hoặc CT scan mới có thể phát hiện ra đường nứt sọ. Tuy nhiên, nứt sọ có thể không cần điều trị nhưng cần được theo dõi thêm vì tình trạng này có tiến triển sang giai đoạn bệnh khác.
  • Lõm sọ ở trẻ em: Chủ yếu tập trung ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, nguyên nhân là khi trẻ còn nhỏ, xương sọ chưa hoàn thiện và còn rất mỏng manh. Vị trí lõm sọ hầu hết được ghi nhận ở chỗ lồi của xương sọ (vùng đỉnh đầu), da bên ngoài thường nguyên vẹn. Trong trường hợp này, thường màng não và mô não bên dưới không bị tổn thương.
  • Lõm sọ ở người lớn: thường đi kèm tụ máu nội sọ hoặc dập não. Nguyên nhân là do lực chấn thương lớn gây vỡ xương sọ thành nhiều mảnh.
  • Dập não: Là tình trạng bệnh vô cùng nguy hiểm và có nguy cơ tử vong đến 70%. Trường hợp này xảy ra chủ yếu là do va chạm mạnh gây tổn thương như tai nạn giao thông. Trạng thái dập não bao gồm hoại tử tế bào não, đứt mạch máu, máu tụ trong não, huyết khối dẫn đến nhồi máu não. Khi xảy ra tai nạn, nếu tổn thương trực tiếp xảy ra ở đáy thùy trán, ở cực thái dương thì não sẽ bị dập do va chạm mạnh vào trần hốc mắt và vào cánh nhỏ của xướng bướm. Trong nhiều trường hợp sẽ hình thành nhanh chóng một khối máu tụ dưới màng cứng ở khu vực đó, đây là một tổn thương thứ phát. Về sau chung quanh khu vực dập não sẽ có phù não rõ và đó cũng là một tổn thương thứ phát.
  • Vỡ sàn sọ: Thường các đường nứt sọ ở vòm sọ sẽ lan xuống đến nền sọ. Đa số các trường hợp nứt thường ở tầng giữa và có liên quan đến xương đá cùng các dây thần kinh sọ não lân cận như: dây thần kinh số III, IV, V, VI, VII, VIII; có khi chảy dịch não tủy hoặc máu ra lỗ tai ngoài.

2.2 Các tổn thương thứ phát

Các tổn thương thứ phát chưa có ngay sau khi bị chấn thương sọ não mà chúng hình thành dần về sau gồm phù não, các loại máu tụ trong sọ, các tổn thương muộn khác.

  • Phù não: Là hậu quả chung của tất cả mọi chấn thương sọ não nặng, nguyên nhân tổn thương ở hàng rào máu não. Tình trạng phù não thường nặng ở khu vực bị dập não.

Phù não là hậu quả chung của tất cả mọi chấn thương sọ não nặng
Phù não là hậu quả chung của tất cả mọi chấn thương sọ não nặng

  • Máu tụ ngoài màng cứng: Nguồn gây nên sự chảy máu thường bắt nguồn từ một đường nứt sọ, nhất là ở trẻ em hoặc từ động mạch màng não bị rách khi chấn thương. Thực tế tính chung trong tổng số các trường hợp bị chấn thương sọ não có khoảng 1-3% bị máu tụ ngoài màng cứng, nếu chỉ tính số chấn thương sọ não nặng thì có đến khoảng 10% các trường hợp bị loại máu tụ này.
  • Máu tụ dưới màng cứng cấp diễn: Các triệu chứng của máu tụ dưới màng cứng cấp tính thường xuất hiện ngay sau khi bị chấn thương đầu. Có thể là sau vài phút đến 24 - 48 giờ. Bạn có thể bị bất tỉnh ngay tại thời điểm chấn thương đầu nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra. Bạn có thể có một vài giờ tỉnh táo sau khi chấn thương, nhưng sau đó trở nên không khỏe. Bạn có thể bị ngất hay hôn mê khi khối máu tụ hình thành. Nếu bạn không ngất, bạn có thể cảm thấy ngầy ngật hay bị đau đầu rất nhiều. Bạn cũng có thể thấy khó chịu hoặc nôn mửa, có thể bị lú lẫn, yếu tay chân ở một bên và nói khó khăn. Đôi khi co giật có thể xảy ra.
  • Máu tụ dưới màng cứng mạn tính: Các triệu chứng của một tụ máu dưới màng cứng mãn tính thường không xuất hiện cho đến khoảng 2-3 tuần sau khi bị chấn thương đầu và ở một số người, có thể là vài tháng sau khi chấn thương.

Trong thực tế, thường là chấn thương nhỏ hoặc bệnh nhân quên đã bị chấn thương đầu. Cụ thể hơn, bệnh này có thể xảy ra ở người lớn tuổi dùng thuốc kháng đông, hoặc những người nghiện rượu.

Các triệu chứng có xu hướng tăng dần. Thường gặp là chán ăn, buồn nôn và / hoặc nôn mửa. Nhức đầu rất hay có và nặng dần lên.

2.3 Các tổn thương muộn khác

  • Viêm màng não mủ: Vi khuẩn xâm nhập vào dịch não tủy làm lượng bạch cầu đa nhân trung tính tăng lên đến hàng trăm, hàng nghìn và về sau không đếm được trong mỗi mm3. Các bạch cầu này sẽ thoái hóa và mủ xuất hiện. Một số trường hợp có chỉ định mổ để bịt các lỗ rò ở sàn sọ nhưng thường thất bại với tỉ lệ khá cao.
  • Lỗ rò động mạch cảnh - xoang hang: đây là một biến chứng ít gặp nhưng dễ chẩn đoán. Nguyên nhân do sàn sọ bị vỡ ở tầng giữa và gây tổn thương đoạn động mạch cảnh trong chui qua xoang hang và gây nên lỗ rò ở đó.
  • Áp lực trong sọ: Trong chấn thương sọ não, các tổn thương thứ phát như phù não, dập não, máu tụ làm tăng áp lực trong sọ. Hậu quả nghiêm trọng đó được biểu hiện bằng các triệu chứng gọi chung là hội chứng tăng áp lực nội sọ cấp tính. Có hai loại triệu chứng được thấy rõ là tri giác giảm dần và các dấu hiệu sinh tồn biến đổi.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe